Gặp gỡ cô gái thích "tiêu xài" tuổi trẻ của mình

Huyền Trang,
Chia sẻ

Học giỏi, được học bổng và có cơ hội làm việc tại Pháp. Nhưng cô gái trẻ Quỳnh Trang lại một mực trở về Việt Nam. Cô gái này sống với phương châm: " chỉ có một cuộc đời để sống, chỉ có một tuổi trẻ để… tiêu xài, nên phải xài sao để sau này không hối tiếc".

Thành tích “khủng” trong học tập

Tự nhận mình không phải là người chăm học, chúi đầu vào sách vở, nhưng Đỗ Việt Quỳnh Trang vẫn sở hữu một bảng thành tích học tập đáng nể. Là một trong những học sinh thuộc tốp đầu của lớp Toán – Tin trường Phổ thông Năng Khiếu (thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Quỳnh Trang nhanh chóng bén duyên với tiếng Pháp và tỏa sáng ở lớp Cử nhân Tài năng khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – một trong hai Khoa của trường đào tạo song ngữ Pháp – Việt.

Từ khi vào Đại học, tôi đã đặt mục tiêu phải khám phá, trải nghiệm cuộc sống chứ không chỉ tập trung học hành. Tôi không cố gắng để trở thành số 1 trong lớp, vì tôi nghĩ chỉ xuất sắc ở trường học không đảm bảo thành công ở trường đời. Suốt những năm đại học, tôi dành thời gian tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đi dạy kèm, làm thêm… Tôi cũng đi chơi nhiều và nổi tiếng… hay cúp học (cười lớn)”, Quỳnh Trang nhớ lại.

Nhưng năm 2008, Quỳnh Trang vẫn tốt nghiệp loại giỏi và là một trong số ít sinh viên giành được học bổng Evariste Galois – học bổng Thạc sĩ toàn phần của Chính phủ Pháp.
 


Gặp gỡ cô gái thích
Quỳnh Trang sở hữu bảng thành tích đáng nể trong học tập.

Cười tươi, Quỳnh Trang bảo có lẽ đó cô giành được học bổng cũng do nhiều yếu tố, có lẽ có cả chút may mắn, vì kết quả học tập của cô ở năm thứ hai và thứ ba Đại học (thời điểm nộp hồ sơ) không thật sự xuất sắc, thậm chí vốn tiếng Pháp của cô lúc đó còn… chưa đủ chuẩn làm visa.

Vậy mà, cô đã được trường Đại học Paris 11 - một trường rất mạnh về Hóa học và thuộc dạng danh giá của Pháp – chấp nhận trở thành học viên ngành hóa học hữu cơ (hóa học xanh) ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học.

Khi tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2009, cô từ bỏ cơ hội học tiếp Tiến sĩ ở Pháp và khăn gói về thành phố Hồ Chí Minh. “Nghĩ đến việc lúc nào cũng kín mít trong trang phục blouse trắng và làm việc với các ống nghiệm hóa chất; rồi nhìn cảnh nhiều du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài, nhiều khi buồn hiu hắt vì nhớ nhà nhưng cũng không về Việt Nam vì nhiều lẽ băn khoăn, đó đều không phải là cuộc đời tôi muốn sống.

Tôi muốn thử thách mình trong lĩnh vực kinh doanh và cũng nhận thấy mình có tiềm năng, tôi quyết định quay về Việt Nam. Thú thực, tôi trở về trong sự không đồng tình của gia đình, nhưng tôi biết mình chỉ có một cuộc đời để sống, chỉ có một tuổi trẻ để… tiêu xài, nên phải xài sao để sau này không hối tiếc!
” – Quỳnh Trang lý giải quyết định của cô một cách hóm hỉnh như thế.

Gặp gỡ cô gái thích
Học về tự nhiên, nhưng Quỳnh Trang lại theo đuổi đam mê kinh doanh.

Về thành phố Hồ Chí Minh, dự định xin làm nhân viên kinh doanh để trau dồi kỹ năng giao tiếp và bán hàng, nhưng công việc đầu tiên của Quỳnh Trang là… nhân viên trong một tiệm hoa mới mở, chỉ vì một lẽ rất đơn giản: cô mê hoa. Đang đi đường, vô tình thấy một shop hoa chuẩn bị khai trương khá đẹp, cô sà vào chào hỏi rồi… tỉnh bơ cùng nhặt lá, rửa hoa với chủ cửa hàng.

Biết họ đang cần nhân viên, thế là cô xin vào làm luôn. Cô chia sẻ, công việc khá vất vả vì phải thức khuya dậy sớm, bận rộn ngày lễ tết nhưng rất thú vị, vì cô đã học được không ít về kỹ thuật cắm hoa, kiến thức chăm sóc hoa và cả công việc kinh doanh hoa tươi.

Gặp gỡ cô gái thích
Cô khởi nghiệp bằng vị trí nhân viên bình thường để tích lũy kinh nghiệm.

Sau khi vui thú khoảng nửa năm với hoa, cô lại xin làm nhân viên quảng cáo. Quỳnh Trang cho hay, cô đã làm qua một số công ty truyền thông có tên tuổi, nơi nào cũng với “chức danh” nhân viên, không ở lại công ty nào quá một năm; nhưng theo cô, đó là một vị trí tốt để học cách kinh doanh và nghệ thuật marketing.

Cũng trong thời gian này, cô đi dạy thêm và để dành tiền đi học một khóa marketing nữa để làm nền tảng cho công việc kinh doanh trong tương lai.

Sang Campuchia vì… thích kinh doanh

Hiện tại, cô Thạc sỹ Hóa học Quỳnh Trang đã sống và làm việc ở Campuchia 2 năm với vị trí Quản lý Bán hàng và tiếp thị  của một công ty quốc tế chứ không bận rộn trong phòng thí nghiệm. Sang Campuchia, đó là một quyết định khá đột ngột, vì khi đó, Quỳnh Trang vẫn có công việc đang tiến triển ở Việt Nam.

Cô chia sẻ, quyết định này có phần bị ảnh hưởng bởi Giám đốc công ty – cũng là bạn trai hiện tại của cô. Là một doanh nhân người Pháp, khi đến thăm Campuchia, bị xúc động bởi cảnh những trẻ em địa phương bán hàng lưu niệm trước cổng Angkor Wat rất khó khăn để kiếm mấy đồng bạc lẻ, trong khi tiền của khách du lịch đến Campuchia “chảy” vào túi các công ty du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài, anh muốn kinh doanh ở đây để kết nối hai đối tượng khách du lịch và dân nghèo Campuchia. Vô tình phát hiện ra một sản phẩm lưu niệm thú vị là một mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam, anh quay sang Việt Nam với ý định đặt làm mặt hàng này rồi mang sang Campuchia để bán. Xa hơn là tìm kiếm những nghệ nhân lành nghề để mời sang đào tạo thợ cho xưởng sản xuất tại Campuchia. Đó cũng là thời điểm anh gặp Quỳnh Trang.

Vừa làm việc của mình, cô vừa hỗ trợ anh những vấn đề về văn hóa cũng như tìm kiếm nghệ nhân. Nhưng rồi, thấy cảnh một người chỉ nói tiếng Anh và Pháp với một người chỉ nói tiếng Việt làm chung với nhau ở Siemriep, Campuchia quá bất tiện, lại suốt ngày bị gọi điện nhờ… dịch, Quỳnh Trang quyết định sang Campuchia để hỗ trợ công việc kinh doanh của bạn trai.
 
Gặp gỡ cô gái thích
Quỳnh Trang hiện là Quản lý kinh doanh và tiếp thị của một công ty đồ lưu niệm tại Campuchia.

Cô thẳng thắn: “Sếp cũng là bạn trai, dĩ nhiên tôi nhận được những ưu ái nhất định, ví dụ như tôi có thể tranh luận thẳng thắn với anh ấy hay anh luôn giải đáp các thắc mắc của tôi về kinh doanh và bổ trợ cho tôi những kiến thức về tài chính. Cũng vì vậy, nhiều người nghĩ tôi ngồi được ở vị trí này là nhờ bạn trai, kể cả các nhà đầu tư (Công ty cô đang làm việc hiện đã là một doanh nghiệp xã hội, có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài – PV), cho đến khi họ tận mắt thấy các cửa hàng do chính tay tôi thiết kế, tận mắt thấy tôi bán hàng, thậm chí rời bữa ăn tối với họ để đi hỗ trợ một điểm bán hàng đông khách.

Sau khi sang Campuchia, ban đầu ở vị trí Trợ lý Giám đốc, tôi làm… đủ thứ: phiên dịch, giao dịch với các đối tác tại Việt Nam, giải quyết các vấn đề “kỹ thuật” vì tôi khá khéo tay và là người duy nhất hiểu tiếng Việt trong công ty. Tôi cũng nhiều lần không ngại đưa ra ý kiến để cải thiện việc bán hàng. Nhận thấy khả năng của tôi, Giám đốc – bạn trai để tôi chịu trách nhiệm nhiều hơn về mảng kinh doanh. Nhưng tôi chỉ chính thức trở thành Quản lý bán hàng và tiếp thị sau khi các cửa hàng mở ra nhận được sự khen ngợi của chính khách mua hàng, từ việc bài trí đến phong cách phục vụ của nhân viên và bản thân tôi đã lập kỷ lục bán hàng có doanh số gấp 5 - 6 lần ngày thường với nhiều đối tượng khách hàng đến từ các quốc gia khác nhau, nhất là khách Trung Quốc – đối tượng rất khó tiếp cận vì họ thường không nói được tiếng Anh, luôn đòi giảm giá trong khi cửa hàng chúng tôi bán giá cố định.” – cô nhớ lại.

Đến nay, công ty cô đang làm việc có kết quả bán hàng tăng trưởng tốt, mở được 3 cửa hàng tại Siemriep, Campuchia và dự kiến mở cửa hàng thứ tư vào giữa năm nay.

Gặp gỡ cô gái thích
Cô cũng bắt đầu mở một công ty của riêng mình.

Với mức lương khá, vị trí công tác nhiều triển vọng, bận rộn với những dự án kinh doanh và đang ấp ủ xây dựng một công ty của riêng mình, Quỳnh Trang có vẻ như đang có một cuộc sống hoàn hảo. Nhưng cô gái 27 tuổi bật mí, bố mẹ cô vẫn không hoàn toàn ủng hộ quyết định của con gái. “Bố mẹ tôi vẫn muốn tôi  tìm một việc “ổn định”ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Ông bà cũng lo cháu ngoại sau này sẽ mất gốc, nói chuyện với ông bà toàn tiếng Tây!(cười)

Nghe vậy, chứ với ước vọng sống cuộc đời xê dịch, không gò bó, Quỳnh Trang bảo cô sẽ vẫn đi theo con đường mình đã chọn và tin rằng bố mẹ cô sẽ từ từ hiểu ra. “Nếu tôi kết hôn với bạn trai hiện tại và có con với anh ấy, chắc chắn con chúng tôi sẽ được dạy ăn cả nước mắm lẫn phô mai (cười).  Tôi hiện tại sử dụng chủ yếu tiếng Pháp, tiếng Anh và một chút tiếng Khmer nhưng hàng ngày vẫn nghe nhạc Việt, ăn đồ Việt và tự tay nấu ăn.

Cô cho hay, ngoài việc làm quản lý ở công ty hiện tại, cô đã mở một công ty riêng chuyên kinh doanh đồ lưu niệm handmade. “Từ khi còn là sinh viên, tôi đã thử nghiệm làm và kinh doanh nhiều loại đồ handmade trên nhiều chất liệu khác nhau, chủ yếu lấy cảm hứng từ những bông hoa. Khi sang Campuchia, tôi vẫn tiếp tục niềm đam mê đó trong lúc rảnh rỗi, vừa để cân bằng với những giờ làm việc căng thẳng, vừa để thỏa mãn tính sáng tạo của mình. Tôi đã thử bán một số mẫu thiệp thủ công do tôi thiết kế và được khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đón nhận nhiệt tình. Vì thế, tôi đã quyết định bắt đầu doanh nghiệp nhỏ của riêng mình”.

Cô nói thêm: “Toàn bộ nhân viên sẽ là các bạn trẻ khuyết tật, đặc biệt là các bạn câm điếc. Giống như công ty nơi tôi đang làm việc, công ty của tôi cũng là một doanh nghiệp xã hội với mục đích tạo được nhiều việc làm hơn cho người nghèo chứ không phải tối đa lợi nhuận cho người chủ”.
Chia sẻ