Gào thét trong mưa bụi - Hành trình đi tìm cái tôi đã mất

Thùy Linh,
Chia sẻ

“Giữa đêm tối mênh mông thanh vắng trong mưa, không còn gì khiến người ta run sợ hơn tiếng gào khóc bơ vơ cô độc” - Dư Hoa

Gào thét trong mưa bụi
 
Tác giả: Dư Hoa
 
Người dịch: Vũ Công Hoan
 
NXB. Công an Nhân dân
Giá bìa: 60.000
 
 
Tôi yêu mưa. Và cũng rất sợ mưa. Tôi yêu những giọt tí tách bên khung cửa sổ trước mái hiên nhà, gió lất phất và mang đến chút gì dịu nhẹ, xoa dịu nỗi oi ả trong cõi lòng. Nhưng tôi cũng rất sợ mưa. Có lúc thức trắng đêm, khi tiếng mưa bên ngoài ngày càng nặng hạt, tiếng một con mèo kêu giữa trời vắng, có lẽ nó lạc mẹ không tìm được đường về. Tôi sợ - sợ khi phải nghe một âm thanh cô đơn nào đó rơi lẫn và thấm dần trong tiếng mưa.

Sợ là thế, nhưng vẫn yêu! Cuộc sống vẫn thường đan xen những hoài nghi và mâu thuẫn. Có lẽ vì thế mà nó tồn tại. Có lẽ vì thế mà nó tiếp diễn. Có lẽ vì thế mà tôi yêu những cuốn tiểu thuyết của Dư Hoa. Tôi yêu nhà văn ấy - mặc dù, ghét cay ghét đắng những con người có chất giọng lạnh lùng, lạnh lùng và đôi khi… hóa tàn nhẫn.

Dư Hoa - cái tên ấy có lẽ đã quá quen thuộc đối với những độc giả yêu văn chương. Ông đã cùng “Huynh đệ”, “Sống”, “Chuyện Hứa Tam Quan bán máu” đến Việt Nam, và giờ đây tôi lại gặp người đàn ông ấy đang “Gào thét trong mưa bụi”. Cuốn tiểu thuyết đã gây cho tôi một “chấn thương tinh thần” khủng khiếp - bởi nó quá khắc nghiệt, quá trần trụi và cũng quá bi thương!
 


Tôn Quang Lâm, cậu bé đáng thương bị vứt bỏ khỏi nhà từ năm 6 tuổi, cậu sống với người bố nuôi là một quân nhân cho đến khi ông tự tử và vĩnh viễn nằm lại dưới đất sâu. Tôn tìm đường trở về quê nhà, về lại nơi khi xưa cậu đã từng bị bỏ rơi không thương xót. Và cũng chính trên con đường miệt mài cô độc ấy, cậu bé đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh bi ai, oan trái giữa cuộc đời. Những mất mát, khổ đau, bi kịch cứ thế tăng dần lên, cứ thế…

Bạn hãy ngưng một phút để lắng nghe Dư Hoa, nhà văn ấy đã nói gì về câu chuyện buồn này với thế giới - “Đây là cuốn sách về ký ức, kết cấu dựa trên những cảm thức hay thời gian trong tiềm thức. Khi đứng trước quá khứ, con người có niềm tin hơn, bởi tương lai đầy rẫy mạo hiểm, chuyện thần bí mà có thể con người không thể chiến thắng… Đó là lý do tại sao con người sống nặng về hồi ức đến vậy. Sáng tác của tôi giống như việc nhấc máy điện thoại, bấm vào từng ngày không thứ tự để nghe tiếng nói của quá khứ ở đầu dây bên kia!”.
 


Sống với ký ức nào phải chuyện giản đơn như người ta ngồi ôn câu chuyện cũ lúc trà dư tửu hậu? Sống với ký ức, nghĩa là thở hơi thở của nó, đập nhịp đập của nó, và lẽ đương nhiên - nỗi sợ hãi và khổ đau cũng phải song hành cùng toa tàu dĩ vãng. Trong kí ức trẻ thơ ấy có gì? Bà Tiên hiền lạnh phúc hậu ư? Không có. Một chú lính chì dũng cảm? Cũng không. Chàng hoàng tử đặt nụ hôn lên đôi môi đã ngủ quên suốt ngàn năm với một tình yêu nồng cháy? Điều này thì lại quá xa vời.

Thế giới mà Dư Hoa đem đến trong cơn mưa bụi ấy là những điều ngoài sức tưởng tượng của tôi, và cũng là của những ai từng đọc nó. Trong thế giới ấy, người ta không phân biệt nỗi đâu là nước mắt, đâu là mưa. Người ta chẳng thể định hình tiếng khóc than của đứa trẻ với tiếng tru dữ dội của loài lang sói… Vì thế mà càng đọc càng u uẩn, càng đọc càng xót xa.
 


Mắt tôi đỏ hoe khi hình dung ra một cô bé khóc sưng cả mắt lúc hòn tuyết lao thẳng vào người, xót xa cho người con dâu gào khóc khi bố chồng cưỡng bức, nỗi kinh hãi khi đứa bé kêu thảm giữa mênh mông khi mẹ nó bị chó dữ ăn thịt. Và rồi tôi lại lặng yên chứng kiến người đàn ông phản bội rơi những giọt nước mắt cuối cùng bên mộ người yêu dấu. Bạn nhìn thấy không? Và tại sao“Gào thét trong mưa bụi” lại được trao tặng Huân chương kỵ sĩ của Văn học nghệ thuật Pháp. Phải chăng vì những trang sách đẫm nước mắt ấy lên án những lề thói khắc nghiệt của gia đình Khổng giáo? Hay bởi nó là cuộc hành trình đi tìm cái tôi đã mất của mỗi người được khắc họa sống động, dù rằng khốc liệt?

Từ nhân vật Tôn Quang Lâm nếm trải những đớn đau mất mát cho đến cái nhìn về mẹ cha, anh em, bè bạn… đều toát lên dòng hồi ức cô đơn và nhập nhằng không thứ tự. Dù vì lý do gì đi nữa, bạn cũng có thể cùng tôi chia sẻ được thật nhiều điều từ cuốn tiểu thuyết bi thương trong mưa bụi ấy.
 
Chia sẻ