"Gạo nếp gạo tẻ": Công không thể quay về bên Hương vì những lý do này!
Nếu để Hương về bên Công, hẳn biên kịch "Gạo nếp gạo tẻ" nên lui đi ở ẩn một thời gian để tránh cơn phẫn nộ của dư luận.
Công có quay về với Hương không? Đó có lẽ là nỗi tò mò lớn nhất của khán giả dành cho bộ phim Gạo nếp gạo tẻ lúc này. Hàng ngày, người xem lên mạng xã hội kêu gào, người ta đòi tẩy chay phim nếu biên kịch để cặp đôi này quay trở lại. Dưới đây là những lý do mà biên kịch không thể và không nên để Hương - Công tái hợp:
Một bộ phim gia đình sẽ biến thành phim hạ giá phụ nữ và cổ vũ đàn ông ngoại tình
Hôn nhân gia đình không phải là chuyện muốn lấy là lấy, muốn bỏ là bỏ. Để đi đến quyết định ly hôn, người phụ nữ như Hương cũng đã phải ngậm đắng nuốt cay, chịu bao nhiêu tủi cực, nhẫn nhịn dưới đủ mọi hình thức, để rồi đến khi không chịu nổi nữa, quyết định ấy mới được đưa ra.
Thế nên nếu biên kịch muốn Hương quay về với Công, thì xin đừng để anh ta bắc loa trước cửa nhà đòi cô trả tự do, xin đừng để anh ta tát cô trước mặt nhân tình, vứt bỏ cô như vứt bỏ một đống rác. Nếu biên kịch muốn Hương quay về với Công, thì xin đừng xây dựng nhân vật Công là một gã đàn ông hèn hạ, bám váy phụ nữ, lười làm ham chơi, cạn tình cạn nghĩa tới cùng cực như vậy. Có như vậy, chuyện Công với Hương quay về may ra còn có chút hợp lý...
Nếu muốn Công quay về bên Hương thì ngay từ đầu, biên kịch xin đừng biến anh thành nhân vật "hết thuốc chữa" như thế này!
Nếu để Công quay về với Hương, thì chẳng khác nào bộ phim đang cổ vũ cho đàn ông ngoại tình. Hỡi các chàng trai, hãy cứ ngoại tình thoải mái đi, hãy tự do bay nhảy ra ngoài tìm của ngon vật lạ, vì dù bạn có khốn nạn đến thế nào thì cũng đến ngày vợ bạn tha thứ cho bạn thôi. "Bảo hiểm" của bạn chính là những đứa con. Dù vợ bạn có tổn thương tới cỡ nào, thì chỉ cần có chúng, bạn đã có "kim bài miễn tử" trong tay.
Và nếu chuyện đó xảy ra, thì thay vì gọi Gạo nếp gạo tẻ là một bộ phim gia đình, người ta nên gọi đây là bộ phim hạ giá phụ nữ. Trong đó, người phụ nữ đảm đang, xinh đẹp như Hương là công cụ để cho người ta hành hạ và chà đạp. Vì cô ấy đã có con, nên cô ấy không có quyền nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình. Vì cô ấy phải nghĩ tới giá trị của tờ giấy hôn thú, vì tam tòng tứ đức, nên dù có bị làm cho tổn thương tới cùng cực, cô ấy vẫn phải học cách tha thứ và hàn gắn. Chẳng lẽ đấy là cái "giá trị" mà những người phụ nữ hiện đại nên hướng tới hay sao?
Ai cũng phải đồng ý rằng Gạo nếp gạo tẻ là bộ phim cổ vũ những giá trị truyền thống của gia đình. Và cũng chính vì điều ấy, nên bộ phim chiếm được nhiều cảm tình của khán giả. Nhưng truyền thống không có nghĩa là không có quyền hướng tới những cái mới, không có quyền vượt ra khỏi những khuôn khổ lễ giáo thông thường để đi tìm kiếm hạnh phúc đích thực cho bản thân.
Khi bộ phim đi ngược lại mong muốn của hàng triệu khán giả
Một bộ phim hay bất cứ sản phẩm nghệ thuật nào làm ra đều cần phải hướng tới yếu tố đầu tiên chính là khán giả. Sẽ ra sao nếu một tác phẩm làm ra không có người xem, chẳng có ai theo dõi, đồng hành? Và sẽ ra sao nữa, nếu một tác phẩm mà người ta yêu quý, lại quyết định "phản bội" lại sự yêu mến của số đông bằng một cái kết "ngược"?
Nếu phim xây dựng hình ảnh Tường và Công đều là 2 soái ca với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp cùng theo đuổi Hương, để rồi mỗi người đều có một lượng fan riêng "đấu đá" với nhau thì không nói! Đằng này, bất cứ ai từng xem phim đều nguyện cầu Công - Hương ly dị để Hương đi tìm hạnh phúc mới là Tường, thì cớ sao biên kịch, đạo diễn, ê kíp... lại không lắng nghe được?
Gạo nếp gạo tẻ là một bộ phim gia đình, không phải phim... cung đấu, nên chẳng ai chấp nhận chuyện nữ chính ngậm đắng nuốt cay chịu kết cục thê thảm còn nam chính và nữ phản diện thì sống "nhăn răng" hưởng thượng thọ. Ngày ngày hàng trăm, hàng nghìn fan cần mẫn vào xem phim, để lại bình luận, kêu gào cảnh cáo biên kịch nếu để Công trở lại với Hương, họ sẽ bỏ xem phim, sẽ tẩy chay nhà đài, tất cả có nghĩa lý gì, nếu không ngoài nghĩa lý rằng họ sẽ làm thật đấy! Biên kịch xin đừng đùa với trái tim fan!
Khi bản thân Lê Phương cũng phải "đăng đàn" viết tâm thư!
Cách đây ít lâu, Lê Phương - nữ diễn viên thủ vai Hương trong Gạo nếp gạo tẻ từng đăng đàn viết tâm thư sau suốt một thời gian dài chịu áp lực từ phía dư luận. Vì quá yêu mến bộ phim, ức chế với các tình tiết, thậm chí khán giả đã mắng chửi Hương là nhân vật nhu nhược, ngu ngốc vì mãi không chịu ly dị chồng, một mình chịu đau khổ. Thậm chí đến khi Hương ly dị Công rồi, người xem vẫn không buông tha cho nhân vật này khi quay sang trách cô quá hiền lành, ly dị chồng rồi mà vẫn cho mẹ và em chồng tá túc, tác oai tác quái trong chính nhà mình.
Nói về việc liệu Công có cơ may quay lại với Hương, Lê Phương bày tỏ mong muốn của mình: "Hương sẽ không bao giờ quay lại với Công. Đó là mong ước của Phương, cũng là của hàng triệu khán giả khắp mọi miền đất nước đang theo dõi bộ phim truyền hình Gạo nếp gạo tẻ. Qua nhiều bất hạnh thiệt thòi, ai cũng mong chị Hai Hương sẽ sáng suốt lựa chọn cho mình con đường hạnh phúc".
Fan ngày đêm "cầu trời khấn phật" cho Hương đến bên Tường.
Bản thân Lê Phương cũng gửi lời "kêu gọi" tới biên kịch - đạo diễn phim để cho nhân vật Hương vùng lên tìm một tương lai tươi sáng: "Đừng tha thứ cho kẻ đã coi rẻ thanh xuân, tình yêu của mình. Kẻ phản bội ấy sẽ phải chấp nhận cái kết suốt đời bị nguyền rủa, con cái khinh khi, tương lai chẳng ra gì! Chấp nhận quay về là đồng nghĩa với việc cổ súy cho lối sống bần hèn, bám váy đàn bà như một con ký sinh trùng gớm ghiếc".
"Động lòng, tha thứ! Nàng có chắc sẽ không bao giờ lịch sử tái diễn, không bao giờ bỏ rơi ba mẹ con thêm một lần nào nữa? Phương thương Hương như chính bản thân mình. Phương mong nàng hãy tin rằng, nhân - quả là có thật! Và, soái ca là có thật".
Đến ngay cả nữ chính cũng có suy nghĩ như vậy, thì có lẽ nào biên kịch, đạo diễn vẫn quyết tâm đi ngược lại mong muốn của tất cả?
Nếu muốn lội ngược dòng, có chăng cách giải quyết duy nhất của biên kịch chính là biến tất cả quá khứ đầy vết thương của cuộc hôn nhân Hương - Công chỉ là một giấc mơ, chuyện ngoại tình của Công là một vở kịch và Tường là nhân vật của trí tưởng tượng! Nhưng ngay cả như vậy thì cũng khó lòng thuyết phục nổi khán giả biên kịch ạ!