Gánh nặng nợ nần bủa vây người dân Mỹ hậu Covid-19
Những biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của chính phủ và chính sách giãn nợ của các ngân hàng đã giúp ngăn tỷ lệ vỡ nợ tăng vọt. Và báo cáo việc làm tháng 5 hết sức khả quan đã thắp lên hi vọng nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng 1 cuộc khủng hoảng nợ chỉ bị trì hoãn chứ không hề biến mất.
"Một trong những điều đáng sợ nhất đối với tất cả mọi người là ngân sách của họ rơi vào tình trạng rất đỗi mong manh", Lara Briehl, 1 chuyên gia tư vấn nợ ở Washington cho biết. "Nếu họ mất đi bất cứ nguồn thu nhập nào thì tất cả sẽ sụp đổ".
Briehl đã làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận American Financial Solutions được 3 năm. Hiện nay, khi dịch Covid-19 gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ và khiến hàng triệu người mất việc, những cuộc trò chuyện của cô với khách hàng mang đầy tính cấp bách. Rất nhiều trong số đó làm việc trong nền kinh tế gig hoặc trong ngành dịch vụ, do đó không được tiếp cận với các loại trợ cấp thất nghiệp. Và rất nhiều người đang phải đối mặt với nỗi lo nợ nần lần đầu tiên trong đời.
Briehl cho biết trước dịch cô thường khuyến nghị khoảng 40% khách hàng nộp đơn xin trợ cấp an sinh xã hội – như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thực phẩm hay trợ cấp nhà ở. Những ngày này, tỷ lệ đã tăng lên hơn 60%.
Đó là điều tất yếu khi mà ít nhất 20 triệu việc làm đột ngột biến mất gần như chỉ sau 1 đêm ở đất nước mà trước khi dịch ập đến thì tổng nợ của các hộ gia đình đã chạm mốc 14.300 tỷ USD.
Những biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của chính phủ và chính sách giãn nợ của các ngân hàng đã giúp ngăn tỷ lệ vỡ nợ tăng vọt. Và báo cáo việc làm tháng 5 hết sức khả quan đã thắp lên hi vọng nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng 1 cuộc khủng hoảng nợ chỉ bị trì hoãn chứ không hề biến mất.
Các khoản vay thế chấp che giấu khủng hoảng nợ
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã tạo ra những vết sẹo rất sâu trong lòng kinh tế Mỹ nhưng cũng đem đến tác động tích cực là nợ thế chấp giảm mạnh.
"Các hộ gia đình Mỹ bước vào cuộc khủng hoảng này (Covid-19) với tình hình tài chính khỏe mạnh", theo nhận xét của Michael Strain, chuyên gia kinh tế tại Viện doanh nghiệp Mỹ.
Năm 2008, nợ tiêu dùng của Mỹ tương đương 115% thu nhập sau thuế. Hiện giờ con số đã giảm xuống còn 85%. Hơn nữa lãi suất xuống rất thấp, giúp giảm gánh nặng nợ nần. Người Mỹ hiện chỉ chi chưa đến 10% tổng thu nhập cho việc trả nợ, tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay.
Nhưng dù nợ nhỏ đến đâu thì cũng sẽ vẫn là gánh nặng nếu như không có thu nhập. Và gần như tất cả hoạt động giảm đòn bẩy nợ đều diễn ra trong lĩnh vực nhà ở. Theo số liệu của Fed, nợ thế chấp nhà ở hiện ở mức 9.700 tỷ USD, chỉ cao hơn một chút so với 10 năm trước nhưng tỷ trọng nhà ở trong tổng tài sản của người Mỹ đã tăng lên nhanh chóng.
Cùng kỳ, các khoản nợ không liên quan đến nhà ở đã tăng hơn 30%, trong khi tỷ lệ tiết kiệm liên tục giảm. Ngoại trừ các khoản vay thế chấp thì chi phí đi vay vẫn tăng. Ví dụ, lãi thẻ tín dụng đang ở mức cao nhất 20 năm.
Hơn một nửa số việc làm bị mất đi trong cuộc khủng hoảng Covid-19 là trong các ngành xây dựng hoặc sản xuất, dịch vụ lữ hành, khách sạn – nhóm chủ yếu sử dụng lao động theo giờ, thường không có nhà ở và phụ thuộc vào thẻ tín dụng. Nợ sinh viên hiện đang ở mức 1.500 tỷ USD, tăng gấp đôi trong 10 năm qua, và 1/3 trong số đó được xếp vào nhóm nợ dưới chuẩn.
"Chắc tôi phải trả nợ cho đến tận năm 65 tuổi", Sarah, 1 giáo viên tại trường cao đẳng cộng đồng ở Seattle cho hay. Sau khi có được bằng thạc sĩ năm 2005, cô phải gánh khoản nợ sinh viên 70.000 USD. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp khi cô lần lượt đổi sang những công việc có thu nhập cao hơn, thậm chí Sarah đang thành lập công ty riêng khi cuộc khủng hoảng 2008 nổ ra. Việc làm khan hiếm, và Sarah phải tạm gác tham vọng của mình sang 1 bên để chăm sóc người mẹ mắc bệnh Alzheimer’s. "Khi cố gắng quay trở lại, tôi không thể trả nợ khi có con nhỏ và tiền lương thì ngày càng đi xuống".
Đại dịch càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Cô bị giảm giờ làm và còn phải ở nhà chăm sóc con. "Tôi có vài nghìn USD tiết kiệm cho quãng thời gian nghỉ hưu, nhưng tôi luôn phải cân nhắc và cố gắng không tiêu tiền".
Sarah không đơn độc. Virus corona đã khiến người Mỹ phải thận trọng hơn. Tính đến tuần đầu tháng 6, nợ thẻ tín dụng ở Mỹ giảm 11% so với thời điểm tháng 3. Người tiêu dùng không dám vay thêm những khoản vay mới. Sự thận trọng này tốt cho các ngân hàng, nhưng điều đó cho thấy cú sốc kinh tế thứ hai của thiên nhiên kỷ có thể gây ra những hệ lụy sâu sắc hơn về phía lực cầu.
Sống nhờ trợ cấp
Covid-19 có dẫn đến làn sóng vỡ nợ và phá sản hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp hỗ trợ của chính phủ có thể kéo dài đủ lâu để các hộ gia đình có thể phục hồi hay không.
Alison là người đã giành toàn bộ sự nghiệp cho các công việc xã hội, trường học, các chương trình cai nghiện và các tổ chức phi lợi nhuận. Cô mất việc ngay trước khi Covid-19 ập đến, và cho đến nay vẫn chưa thể tìm được việc làm mới. Vì mắc bệnh hen phế quản, cô càng phải cẩn trọng hơn khi đi ra ngoài trong khi vẫn phải tìm cách kiếm tiền nuôi 2 đứa con.
Những món nợ của Alison không quá cao nhưng vẫn là cả 1 vấn đề khi cô không có thu nhập. Cô có khoản nợ thẻ tín dụng gần 7.000 USD, nợ cá nhân 1.500 USD và nợ 8.000 USD tiền trả góp mua xe. Ngoài ra còn có khoản nợ sinh viên 65.000 USD.
Sau khi mất việc, Alison đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và đạt được thỏa thuận giãn nợ với ngân hàng. Nhưng cô lo ngại về những điều sẽ xảy ra khi trợ cấp hết hạn. Ở Mỹ có hàng triệu người như Alison, đang sống nhờ vào việc giãn nợ. Câu hỏi là chính sách giãn nợ cùng với số tiền mặt mà chính phủ đang bơm vào nền kinh tế có thể giúp họ sống sót cho đến khi kinh tế phục hồi hay không.
Phố Wall có vẻ khá lạc quan. Ví dụ, Goldman Sachs dự báo GDP Mỹ sẽ giảm hơn 1/3 trong quý này nhưng sau đó sẽ bật tăng mạnh, và tỷ lệ thất nghiệp (hiện ở mức 13,3%) sẽ sớm quay trở lại mức 1 con số vào đầu năm sau. Tuy nhiên, Claudia Sahm, chuyên gia kinh tế tại Washington Center for Equitable Growth, có cái nhìn bi quan hơn. Theo bà, rủi ro lớn nhất là các biện pháp hỗ trợ của chính phủ kết thúc quá sớm. "Suốt kể từ Đại suy thoái, chúng ta chưa từng trải qua thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp trên 10% kéo dài như vậy, do đó hậu quả là rất lớn".
Riêng đối với thẻ tín dụng, quy tắc từ trước đến nay vẫn là tỷ lệ nợ xấu sẽ tỷ lệ thuận với tỷ lệ thất nghiệp. Và sau thời kỳ suy thoái sâu, nhiều lao động sẽ bị loại khỏi thị trường lao động trong một thời gian dài vì nhiều doanh nghiệp phá sản.
Tham khảo Financial Times