Gánh nặng của phụ nữ Ấn Độ trong kế hoạch hóa gia đình
Tại một bệnh viện vùng nông thôn Ấn Độ, các nữ bệnh nhân đang chờ thắt ống dẫn trứng. Đây là phương pháp kế hoạch hóa gia đình thường được áp dụng ở Ấn Độ.
Trên thực tế, Chính phủ Ấn Độ đã phát động một chương trình kế hoạch hóa gia đình trên toàn quốc vào năm 1952, nhưng trong những thập kỷ sau đó, thuốc tránh thai và bao cao su lại không được người dân lựa chọn sử dụng nhiều ở Ấn Độ; đàn ông thường phải triệt sản bằng cách thắt ống dẫn tinh. Kể từ đó, trọng tâm kế hoạch hóa gia đình hoặc cũng có thể nói là gánh nặng được chuyển sang phụ nữ.
Tại nhiều vùng ở Ấn Độ vẫn tồn tại quan điểm gia trưởng, cho rằng đàn ông nếu thắt ống dẫn tinh sẽ mất đi nam tính và quan trọng hơn, họ còn là trụ cột gia đình; nhưng họ cũng không lựa chọn sử dụng bao cao su. Những người phụ nữ thường tự nguyện chọn cách thắt ống dẫn trứng và chính các nhân viên y tế cũng thuyết phục thực hiện thủ thuật này. Khi làm vậy, những phụ nữ sẽ được hưởng ưu đãi tiền mặt khoảng 25 USD, tương đương 600 ngàn VNĐ.
Anh Deepak Kumar - Công nhân nhà máy: - Tôi không muốn đi triệt sản, tôi nghĩ làm xong tôi sẽ bị yếu đi.
- Thế vợ anh đi triệt sản yếu đi thì sao? Thì cứ để xem, nhưng ít nhất vẫn còn 1 người đi làm được, chứ tôi mà ốm thì cả nhà chẳng ai nuôi.
Kể từ tháng tư năm ngoái đến tháng ba năm nay, Trung tâm y tế ở Bhoodbaral đã triệt sản cho hơn 180 phụ nữ, trong khi số nam giới triệt sản là 6 người. Các phòng khám thực hiện thắt ống dẫn trứng cho phụ nữ rất phổ biến ở Ấn Độ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn rộng lớn, nơi có 2/3 dân số sinh sống. Thông thường, đây là một thủ tục an toàn, nhưng ở Ấn Độ vẫn có một số trường hợp tử vong. Các nhà hoạt động xã hội cho biết, chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy các biện pháp tránh thai, mà nâng cao nhận thực chính là phương thức hữu hiệu.