Gần nửa người dân Liberia mất việc sau khi đại dịch Ebola bùng nổ
Đại dịch Ebola có tác động lớn nhất đến đất nước Liberia. Tính cả tuần qua, cả nước đã có hơn 7000 ca mắc bệnh và 3000 trường hợp tử vong. Thế nhưng đó chưa phải là tác động duy nhất. Kể từ khi đại dịch Ebola bùng nổ, gần một nửa dân số ở Liberia không còn làm việc nữa.
Theo điều tra của Ngân hàng thế giới, kể từ khi cuộc khủng hoảng Ebola bắt đầu, gần một nửa dân số Liberia không còn làm việc nữa. Ngân hàng thế giới cũng cho biết hơn 30% hộ gia đình làm chủ trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, nhưng con số này giờ đây chỉ giảm còn 10%.
CNN đã tiếp cận những người lao động, các doanh nhân tại Liberia để tìm hiểu làm thế nào người dân nước này đối phó với cuộc khủng hoảng do Ebola gây ra. Dưới đây là ý kiến của họ.
Harris Kollie – Người lái xe máy
Mọi người không muốn đi xe với chúng tôi, họ sợ bị lây bệnh. Nhiều khách hàng của chúng tôi là sinh viên nhưng giờ đây các trường học đã đóng cửa rồi. Trước khi đại dịch Ebola diễn ra, mỗi ngày chúng tôi vận chuyển từ 30 – 40 người. Giờ đây thì con số đó chỉ còn 20 người thôi. Việc kiếm sống để nuôi gia đình giờ đây đã khó khăn hơn nhiều. Giá gạo đã tăng lên, trước kia chỉ với 14 đô la là mua được 25kg gạo, giờ thì nó đã lên đến 20 đô la rồi.
Peter Swen Jr – Giáo viên lướt sóng
Trước đây mọi người thường đi lang thang trên bãi biển và thuê ván lướt sóng để học. Nhất là vào dịp cuối tuần có từ 15 đến 20 người đến đây học lướt sóng. Giờ đây thì chẳng còn ai học nữa. Tôi cầu mong Ebola sớm bị diệt trừ.
Fomba Trawally - Chủ sở hữu công ty giấy vệ sinh
Fomba Trawally, một trong những doanh nhân nổi bật nhất của Liberia, là người sáng lập công ty giấy vệ sinh cá nhân
Đại dịch Ebola bùng phát buộc chúng tôi phải cắt giảm nhân công và sau đó là sản phẩm của chúng tôi. Việc bán hàng tại địa phương của chúng tôi giảm đáng kể vì các địa điểm bị giới hạn giao thương như một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus. Việc đóng cửa biên giới các nước láng giềng cũng ảnh hưởng việc kinh doanh vì một số nguyên liệu và thành phẩm của chúng tôi phải nhập khẩu từ các nước lân cận như Cote D'Ivoire và Guinea.
George Watkins – Tài xế taxi
Trước khi cuộc khủng hoảng Ebola diễn ra, mỗi ngày tôi thực hiện 4 chuyến đi đến thị trấn Monrovia. Bây giờ chỉ có một hay hai chuyến, đôi lúc không có chuyến nào cả. Mọi người không muốn ở cùng không gian với những người khác, họ chỉ muốn ở nhà. Những ngày này ở đây rất khó khăn.
Manfred Zbrzezny – Quản lý xưởng điêu khắc Fyrkuna Metalworks
Manfred Zbrzezny là một nghệ sĩ người Ý và Đức, người đã sống ở Liberia từ những năm 2000
Tôi vừa xây dựng một nhà xưởng mới khi đại dịch Ebola bắt đầu. Giờ đây tôi chủ yếu làm việc trên một tác phẩm điêu khắc lớn chờ cho đến khi Ebola đi qua. Những tháng vừa qua bạn bè và gia đình đã giúp đỡ về tài chính nên gia đình tôi và ba công nhân còn có thể trụ được. Tôi không biết khi nào thì xưởng của tôi mới hoạt động bình thường trở lại.
Teemu Ropponen - Giám đốc trung tâm công nghệ iLab Liberia
Trung tâm công nghệ này nhằm mục đích dạy cho những người trẻ cách tạo ra các trang web và truy cập thông tin online.
Chúng tôi đã phải hủy nhiều khóa học và các sự kiện liên quan đến trung tâm của chúng tôi. Vì tính chất công việc chúng tôi phải tổ chức những cuộc họp cộng đồng hầu hết các ngày trong tuần, nhưng Ebola đã làm mọi thứ ngưng trệ. Rất may mắn là tất cả nhân viên và gia đình chúng tôi không bị ảnh hưởng trực tiếp, dù cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng tất cả chúng ta theo nhiều cách. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian trước khi mọi thứ trở lại bình thường.
(Theo CNN)