Gần 4.000 công nhân ngừng việc vì bức xúc tiền lương

Theo Lao động ,
Chia sẻ

Liên tục nhiều ngày qua, gần 4.000 công nhân (CN) của công ty TNHH Vina Duke (trụ sở tại huyện Củ Chi, TPHCM) ngừng việc phản đối cách tính lương và quản lý hà khắc của công ty.

Công ty Vina Duke có 3 xưởng sản xuất, 2 xưởng tại TP.HCM (tại huyện Củ Chi, Hóc Môn) và 1 xưởng tại Tiền Giang. Ngày 14/10, hơn 3.000 công nhân của xưởng sản xuất ở huyện Củ Chi ngừng việc, ngày 15/10, gần 700 công nhân của xưởng sản xuất tại huyện Hóc Môn cũng ngừng việc, yêu cầu công ty tăng lương cơ bản lên 100.000 đồng/tháng, điều chỉnh lại đơn giá, tiền tăng ca, sửa đổi các quy định hà khắc…

Ngày 20/10, tại xưởng Hóc Môn, các công nhân cho biết, từ tháng 9/2014, công ty đột ngột giảm đơn giá mỗi sản phẩm xuống 200 đồng nhưng không giải thích lý do. Trong khi đó, các khoản phụ cấp lại không tăng, khiến thu nhập của công nhân bị giảm. Hiện tại, công ty có 3 mức lương cơ bản gồm: công nhân vào trước năm 2011 có lương 3,5 triệu đồng, công nhân vào từ sau năm 2011 có lương 3,3 triệu đồng và công nhân mới vào có lương 3,1 triệu đồng.

Gần 4.000 công nhân ngừng việc vì bức xúc tiền lương 1
Công nhân (công ty TNHH Vina Duke) ra khỏi xưởng vào trưa ngày 20/10.
 
Tuy nhiên, tiền lương cơ bản này không được thể hiện trên bảng lương của công nhân. “Mức này chỉ để đóng BHXH, khi ốm đau, thai sản được hưởng BHXH. Còn trên bảng lương công ty trả công nhân lại bao gồm: Lương tháng (lương sản phẩm), phụ cấp lương, ngoài giờ, chuyên cần, phụ cấp đặc biệt”, chị L công nhân chuyền 14, xưởng 3, nói.

“Công nhân yêu cầu công ty phải nâng lương cơ bản lên 100.000 đồng/tháng, tính lại lương cho dễ hiểu, điều chỉnh lại đơn giá. Lấy lý do công ty trả lương theo sản phẩm nên tiền lương cơ bản của công nhân, công ty không quan tâm. Công nhân lâu năm cũng như người mới vào, tất cả đều tăng ca với đơn giá 17.000 đồng/giờ. Cách tính như vậy là thiệt thòi cho tất cả công nhân chúng tôi”, chị M (xưởng 1) nói.
Quản lý hà khắc

Không những bức xúc về tiền lương, các công nhân còn cho biết, công ty quản lý rất hà khắc, công nhân rất dễ bị “ăn” biên bản, trừ tiền, đặc biệt là chuyện đi vệ sinh. Mỗi tháng, công nhân có tổng cộng 150 phút để đi vệ sinh, nếu đi quá thời gian trên sẽ bị nhắc nhở, nhắc nhở 3 lần thì bị lập biên bản kỷ luật.

Công nhân bị lập biên bản sẽ bị trừ phụ cấp đặc biệt. “Nhà vệ sinh ở xa xưởng, trung bình mỗi ngày công nhân chỉ có 5 phút để đi vệ sinh. Người thường còn đỡ, những bà bầu mới khổ sở hơn. Chỉ những bà bầu trên 6 tháng mới được đi vệ sinh thoải mái một chút, còn lại đều bị quản lý rất chặt”, chị P (công nhân công ty) nói.

Theo các công nhân, trong các khoản phụ cấp của công ty có khoản phụ cấp đặc biệt (bao gồm tiền độc hại, bậc thợ), đây là khoản phụ cấp rất dễ bị trừ. “Nếu mình nghỉ có phép, tiền phụ cấp chuyên cần của mình vẫn còn, nhưng tiền phụ cấp đặc biệt lại bị trừ”, chị L (xưởng 3, chuyền 14) nói.

Bên cạnh đó, suất ăn của công ty có giá 12.000 đồng là quá thấp, thức ăn không đảm bảo, công nhân ăn không no, nhiều lần yêu cầu công ty thay đổi, tăng giá bữa ăn, nhưng chưa được giải quyết.

Về vụ việc của công ty, LĐLĐ huyện Hóc Môn cho biết, trước bức xúc của công nhân, giám đốc công ty cho biết sẽ điều chỉnh lại tiền cơm, công ty sẽ xây nhà vệ sinh mới gần xưởng hơn. Đối với yêu cầu tăng lương của công nhân, phía công ty cho biết, đợi đến kỳ điều chỉnh lương của Nhà nước sẽ tăng. Những ngày ngừng việc, công nhân sẽ bị trừ các khoản phụ cấp. Trước cách giải quyết của công ty, công nhân không đồng ý và tiếp tục ngừng việc phản đối.
Chia sẻ