Gần 120.000 thí sinh trúng tuyển không vào đại học
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) đợt 1 năm 2023 có 117.795 thí sinh đỗ đại học nhưng không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống và đến khâu làm thủ tục nhập học trực tiếp thì tiếp tục có số lượng lớn thí sinh đã xác nhận trực tuyến bỗng nhiên “biến mất” khiến nhiều trường đau đầu vì tuyển không đủ chỉ tiêu.
Từ ngày 22/8, Bộ GD&ĐT công bố kết quả xét tuyển đợt 1 với hơn 612.000 thí sinh trúng tuyển vào ĐH, chiếm 93% tổng số em ĐKXT trên hệ thống. Tuy nhiên, đến khi kết thúc thời hạn quy định (ngày 8/9), có đến 117.795 thí sinh đỗ vào ĐH không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ.
Số thí sinh từ chối vào ĐH tiếp tục tăng khi có nhiều trường ĐH tỉ lệ nhập học thấp, chẳng hạn như Trường ĐH Công Thương TPHCM có tỉ lệ nhập học 89%; Trường ĐH Gia Định (68%); Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (hơn 60%)... Thậm chí, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) hiếm khi phải tuyển bổ sung nhưng năm nay dự kiến phải tuyển thêm 500 chỉ tiêu…
Như vậy, nếu tính cả những trường hợp không nhập học sau khi đã xác nhận trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT thì số thí sinh từ chối vào ĐH dù đã trúng tuyển vào khoảng 120.000 em.
Thí sinh đi đâu?
Theo một số chuyên gia, thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng từ chối nhập học năm nào cũng xảy ra nhưng con số lên đến khoảng 120.000 em thì ngành GD&ĐT cần xem xét lại vấn đề.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Phát triển thương hiệu và Tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, theo khảo sát của trường với thí sinh thì có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả trên. “Thứ nhất là có em trúng tuyển vào trường, ngành mà mình không mong muốn nên muốn tìm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung. Thứ hai là cũng có thí sinh chuyển hướng đi du học hoặc học các chương trình liên kết quốc tế trong nước. Và thứ ba, nhiều thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chuyển hướng học nghề…” - ông Vũ phân tích.
Theo chuyên gia tuyển sinh Phùng Quán (trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM), mùa tuyển sinh năm nay kéo dài là yếu tố góp phần tạo mệt mỏi cho thí sinh và phụ huynh, dẫn đến quyết định thay đổi việc học ĐH. “Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu rút ngắn thời gian tuyển sinh, đặc biệt là các khâu đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng để làm sao công tác tuyển sinh sớm hoàn tất trước ngày 2/9. Có như vậy, thí sinh mới tránh khỏi mệt mỏi vì chờ đợi, các trường cũng sớm bắt đầu năm học mới” - ông Quán đề xuất.
Theo công bố mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, tính đến tháng 7/2023, số học viên nghề ở thành phố là hơn 370.000 người, tăng hơn 150.000 người so với năm 2021 và vượt gần 2% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, trình độ cao đẳng chiếm nhiều nhất với hơn 177.000 người; trung cấp (hơn 126.000 người), còn lại là trình độ sơ cấp (hơn 33.800 người).
Cuối năm ngoái, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong 5 năm qua.