Gần 100 người chết trong 3 ngày nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ

Quỳnh Chi,
Chia sẻ

Nắng nóng thiêu đốt tại các bang Đông Bắc Ấn Độ trong những ngày qua đã khiến ít nhất 96 người tử vong.

Các trường hợp tử vong do nắng nóng xảy ra ở hai bang đông nhất của nước này là Uttar Pradesh và Bihar. Giới chức phát hiện ra rằng hầu hết những người tử vong đều trên 60 tuổi và mắc các bệnh lý nền có thể trở nên trầm trọng hơn do nắng nóng. Nhóm cư dân này được cảnh báo không nên ra khỏi nhà vào ban ngày..

Giới chức y tế ở quận Ballia, bang Uttar Pradesh cho biết, trong ba ngày 16, 17 và 18/6, khoảng 300 bệnh nhân đã phải nhập viện vì nắng nóng. Do tình hình nghiêm trọng, chính quyền đã hủy đơn xin nghỉ phép của nhân viên y tế tại Ballia và cung cấp thêm giường bệnh trong khu cấp cứu để đáp ứng lượng bệnh nhân ngày càng đông.

Phần lớn các bệnh nhân đều cao tuổi, có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở và các vấn đề liên quan đến tim.

Gần 100 người chết trong 3 ngày nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Nắng nóng hoành hành ở miền Bắc Ấn Độ. (Ảnh: India Today)

Trong ngày 17/6, ở một số khu vực của Ấn Độ, nhiệt độ đã vượt 40oC, thậm chí có nơi lên tới hơn 44oC. Ballia, cùng với các quận ở trung tâm và phía Đông bang Uttar Pradesh, đang phải vật lộn với cái nóng ngột ngạt. Ngày 18/6, khu vực này có nhiệt độ tối đa là 43oC, cao hơn 5oC so với mức bình thường. Độ ẩm tương đối được ghi nhận ở mức 25%, làm tăng tác động của nhiệt.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã phát cảnh báo cho biết, sóng nhiệt sẽ kéo dài đến ngày 19/6 tại bang Uttar Pradesh.

Ở bang Bihar, nắng nóng thiêu đốt bao trùm hầu hết bang. Trong số các trường hợp tử vong, 35 nạn nhân được ghi nhận tại hai bệnh viện ở thủ phủ bang Patna, nơi có hơn 200 bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn mửa đang được điều trị. Patna ghi nhận nhiệt độ tối đa lên đến 44,7oC vào ngày 17/6.

Tháng 4, 5 và 6 là ba tháng nóng nhất vào mùa hè ở Ấn Độ. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, thời tiết nắng nóng càng trở nên khắc nghiệt hơn. Trong các đợt nắng nóng, quốc gia Nam Á này thường bị thiếu nước trầm trọng, với hàng chục triệu người trong số hơn 1,4 tỷ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Chia sẻ