Gái văn phòng và hội chứng “dưa lê” nơi công sở

Ma Kin,
Chia sẻ

Dưa lê chưa bao giờ ế hàng, đặc biệt tại những công sở “âm thịnh dương suy”. Với sự trợ giúp của các phương tiện kết nối hiện đại, ngành “buôn dưa lê” đang ngày càng phát triển.

Ở đâu có phụ nữ, ở đó có dưa lê

 

Thói quen truyền thống thích tụ tập, thích chia sẻ của người Việt Nam dường như đã ăn sâu vào những nhân viên công sở thời hiện đại. Ngạn ngữ xưa có câu, “3 người đàn bà tụ tập lại thành 1 cái chợ”, ở công sở thì không chỉ có 3 người đàn bà mà còn nhiều hơn thế nữa. Bởi vậy, bất kì công sở nào có nhiều nữ giới thì điều lệ “cấm nói chuyện riêng trong giờ làm” luôn luôn bị chị em vi phạm.

Chủ đề các câu truyện là gì?. “Tất tần tật những chuyện trên trời, dưới đất, có khi là chuyện gặp ngoài đường. Mỗi người một câu thế là lại có chủ đề mới nhanh lắm”. Nguyễn Hồng Ngân, một nhân viên công sở 24 tuổi chia sẻ.


 Đương nhiên, buôn dưa lê luôn luôn thú vị hơn là đau đầu với những công việc trên bàn giấy. Chính bởi vậy, “cứ trưởng phòng ra ngoài là phòng bọn tớ lại tụ tập buôn chuyện một tý để thay đổi không khí. Dần thành quen, hôm nào không được nói chuyện là thấy khó chịu kiểu gì ấy”. Chu Thị Tuyết, nhân viên phòng kế toán của một công ty truyền thông bảo.


Bản chất của phụ nữ là muốn nói và cần được nói, chính bởi vậy các chị nghĩ ra rất nhiều cách để thoả mãn nhu cầu chia sẻ của mình trong giờ làm việc. “Công ty bọn mình máy tính khoá chat, trưởng phòng lại nghiêm khắc, nhưng được cái bà ngồi gần mình hợp cạ. Hai đứa cứ viết ra giấy hoặc điện thoại rồi bí mật chuyền cho nhau, thế là vừa an toàn lại vừa giữ trật tự”. Hồng Ngân kể.


Nơi khắt khe thì vậy, còn văn phòng mà cả sef và nhân viên đều khoái buôn thì đã có sự hỗ trợ đắc lực của điện thoại và internet. Thời buổi mỗi nhân viên một điện thoại bàn, một máy tính nối mạng nên ngành “buôn bán dưa lê” càng trở nên thịnh vượng.  Nếu không hợp cạ với nhân viên trong phòng, có thể dùng điện thoại bấm cho bạn, cho đồng nghiệp phòng khác. Miễn là có cạ, còn chuyện thì không bao giờ hết được.


Sau khi blog thoái vị, facebook lên ngôi, những trò tiêu khiển trong giờ làm việc được các chị ở công sở phát triển lên đỉnh cao nhất. Không bó hẹp như yahoo hay blog, facebook là một cái chợ, ở đó người ta có thể buôn gì cũng được, buôn với người hay là những “thầy phán, thần bài, thần chén” ảo cũng được tất. Theo Nguyễn Thị Hoa, 26 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông thì: “Giờ cứ lên công ty là bật facebook, vào dạo qua comment đi comment lại rồi làm, trong lúc làm lại nghía qua xem có ai comment đi comment lại cho mình không”.  

 

Tại sao phụ nữ thích “buôn dưa lê”?

 

Biết là không tốt và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như bị phạt, bị thôi việc nhưng thói quen buôn chuyện trong giờ làm của phụ nữ công sở vẫn rất khó bỏ. Nguyên do là bởi chị em đã quen chia sẻ, quen được nói, nếu ngồi cả ngày im lặng hoặc mở miệng chỉ là chuyện công việc thì chắc họ sẽ điên đầu mất. “Vả lại, nhiều lúc thời gian rảnh rỗi ở công ty nhà nước quá nhiều, bọn mình cũng đâu biết làm gì ngoài buôn dưa lê đâu”. Hồng Ngân bảo.


Đa số phụ nữ đều cho rằng “buôn dưa lê” là vô thưởng vô phạt nhưng sự thật không phải vậy. Thời gian đầu tư và sáng tạo cho công việc bị thu hẹp, ý thức công việc ít đi dẫn tới sự lãng phí tiền bạc và trí óc. Khi những chuyện riêng lấn át, vô hình chung đầu óc nhân viên sẽ không tập trung hoàn toàn mà bị phân tán theo những câu chuyện không đâu đó. Hậu quả là những sai sót và lỗi lầm không đáng có.


Thói quen dưa lê và nói xấu người khác còn gây ra xung đột trong nội bộ, ghen tuông trong gia đình bởi trí sáng tạo của phụ nữ thường rất bay bổng. Từ những chuyện không có, các chị có thể thêm mắm thêm muối, qua người này người khác câu truyện lại đi xa hơn, vô tình gây hại tới hạnh phúc của người khác.

Ma Yến

Ô. Cao Duy Phong – Tổng giám đốc tập đoàn Hasaico:

 

Tôi đã mấy lần bắt găp nhân viên của mình tụ tập buôn chuyện. Thường thì phương pháp xử lí của tôi sẽ là…nói chuyện luôn cùng nhân viên xem họ có phát hiện ra lỗi của mình không. Sau đó vào cuộc họp thì nhắc nhở, góp ý. Nói chuyện riêng trong giờ làm việc sẽ ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả công viêc.

 

Tuyết Nhung – nhân viên Tập đoàn truyền thông P & T:

Đôi khi buôn chuyện cũng là cách giải trí sau những lúc làm việc căng thẳng thôi, theo mình, nếu giải trí dăm ba phút sau công việc bằng những câu truyện vui thì không có hại gì cả. Mình cũng đã bắt gặp những chị hay buôn dưa nói xấu người khác. Gặp trường hợp đó thì mình tránh ra thôi.

 


Chia sẻ