Gái phố bỡ ngỡ làm dâu quê

Hải Đình,
Chia sẻ

Nhiều cô gái sinh ra ở thành phố lấy chồng gốc từ các vùng ở nông thôn hẳn không ít lần bị sốc, hoặc rơi vào tình huống khó xử khi về quê chồng.

Dở khóc dở cười

Phức tạp và thường xuyên gặp  phải với các nàng dâu thành thị có lẽ là khoản hầu chuyện các cụ và công việc nội trợ. Người quê thường hay chuyện trò rườm rà và quan trọng hoá vấn đề đang nói. Không nắm bắt được tâm lý các cụ thì nàng dâu dễ rơi vào trạng thái nói chuyện rụt rè, lễ phép theo kiểu hỏi gì đáp nấy dẫn đến thiếu tự tin. Trường hợp này thường bị cho là khinh người mà Mai Hoa (phố Tạ Quang Bửu- Hà Nội) đã từng chịu cảnh đó. Sinh ra trong một gia đình khá giả, lại từng du học bên Úc về, có thể nói Mai Hoa từ nhỏ chưa biết đến vất vả, thiếu thốn. Duyên số đưa đẩy, Mai Hoa yêu và lấy Tuấn, một anh chàng người Hà Nam làm chống.
 
Sau ngày cưới Mai Hoa về quê chồng ra mắt họ hàng. Vùng đất Bình Lục vẫn còn nặng những thói quen ứng xử, giao tiếp tồn tại từ thời phong kiến. Buổi đầu gặp mặt, Hoa liên tục nhận được những câu khen, câu hỏi mà dù cố gắng nghe cũng chả hiểu gì. Tuấn cứ phải đi bên cạnh để đỡ lời làm Hoa cả buổi chả nói được mấy câu. Nguyên do nhiều cụ hay nói từ và cách phát âm tiếng địa phương. Hoa phải nhờ đến sự “phiên dịch” của Tuấn mới biết được. Chính điều đó đã làm phật lòng các cụ trong họ.

Ấy nhưng khi được ngồi “buôn bán” cùng các chị em, các cháu trong nhà thì Hoa lại rất hào hứng. Ai hỏi gì, nhờ gì Hoa đều “Yes”, “Ok”, “No vấn đề”, “free”….. Còn các cụ ngồi bên trong thì tức sôi ruột. Họ cho rằng Mai Hoa cậy là người thành phố, lại đi du học nên kiêu ngạo, coi thường dân quê ,và biết đâu trong thứ tiếng Tây Hoa nói có câu nào chửi mình. Sau buổi ra mắt, các cụ trong họ phán: “Nó mất gốc rồi, nghe nó nói chuyện cứ như me tây thời Pháp ấy”.

Không đi du học, không nói tiếng Anh, Hà Linh dễ dàng vượt qua “kỳ sát hạch” lễ ra mắt bên chồng bởi cách nói chuyện, ứng xử niềm nở, chu đáo. Bữa cơm đầu tiên của đại gia đình bên chồng (ở Lương Sơn - Hòa Bình) cô dâu mới đảm nhận vai trò bếp trưởng. Tự tin với tài nội trợ dù không xuất sắc nhưng cũng chưa từng bị ai chê. Linh hăng hái đi chợ, vào bếp những mong lấy trọn tình cảm và sự thán phục của mọi người qua bữa ăn này. Đến bữa, sau lúc hào hứng ban đầu thì mọi người không còn nói về món ăn nữa, các đĩa thức ăn không vơi đi là mấy, trừ mâm của đàn ông trong nhà đang uống rượu. Hỏi ra Linh mới biết, gia đình trước giờ nấu canh xương chỉ cho rau thơm mà không dùng cari, còn thịt bò xào thì bị mọi người kêu quá cay và hình như hơi …sống.

Nếu có lần sau, em sẽ...

Cho đến bây giờ Trang vẫn còn ân hận vì sự cố chấp mà cô phải mất đi người chồng hết mực yêu thương vợ. Trang và Minh lấy nhau đã gần hai năm nhưng mỗi lần về quê chồng với cô quả là một cực hình. Nhà Minh quê ở Nông Cống - Thanh Hoá có tới bảy anh chị em, các anh chị lập gia đình đều ở cùng xóm. Vốn quen với cách sống  thành phố lạnh lùng, khép kín, ai biết việc người ấy nên khi về quê chồng Trang luôn cảm thấy bất tiện với cách hỏi han đủ thứ chuyện của các bà chị dâu. Đã thế, cô em chồng rất hay tự tiện lấy đồ của Trang đem dùng mà không hề hỏi ý kiến. Rồi khi ma chay, cưới hỏi là phải về quê bằng được. Trang luôn miệng cằn nhằn vì những cái mà cô cho là “hủ tục” của quê chồng. Hai vợ chồng bắt đầu xung khắc, và mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Trang cãi nhau với mẹ chồng khi những lời phàn nàn về nàng dâu đã được hàng xóm hay chuyện đưa đến tai Trang. Thấy vợ hỗn với mẹ, Minh đã tát vợ trước mặt mọi người. Trang nổi giận bỏ về thành phố và nhất quyết đòi chia tay. Minh cũng không còn muốn níu giữ vì anh không thể có một người vợ luôn miệt thị lối sống nơi anh đã sinh ra.

Làm sao tránh được cảnh này ?

Tuy không phải mối quan hệ nào cũng kết thúc bằng bi kịch của ly hôn như trường hợp của Trang, nhưng phải thừa nhận, chính sự chuẩn bị không kỹ lưỡng về tâm lý và kỹ năng làm dâu của nhiều cô gái đã gây nên cho họ những bi kịch không đáng có.

Làm dâu luôn là chuyện khó với các cô gái khi nghĩ đến việc lấy chồng, và càng khó hơn khi các cô gái thành phố phải làm dâu chốn thôn quê. Trong đó, sự khác biệt về cách sinh hoạt cũng như lối sống là trở ngại hàng đầu với các cô gái thành thị khi theo chồng về quê.

Người quê vốn chất phác, lối suy nghĩ đơn giản. Do đó, chị em thành phố làm dâu quê cũng cần biết cách ứng xử, nói năng sao cho phù hợp, tránh nói chuyện áp đặt. Khi cần đưa ra ý kiến tránh dùng các cụm từ kiểu như: “theo con…” mà hãy nói: “con nghĩ…”, “con cứ tưởng…” sẽ thể hiện được tinh thần cầu thị, tôn trọng ý kiến người khác mà vẫn đưa ra quan điểm của mình. Về quê, nên ăn mặc sao cho kín đáo và tiện dụng cho các công việc, sinh hoạt ở nông thôn. Đặc biệt, chị em không nên có những cử chỉ âu yếm với chồng trước mặt mọi người, vì như thế sẽ rất phản cảm trong mặt người dân quê vốn ngại nói những điều riêng tư. Chuyện tưởng như phức tạp nhưng chỉ cần để ý một chút, các nàng dâu thành phố sẽ trở nên hoàn hảo mỗi lúc có dịp về thăm quê chồng.
 
Hải Đình
Chia sẻ