Gái ế

PNO,
Chia sẻ

Họ là những cô gái có xu hướng tôn thờ chủ nghĩa độc thân,một phần những cô gái trong số họ trong số họ yêu thích cuộc sống tự do hơn là bị bó buộc bởi trách nhiệm gia đình

Tự do hay là ế?

Gái ế thường có tuổi đời trên dưới 30. Trong số này có Thanh Tuyền, gia đình ở Vĩnh Long, lên TP.HCM học Đại học Kinh tế sau đó ra trường, “cắm rễ” ở thành phố. Có đầu óc kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, lại gặp thời dân chứng khoán làm ăn được, Tuyền phất lên rất nhanh. Từ ở trọ, cô mua hẳn căn hộ ở cao ốc giá vài tỷ đồng. Một cô gái xinh đẹp lại có tay kinh doanh như Tuyền là tâm điểm của nhiều thanh niên chưa vợ. Cô kể: “Cũng có những người bạn mời đi ăn, đi uống, nhưng tôi luôn bị cuốn vào công việc nên quên cả những buổi hẹn hò. Nhiều khi nhận được thiệp cưới của họ, mới sực nhớ đã lâu lắm rồi “người ta” không gọi điện, tặng hoa”.
 
Một trong những nguyên nhân các cô gái ngày nay không chịu kết hôn
đó là do họ quá mải mê với công việc (Ảnh minh họa)
 
 
Thỉnh thoảng có thời gian rảnh, Tuyền “hú” bạn bè đi ăn, “tám” tới khuya, thoạt đầu còn gọi cả những đứa “có gông đeo cổ”, nhưng sau đó thấy cứ 7 - 8 giờ tối là chúng nhấp nhổm đòi về với chồng con nên sau này chỉ còn lại đám “lính phòng không” đi đứng thoải mái, không ai kiểm soát, nhắc nhở. Tự do đúng là hai tiếng ngọt ngào.

Đối với Thu Hà, giám đốc một công ty quảng cáo thì chuyện muộn chồng lại là điều hay. Hà cho biết: “Bất kỳ cô gái nào tới gần ngưỡng tuổi “băm” mà chưa chồng đều được tặng mỹ danh “hàng tồn kho”, và càng thành đạt bao nhiêu, càng bị mang tiếng bấy nhiêu. Tôi đã từng bị “người ta” lên án nào là khó chiều, nhiều tham vọng nhưng thực tế, tôi chỉ làm những điều mình thấy cần. Tôi đã mua căn hộ cao cấp ở Phú Mỹ Hưng để được ở một mình tự do, có thời gian yên tĩnh chuyên tâm lo cho công việc và kiếm tiền trả lương nhân viên. Nhưng mẹ tôi lại khóc lóc. Bà nói: “Người ta đàn ông mới xây nhà cưới vợ, con là con gái mà tự tay mua nhà thì còn gì là duyên?”. Bà sợ con gái ế, mà không tin tôi đang hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Tôi tha hồ đi chơi mà không phải lo về nhà chăm chồng, trông con... Tới spa thư giãn và chăm sóc sắc đẹp hàng tuần mà không phải mắt trước mắt sau canh giờ về nhà. Thậm chí ở nhà vào cuối tuần và ngủ “nướng” cả ngày cũng không lo ai nhắc nhở. Tôi thấy lòng bình yên, cơ thể khỏe mạnh, ngập tràn tình yêu cuộc sống”.

Yêu mình trước

“Theo tôi, mỗi người trưởng thành ở mỗi độ tuổi khác nhau. Nhiều người bắt đầu hẹn hò và kết hôn muộn, đây không phải là cái tội. Tôi chỉ yêu mình trước rồi yêu người sau mà thôi”, Thu Hà tâm sự. Cô cho biết do trước kia ở chung với cha mẹ và vợ chồng người anh nên cô phải chứng kiến cảnh “địa ngục hôn nhân”. Cuộc sống gia đình của anh chị cô rất nặng nề. Chồng làm khó vợ về giờ giấc đi-về, ngược lại vợ cũng hoạnh họe chồng mỗi tối, mỗi sáng. Hai vợ chồng chỉ có đứa con mà cũng “nhường” nhau đủ việc từ lo cho con lúc ốm đau đến chở con đi học thêm. “Chưa lập gia đình mà tôi phải nghe đầy hai tai chuyện vợ chồng cắng đắng”.
 
Họ cũng là những cô gái tôn thờ chủ nghĩa độc thân (Ảnh minh họa)

Với Minh Hồng, giám đốc một công ty đầu tư nước ngoài, hôn nhân cũng là sự trói đời. Hồng kể: “Anh chị của tôi đều là bác sĩ. Từ ngày lập gia đình, các anh, các chị khoán trắng công việc chăm sóc mẹ cho tôi. Tôi âm thầm hy sinh, để dành tiền xây lại nhà cửa khang trang. Mẹ tôi ở tầng 1, tôi tầng 2, từ ngày xây lại nhà, sống một mình, một phòng, tôi có những thói quen khó bỏ. Chẳng hạn như có ai đó bước vào phòng mình đảo lộn mọi trật tự là tôi không thể chịu được. Tính khí này của tôi bị anh chị trêu là có biểu hiện của… bà cô già, trái tính trái nết. Anh chị tôi quan tâm đến em út theo kiểu: “Lấy chồng đi chứ cô út, muộn chồng muộn con khổ lắm”. Tôi chỉ cười không trả lời. Tôi muốn kéo dài thời gian độc thân để được chăm sóc mẹ, tâm sự với mẹ, chở mẹ đi tập dưỡng sinh mỗi sáng, cùng mẹ nấu ăn những ngày nghỉ. Lập gia đình là phải… tòng phu, dù muốn dù không, mình không còn là mình! Tóm lại khi đã ký vào tờ giấy kết hôn là ký vào tờ chung thân khổ sai. Càng cải tạo tốt, càng mất tự do!”.

Phương Hà cũng là một nhân vật tôn thờ cuộc sống tự do. Năm nay Hà 30 tuổi, dạy tiếng Anh cho trẻ em. Khác với bạn bè, Hà đặt vấn đề sẽ sống độc thân ngay khi tốt nghiệp đại học. Thoạt đầu, cha mẹ Hà có ngỡ ngàng, nhưng họ tôn trọng ý định của con. Mặc dù vậy, ông bà vẫn tìm cách xoay chuyển tình thế, khi thì nhờ Hà tiếp giùm bạn của chú Tư, khi thì đưa người bạn của dì ở Mỹ về đi tham quan thành phố. Hà làm tròn nhiệm vụ với gia đình thì lại gặp khó ở những “cây si” này. Có người âm thầm theo đuổi, lo lắng cho Hà từng chút, mong cô hồi tâm chuyển ý. Trong cơ quan, còn có người cho rằng Hà là gái ế nên luôn tận dụng cơ hội chòng ghẹo dù… đã có vợ con! Những lúc phải đối diện với những người đàn ông như thế, Hà lại càng thấy lựa chọn của mình là đúng đắn.

Đối diện áp lực gia đình

Các cô gái đều cho rằng áp lực từ gia đình là kinh khủng nhất. “Cô gái chứng khoán” Thanh Tuyền cứ đến dịp giỗ chạp là sợ phải về nhà gặp cha mẹ, họ hàng với những điệp khúc khuyên nhủ gỡ “bom nổ chậm”. Giám đốc Thu Hà thì khẳng định: “Cuộc sống hiện nay của tôi sẽ dễ dàng, vui thú hơn nhiều nếu không vì thái độ người thân”. Minh Hồng kể: “Mẹ tôi cho rằng, cung tình yêu, hôn nhân của tôi ở hướng Tây Nam của ngôi nhà, còn phòng tôi lại chếch đi một chút, nên muộn đường chồng con. Không nói không rằng, bà kêu thợ về sửa bung bét căn phòng tôi. Thấy tôi giận, bà ngân ngấn nước mắt nói: “Mẹ có sáu người con thì năm người đã gia đình đề huề, chỉ có con muộn mằn, nếu lỡ có bề gì làm sao mẹ yên tâm nhắm mắt?”. Lần đầu tiên sức ép từ gia đình khiến tôi chao đảo. Chẳng lẽ muốn sống độc thân là điều bất thường?”.
 
Trong những người nêu trên chỉ có Hồng đang chao đảo phần vì mẹ hối thúc, phần vì nhìn thấy tấm gương nhãn tiền của chị Yến Chi. Chị sống độc thân do ngày xưa không may lỡ thì chứ không phải là sự lựa chọn như những cô gái hiện nay. Giờ đã 55 tuổi, chị Chi nghỉ hưu, sống lầm lũi với… một con chó, một con mèo. Cuối tuần nào Hồng cũng nhận được điện thoại của chị Chi rủ đi ăn trưa, ăn tối. Chị khuyên Hồng: “Vẫn biết lập gia đình thì chịu đựng lẫn nhau, nhưng so sánh giữa việc chịu đựng để có gia đình thì không có một gia đình còn tệ hơn”. Nghe chị nói vậy, Hồng cũng suy nghĩ nhiều, nhưng cứ nghĩ tới phải hy sinh “độc lập tự do” hiện giờ thì Hồng lại ngại ngần, phân vân, không hiểu mình đã sẵn sàng chưa. Trong khi đó, thời gian trôi mau, cơ hội kiếm chồng ngày một ít đi. Hồng lo lắng: “Đến hoa hậu, người mẫu, người ta còn phải bỏ sự nghiệp đi lấy chồng để khỏi bị quá lứa lỡ thì. Tôi đã xinh đẹp bằng họ đâu, chắc là phải lấy chồng thôi”.
Chia sẻ