Gà ăn mày
Gà ăn mày là một trong số những đặc sản hàng đầu của trường phái ẩm thực Triết Giang (Trung Quốc), nổi tiếng khắp thế giới bởi cách chế biến độc đáo cũng như mùi vị thơm ngon của nó.
Gà còn nguyên con, bỏ toàn bộ lòng mề là nguyên liệu tối cần thiết cho món ăn này. Để đem lại mùi thơm, vị ngon ngọt cho món ăn, gà phải được rửa sạch bằng rượu gạo rồi nhồi hỗn hợp hành lá, gừng, đậu tương, bột ngũ vị và một vài loại thảo mộc Trung Quốc vào trong bụng gà, khiến thịt gà thêm vị đậm đà và khử hết mùi tanh hôi. Trước khi đem bọc bùn và nướng trong lửa, người ta lấy lá sen hoặc lá cọ để bọc gà.
Lá bọc sẽ giúp gà không bị dính bùn mà lại có mùi thơm tự nhiên của lá cây. Bùn bọc gà cũng phải được nhào nặn tỉ mỉ với nước và 1 kg muối. Lượng muối này hoàn toàn không làm thay đổi gì hương vị của gà, ngược lại nó sẽ giúp lớp bùn cứng hơn và không bị long ra trong quá trình nướng.
Sau một vào giờ nướng trong lửa, mùi vị thơm của các nguyên liệu nhồi bên trong vẫn không hề bị mất đi. Hơn thế nữa, gà trở nên béo ngậy, mềm, ngọt, không hề bị khô và có mùi thơm rất hấp dẫn. Đặc biệt, tất cả xương gà đã róc hết thịt và chỉ cần dùng một đôi đũa nhỏ cũng có thể nhẹ nhàng tách riêng phần xương và phần thịt.
Do cách thức chế biến món ăn rất độc đáo và giá cả khá đắt đỏ, cho tới nay, không có nhiều nhà hàng phục vụ món ăn này trong thực đơn của mình nếu không có khách hàng đặt trước.