Fit24 ngừng hoạt động gần 5 tháng nhưng khách vẫn phải thanh toán tiền với ngân hàng liên kết, luật sư nói gì?
Khi một câu lạc bộ thể dục ngừng hoạt động có thể gây ra những vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt khi khách hàng đã đóng tiền nhưng không nhận được dịch vụ.
Mới đây, anh M.Q (ở TP.HCM) phản ánh, bản thân đăng ký tập Gym tại Fit24 gói dịch vụ 10 triệu đồng, mở tài khoản qua thẻ ngân hàng S. Tuy nhiên sau đó phòng tập bị đóng cửa, hàng tháng anh Q. vẫn bị thúc nộp tiền phí.
“Xét về lý, tôi hiểu rằng đã đồng ý ký mở thẻ là thì tự phải trả, nhưng mà ở góc độ khách hàng, tôi không được dùng dịch vụ nữa nhưng vẫn mất tiền. Vậy, nếu ngân hàng liên kết với doanh nghiệp tư vấn cho khách hàng, xong họ không hoạt động hoặc phá sản thì ai chịu trách nhiệm đối với khách hàng”, anh Q. phản ánh.

Thông báo giao dịch thẻ do khách hàng cung cấp
Trao đổi với PV về góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng; khi một câu lạc bộ thể dục ngừng hoạt động có thể gây ra những vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt khi khách hàng đã đóng tiền nhưng không nhận được dịch vụ.
Trách nhiệm của câu lạc bộ thể dục
Luật sư Bình cho biết, theo quy định tại Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
Việc câu lạc bộ thể dục ngừng hoạt động là vi phạm nghĩa vụ khi không cung cấp dịch vụ như đã cam kết và phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người tập. Tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự. Căn cứ tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng được những điều kiện:
- Sự kiện xảy ra một cách khách quan;
- Sự kiện xảy ra mà bên vi phạm hợp đồng không thể lường trước được;
- Hậu quả của sự kiện không thể khắc phục được mặc dù người vi phạm hợp đồng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
"Như vậy, chỉ khi câu lạc bộ chứng minh được việc ngừng hoạt động là do sự kiến bất khả kháng thì mới không phải chịu trách nhiệm vì không thực hiện đúng hợp đồng", luật sư Bình nhấn mạnh.
Trách nhiệm của ngân hàng
Khi tham gia vào một câu lạc bộ thể dục, do gói tập có giá trị lớn nên câu lạc bộ thường sẽ có phương án là để khách hàng trả góp qua thẻ tín dụng qua một bên ngân hàng. Ngân hàng sẽ thay mặt khách hàng thanh toán số tiền gói tập cho câu lạc bộ, còn khách hàng hàng tháng sẽ thanh toán lại cho bên phía ngân hàng.
Theo luật sư, trong hợp đồng giữa ngân hàng và người tập, tùy thuộc vào việc trong hợp đồng, các bên có thỏa thuận về việc bồi thường hay hoàn trả tiền khi phòng tập ngừng cung cấp dịch vụ hay không thì các bên sẽ thực hiện theo hợp đồng.
Nếu không thỏa thuận thì ngân hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường khi phòng tập ngừng hoạt động. Nghĩa vụ của ngân hàng là thanh toán số tiền gói tập cho câu lạc bộ chứ ngân hàng không cung cấp hoạt động của cơ sở thể thao. Nếu ngân hàng đã thực hiện đúng nghĩa vụ là thanh toán cho câu lạc bộ thì người tập cũng phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là thanh toán đủ tiền cho ngân hàng.

Thông báo của đơn vị cung cấp dịch vụ
Kể từ khi đóng cửa, chuỗi phòng tập gym Fit24 tại TP HCM vẫn chưa đưa ra phương án hoàn trả hoặc xử lý số tiền mà hội viên đã đóng để mua gói tập.
Trong thông báo gần nhất, Fit24 cho biết đã bàn giao thiết bị, máy móc cho chủ mặt bằng để họ khai thác sử dụng nhằm giảm bớt phần nào khó khăn. Tính đến nay, Fit24 đã bàn giao hai cơ sở tại số 2 Nguyễn Đổng Chi (quận 7) và đường 3 Tháng 2 (quận 10).
Đáng chú ý, Fit24 hoàn toàn không đề cập đến việc hoàn tiền cho hội viên. Nhiều người đã đóng hàng chục triệu đồng, chỉ mới tập được vài ngày thì phòng gym đột ngột đóng cửa, khiến họ không biết phải đòi lại tiền bằng cách nào.
Cũng có nhiều khách hàng như anh Q., liên kết mở thẻ tập qua ngân hàng nhưng khi phòng tập đóng cửa thì nhiều người vẫn phải thanh toán các khoản trả góp cho ngân hàng dù không còn được sử dụng dịch vụ, khiến nhiều người rất bức xúc.
Liên quan đến sự việc, PV liên hệ với một nhân viên ngân hàng S. phụ trách mở thẻ cho khách hàng phòng tập Fit24 nhưng người này từ chối trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc