Facebook và Google sẽ bị phạt nặng nếu không thực hiện thanh lọc nội dung độc hại
2 hãng lại tiếp tục gặp rắc rối và có thể dẫn tới mức tiền phạt rất lớn.
Chính phủ Anh đang có kế hoạch phạt nặng 2 công ty công nghệ, với trị giá mức phạt lên tới hàng tỷ USD vì họ không có những biện pháp lọc nội dung hiệu quả cho các dịch vụ của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, bộ trưởng bộ công nghệ số của Anh là bà Margot James nói rằng các bộ ban ngành cần có năng lực trừng phạt các công ty như Facebook và Google nếu họ không có các biện pháp bảo vệ người dùng.
Bản kế hoạch của nước này sẽ được công bố chính thức vào tháng sau, nhưng bà Margot James cũng đã tiết lộ một vài chi tiết để ta biết hướng đi chung của họ sẽ như thế nào. Theo đó, nước này sẽ bầu ra một ủy ban có quyền lực tối cao, tách biệt so với chính phủ để tạo ra các bộ luật mới, xác định được những nội dung gây ảnh hướng xấu đến người dùng ở các mạng xã hội. Với bộ luật GDPR của EU, ủy ban này có thể phạt các công ty tới 4% giá trị toàn cầu cho những vụ việc nghiêm trọng.
Với Facebook thì mức phạt tối đa là 2.2 tỷ USD, còn với Google thì sẽ là 5.4 tỷ USD. Business Insider đã liên lạc với cả 2 hãng để hỏi ý kiến, và cả 2 đều nói rằng trong thời gian qua đã tuân thủ rất gắt gao các luật từ EU, và luôn sẵn sàng đón nhận các luật mới.
Margot James, bộ trưởng bộ công nghệ số của Anh.
Ngoài những hình phạt về tài chính, Anh cũng đang đề xuất những hình phạt mang tính hình sự. Theo như Jeremy Wright, bộ trưởng bộ văn hóa thì "Nước Anh sẽ nghĩ tới tất cả những hình phạt khác nhau".
Những nội dung có ảnh hưởng xấu cũng rất khó để định nghĩa
Bà James nói rằng chính phủ đang rất thận trọng trong việc phân biệt giữa các loại nội dung, và xem nội dung nào có hại tới người dùng và tới mức độ nào. Chính vì vậy nên mức phạt của Anh sẽ có các nấc khác nhau, chứ không cố định như ở Đức. Tại Đức, các công ty có thể bị phạt tới 57 triệu USD dưới bộ luật mang tên NetzDG.
Chính phủ Anh sẽ xem xét tất cả nội dung, từ những lời tuyên truyền sai sự thật, những video tuyển người vào các băng đảng xấu, những lời lẽ mang tính tấn công và cả những nội dung ấu dâm và tự hành xử. "Những danh mục này không phải lúc nào cũng rõ ràng" - bà James chia sẻ - "những hành động nào phạm pháp khi offline cũng sẽ được trừng phạt khi chúng được đưa lên mạng".
Hiện trụ sở của đa phần các công ty công nghệ ở Mỹ, có luật nới lỏng hơn so với thị trường châu Âu. Nhưng kể cả vậy, Google và Facebook cũng đều đã dính tới những vụ bê bối tại nước sở tại, bao gồm những video tuyên truyền sai trái hay những thông tin sai lệch làm người dân lo sợ.
Cơ sở của Facebook tại Menlo Park, California.
Bà James cũng phải thừa nhận, việc xuất hiện những thông tin sai trái tại các mạng xã hội cũng không hoàn toàn là lỗi của các hãng sở hữu, khi chúng có thể được đăng tải bởi người dùng. Nhưng họ cũng phải có các biện pháp để xóa nhanh nhất có thể, chứ không thể để chúng tồn tại tới hàng tháng trời.
Bà James cùng với ông Wright - bộ trưởng bộ văn hóa của Mỹ đã nói chuyện với CEO Facebook Mark Zuckerberg về các điều lệ mới. Bà chia sẻ: "Facebook cảm thấy nhẹ nhõm về việc sẽ có một ủy ban riêng biệt, chuyên để phân biệt những nội dung tốt và nội dung xấu, để có thể trừng phạt đúng người đúng tội".
Anh muốn có những quy chế về công nghệ hàng đầu Thế giới
Các bộ trưởng hiện vẫn chưa xác định được ngày công bố bộ luật mới này, hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lực cho công ty điều tra Ofcom, cũng đã có kinh nghiệm trong việc kiểm duyệt nội dung trình chiếu trên TV.
Bà James nói rằng những luật mới cũng phải được áp dụng một cách mềm dẻo, vì nước này không muốn làm rào cản cho các cuộc cách mạng công nghệ mới. Bà cũng cho biết Anh sẽ xây dựng một bộ luật tiên tiến, nhằm đi tiên phong để các nước khác có thể học tập và làm theo.
Nhà làm luật tại Anh - Damian Collins.
Damian Collins, một nhà làm luật tại Anh - người đã có những cuộc điều tra về việc Facebook xuất hiện các thông tin trái sự thật, nói rằng các công ty công nghệ cần được trừng phạt mạnh tay nếu có những nội dung sai trái được đăng tải.
"Những hình phạt thích đáng cần được đưa ra, nhằm bắt các công ty phải tuân thủ theo luật pháp mà chính phủ đưa ra. Anh cũng phải theo chân Đức với bộ luật NetzDG, các công ty này phải nghe khi ví tiền của họ bị ảnh hưởng, và nếu họ không tuân thủ thì sẽ phải chịu những trừng phạt mạnh tay".