Ép buộc hay tự nguyện học thêm: Ranh giới mong manh, khó kiểm soát

Hà Linh,
Chia sẻ

Quy định không cấm dạy thêm học thêm ở các cấp học đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người đồng tình, ủng hộ nhưng băn khoăn tự nguyện hay ép buộc là ranh giới mong manh và rất khó để quản nội dung dạy thêm.

Giải trình về vấn đề dạy thêm học thêm với đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói rằng, Bộ đang chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo.

Ép buộc hay tự nguyện học thêm: Ranh giới mong manh, khó kiểm soát - Ảnh 1.

Sau một ngày dài học ở trường, học sinh tiếp tục được phụ huynh đưa đến một trung tâm học thêm tiếng Anh. ảnh: Hà Linh

Điều này được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật Nhà giáo quy định các hành vi nghiêm cấm đối với nhà giáo có nội dung: “Ép người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật”. Trong dự thảo luật quy định về dạy thêm học thêm cho phép với điều kiện: Được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ học sinh đồng ý. Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Dự thảo cho phép giáo viên trên lớp dạy thêm chính học sinh của mình ở bên ngoài với điều kiện phải lập danh sách và báo cáo với hiệu trưởng nhà trường.

“Học thêm chỉ vì thi cử”

Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy (Hà Nội), nói rằng, trên thực tế, phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm và giáo viên có nhu cầu dạy thêm nên khó có thể cấm cản. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giáo dục cần đưa ra những quy định cụ thể để học sinh yếu kém được học thêm nhằm mục đích tiến bộ hơn; học sinh giỏi phát triển năng lực hơn, tránh tình trạng dạy, học thêm tràn lan. Trong các giải pháp, không nên cho giáo viên đứng lớp dạy thêm chính học sinh của mình ở ngoài bởi lẽ điều này dễ gây mất bình đẳng đối với tất cả học sinh trên lớp.

"Hiện nay, nhiều người chửi học thêm, ghét học thêm nhưng cuối cùng ai cũng phải móc tiền ra đi học chỉ vì thi cử, sợ con điểm kém. Nhiều phụ huynh nhịn ăn, nhịn mặc cho con đi học thêm trong khi đã học ngày 2 buổi ở trường, kiệt sức ở các lớp học thêm".

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT

"Trước đây, cố PGS Văn Như Cương đã đưa ra quy định, giáo viên của trường không được dạy thêm học sinh trên lớp vì khó có thể đánh giá được sự tiến bộ thực sự của học sinh. Khi đi học, các em nộp thêm tiền cho cô, ít nhiều sẽ có sự ưu ái về điểm kiểm tra. Những em không đi học thêm với thầy cô đó cũng sẽ ái ngại, lo lắng liệu có bị đối xử công bằng hay không. Một vấn đề nữa, khi dạy thêm ở ngoài, không ai có thể chạy theo để kiểm soát liệu giáo viên có dạy trước chương trình, có mang câu hỏi về kiểm tra trên lớp hay không", bà Dương nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), chia sẻ, quản lý về dạy thêm, học thêm hiện nay rất khó. Bộ GD&ĐT đưa ra quy định "cấm ép buộc" hay "chỉ dạy thêm khi học sinh tự nguyện", tuy nhiên tự nguyện chỉ là bình phong. Ranh giới giữa tự nguyện và ép buộc đôi khi rất mong manh. Một lời nhắc nhở của cô giáo cũng khiến phụ huynh phải trăn trở, suy nghĩ liệu có phải do không đi học thêm hay không. Trong quy định về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo không có nội dung nào về dạy thêm, học thêm. Giáo viên chỉ phải chịu trách nhiệm bồi dưỡng những học sinh có năng lực yếu, kém trong nhà trường.

Dạy thêm, học thêm là vấn đề của nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam rất nặng nề và mục tiêu không hẳn vì sự phát triển toàn diện của học sinh. Trẻ mầm non học thêm để trước khi vào lớp 1 phải biết đọc, biết viết; trẻ tiểu học học thêm để thi vào lớp 6 chất lượng cao; THCS - THPT học thêm để thi vượt cấp, thi vào ĐH. "Có thể thấy, học sinh học thêm chỉ vì thi cử, học thuộc thi xong quên ngay. Để giải quyết được vấn nạn này, cần phải có quy định rõ ràng, minh bạch về dạy thêm, giảm bớt thi cử", TS Vinh nói.

Ám ảnh học thêm

Dự thảo mới về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm ở bậc tiểu học mà đưa ra nội dung rất chung chung, đó là: "Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày". Phụ huynh, nhà quản lý giáo dục cho rằng, quy định này chưa chặt chẽ, chỉ cấm dạy thêm trong trường, có thể tạo kẽ hở cho giáo viên lôi kéo học sinh nhỏ tuổi ra ngoài dạy thêm.

Chị Trần Thị Thuỷ ở Hoàng Mai (Hà Nội), có 2 con đang học bậc tiểu học, chia sẻ niềm vui khi năm nay con gặp được "cô giáo có tâm, không ép học thêm". Chị Thuỷ nhớ lại năm ngoái, khi con gái vừa lên lớp 3, cô giáo liên tục gọi điện cho cả vợ lẫn chồng để ca thán, con học yếu, chậm, không hiểu bài và đề nghị gia đình phải có giải pháp.

"Không chịu được áp lực, cuối cùng, mình đành huỷ lịch học tiếng Anh và học vẽ để cho con học thêm với cô ở ngoài nhà trường mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 150 nghìn đồng. Kể từ đó, mọi chuyện êm đẹp, cô không gọi điện phê bình nữa", chị Thuỷ kể.

Nhiều phụ huynh chia sẻ thực tế, con học tiểu học đã phải "ngậm ngùi đi học thêm". Không nói thẳng ra cần phải học nhưng thông qua ban phụ huynh thông báo thầy cô mở lớp và lập danh sách gửi vào nhóm khiến phụ huynh rất khó nghĩ.

Từ kinh nghiệm quản lý trường học của mình, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), cho rằng, học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường, nếu phải tiếp tục đi học thêm ở ngoài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau một ngày học tập, các con cần được nghỉ ngơi, vui chơi thể thao để tái tạo năng lượng cho ngày mới. Nhưng thực tế, vẫn có phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm để đã giỏi rồi cần phải giỏi hơn hay yếu kém sẽ tiến bộ hơn.

"Quy định cấm dạy thêm ở bậc tiểu học là phù hợp. Với quy định này, ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu giáo viên ký cam kết không dạy thêm ở ngoài, đồng thời phối hợp với cơ quan quản lý kiểm tra thực tế. Ngoài ra, thông qua phiếu khảo sát ý kiến phụ huynh, nhà trường thu thập thông tin về trường hợp giáo viên dạy thêm để nhắc nhở và xử lý", bà Chi nói.

Chia sẻ