Em là huy hoàng của quá khứ - Phần 1: Những cái Tết nghèo

Sen Trắng,
Chia sẻ

Có lẽ chị không biết, trong các cuộc xã giao Tết ấy, anh vẫn cần người phụ nữ của mình chung đôi. Chẳng qua người đi cùng anh lúc này lại chẳng phải chị mà thôi...

Anh chị đến với nhau bằng đôi bàn tay trắng. Gia đình hai bên đều nghèo, buộc anh chị phải tự lập từ những cái nhỏ nhất. Đêm tân hôn, anh ôm chặt chị thủ thỉ bên tai vợ: “Anh sẽ không để em và các con phải khổ, hãy tin ở anh”. Chị mỉm cười hạnh phúc, phải, anh chị chưa có gì trong tay, nhưng sự quyết tâm và tình yêu thương, nguyện chung vai sát cánh bên nhau thì anh chị luôn thừa thãi.

Anh chị khởi nghiệp bằng số tiền vốn vay được từ ngân hàng với một cửa hàng nhỏ. Ngày tháng ban đầu ấy khó mà nói hết được gian nan, khổ cực. Những bữa ăn đạm bạc, những bộ đồ cũ sờn vẫn chẳng nỡ bỏ đi, những vật dụng đi xin được từ người khác, những đêm thức trắng nhập hàng, kiểm hàng, tiết kiệm, tích góp từng nghìn lẻ… Nhọc nhằn là thế mà anh chị luôn nở nụ cười trên môi, luôn nhìn nhau trìu mến, và trao cho nhau những cái ôm nồng ấm.

Hai đứa con một trai một gái của anh chị lần lượt ra đời. Vừa phụ chồng trông coi cửa hàng, chị còn chăm sóc các con, làm việc nhà, một ngày chỉ mong có 48 tiếng để làm chu toàn hết mọi việc. Có lần còn nhập việc vì ngất xỉu bất ngờ, người gầy rộc đi, chẳng tăng được cân bao giờ.

Chị chẳng bao giờ quên những cái Tết nghèo vợ chồng con cái nhà chị cùng quây quần bên nhau. Nhớ như in buổi chiều 30 Tết, năm nào cũng như năm nào, tối muộn anh chị mới đèo nhau ra hàng đào cảnh, xem người ta có bạn hạ giá không để mua về trưng. Một món đồ không có lợi ích thực tế, chỉ thuần túy làm đẹp như vậy, anh chị bỏ tiền mua mà thấy xót ruột vô cùng.

Em là huy hoàng của quá khứ - Phần 1: Những cái Tết nghèo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tết đến, nhà chị cả năm chỉ có dịp này được mùa quần áo mới. Mặc dù chỉ là đồ rẻ tiền nhưng cả anh chị lẫn các con đều vui vẻ cười tít mắt. Bánh chưng nhà chị đều tự gói cho tiết kiệm, đêm giao thừa cả nhà ngồi quanh nồi bánh chưng, nói chuyện một năm qua và nghe anh hứa hẹn với 3 mẹ con chị về một tương lai rực rỡ. Nhìn ánh mắt anh sáng lấp lánh khi nói về những hoài bão, dự định mai sau, chị mỉm cười đầy mãn nguyện. Thực ra chị chẳng có nhiều tham vọng cho lắm, đối với chị vật chất không quan trọng bằng tình cảm gia đình luôn ấm áp, đong đầy như thế này. Chỉ cần anh và con luôn bên cạnh, có khổ thế nào chị cũng chịu được.

Nhìn nhà người ta sắm Tết mâm cao cỗ đầy, trang trí nhà cửa sang trọng, lấp lánh, lại nhìn nhà mình giản dị tới đáng thương, trong những giờ khắc chuyển giao giữa năm mới, năm cũ, anh luôn nắm chặt tay chị mà hứa hẹn: “Anh sẽ cho gia đình mình cuộc sống thật tốt, mấy mẹ con hãy tin ở anh”. “Vâng”, chị dịu dàng đáp lời, chị và các con chắc chắn không bao giờ rời xa anh hết, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực và có đầu óc kinh doanh của anh, cửa hàng nhà chị ngày càng làm ăn khấm khá. Anh mua xe máy mới và sửa nhà, sắm thêm nhiều đồ đạc cho vợ con cuộc sống tốt hơn trước không ít. Anh bàn với chị, anh phải đi học lấy bằng đại học tại chức, sau này thuận lợi hơn trong việc thành lập công ty. Anh không thể an phận với cái cửa hàng nhỏ lẻ này được.

Chị luôn ủng hộ chồng vô điều kiện. Anh đi học, chị vừa việc nhà, con cái lại miệt mài ở cửa hàng quản lí giúp anh. Nói thật, chị không được giỏi giang như anh, mọi sách lược, đường hướng của cửa hàng chủ yếu đều do anh đưa ra, chị phần lớn nghe theo anh chỉ bảo mà thôi.

Nói thế không có nghĩa công sức của chị là ít ỏi, nếu không có chị đồng hành, vắt kiệt sức lực hỗ trợ, anh cũng sẽ chẳng thể thành công. Chưa nói chị còn chu toàn gia đình, đối nội đối ngoại và chăm sóc con cái để anh yên tâm phát triển sự nghiệp. Chị là một người vợ, một người mẹ thật không có chỗ nào để chê. Nói với người nhà lẫn bạn bè, người quen bên ngoài, anh luôn tự hào vô cùng khi giới thiệu về vợ.

Em là huy hoàng của quá khứ - Phần 1: Những cái Tết nghèo - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Anh là người đàn ông may mắn nhất trên đời khi lấy được người vợ như em. Cảm ơn em đã yêu anh, đã làm vợ anh, làm mẹ của các con anh”, không ít lần trong lúc vợ chồng ân ái, anh đã rủ rỉ bên tai chị như vậy. Cũng cần nhắc tới khi trước, chị là một cô gái ưa nhìn, duyên dáng, anh phải vượt qua không ít đối thủ cạnh tranh mới cưới được chị, trong đó có người hơn anh về mọi mặt. Chị chấp nhận anh nghèo, luôn ở bên anh không rời, một lòng thủy chung son sắc, anh cảm thấy bản thân mình may mắn là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Sau hơn 2 năm, anh đã lấy được tấm bằng đại học tại chức như anh mong muốn. Lúc này nhà chị có chút vốn, anh quyết định mở rộng kinh doanh. Nhờ tài năng, sự quyết đoán và nắm bắt được thị trường, anh nhanh chóng có thành công bước đầu. Việc làm ăn thuận lợi khiến cuộc sống vật chất gia đình chị trở nên khấm khá thấy rõ. Anh xây nhà, mua ô tô cho vợ con đi, cho các con học trường tốt và chu cấp cho vợ tiền tiêu xài khá thoải mái.

Rồi anh thành lập công ty, việc kinh doanh tiến lên một nấc thang mới. Chị muốn đến làm cho anh, anh bảo chị cứ ở nhà nghỉ dưỡng, giúp anh chăm sóc các con và quản xuyến việc nhà, để ý bố mẹ hai bên là anh mãn nguyện rồi. Nếu chị đi làm, thời gian dành cho gia đình không có. Thuê người ngoài cũng được nhưng sao có thể bằng chính bàn tay chị săn sóc. Chị nghe anh nói thấy phải, liền đồng ý. Chị chỉ nghĩ đơn giản, anh chắc chắn sẽ nghĩ và dành điều tốt nhất cho vợ con. Một người lo kinh tế, một người lo gia đình, mỗi người một việc, thế là ổn thỏa.

Hình ảnh những cái Tết nghèo đối với gia đình chị lúc này đã là quá khứ thật xa xôi. Hơn chục năm sau đám cưới, anh đã trở thành mẫu người đàn ông thành đạt, còn chị là phu nhân giám đốc, ở nhà lầu, đi xe hơi và đủ kiều kiện dùng đồ hiệu đắt tiền. Đến Tết, nhà chị ê hề rượu ngoại, bánh kẹo nhập khẩu và các món đồ đắt tiền. Nhưng chị vẫn thường chạnh lòng nhớ về ngày xưa, bởi nơi đó có thứ mà hiện tại chị không tài nào tìm thấy được: sự ấm áp, sum vầy. Hiện tại rảnh rỗi, chị tự bày biện làm món nọ món kia, cuối cùng chỉ có 3 mẹ con ăn với nhau. Công việc làm ăn phát triển, Tết nhất anh càng vắng nhà nhiều, một bữa cơm với vợ con trở thành điều thật xa xỉ.

Có lẽ chị không biết, trong các cuộc xã giao Tết ấy, anh vẫn cần người phụ nữ của mình chung đôi. Chẳng qua người đi cùng anh lúc này lại chẳng phải chị mà thôi. Khi đồng ý nghe theo anh ở nhà chăm chồng dạy con, chị đã không ý thức được, chính quyết định đó đã càng ngày càng đẩy mình và anh ra xa nhau…

(Còn tiếp)

Chia sẻ