Em bé nguy kịch, vẫn phải đóng tiền xong mới được cấp cứu

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

 “Tôi nói mấy chị ơi, cho con tôi nhập viện trước đi, còn chuyện làm giấy làm gì làm sau. Nhưng họ không đồng ý và yêu cầu tôi phải làm thủ tục xong mới cho nhập viện. Đến khi vào được cấp cứu thì con đã không cứu được!”

Người nhà cho rằng chính thủ tục rờm rà đã làm bé Hậu chết - Ảnh: Bửu Đấu

Người nhà cho rằng chính thủ tục rờm rà đã làm bé Hậu chết - Ảnh: Bửu Đấu

Đó là bức xúc của ông Nguyễn Văn Danh, khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang, khi nói về con ông là bé Nguyễn Văn Hậu (11 tháng tuổi) vừa chết khoảng 8g sáng 29-7 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tịnh Biên.

Trước đó, khoảng 7g ngày 29-7, vợ chồng ông Danh đưa hai 2 con là bé Hậu và bé Nguyễn Thị Cẩm Loan (sinh năm 2014) đến bệnh viện trong tình trạng bé Hậu liên tục ói, mệt và khát nước, còn bé Loan bị sốt cao.

Ông Danh đề nghị các y, bác sĩ ở phòng nhận bệnh cho bé Hậu được vào cấp cứu trước rồi sẽ đóng tiền và làm thủ tục sau nhưng các y, bác sĩ không đồng ý và yêu cầu ông phải hoàn thành việc đóng tiền và các thủ tục nhập viện mới cho vào cấp cứu.

Trong lúc chờ làm giấy tờ, thủ tục để vào phòng cấp cứu thì các bác sĩ có khám và đưa toa kêu ông mua một viên thuốc tiêu sôi để cho bé Hậu uống. Nhưng sau khi uống xong thì bé Hậu biến sắc và trở nặng hơn.

“Lúc đó, tôi nói chị ơi, cho con tôi nhập viện trước đi, còn chuyện làm giấy làm gì làm sau đi nhưng họ không đồng ý và kêu tôi phải làm thủ tục xong mới cho nhập viện. Tôi đóng hết 500.000đ và làm đủ thủ tục này nọ rồi mới cho con tôi vào phòng cấp cứu. Lúc này thì con tôi đã yếu quá rồi".

"Tôi thấy có ba, bốn bác sĩ lại cứu bé, tiếp hơi và làm mọi cách nhưng không cứu được. Sau đó, bác sĩ mời gia đình lại làm giấy xuất viện. Tôi nghĩ chuyện đã lỡ rồi nhưng Bệnh viện này phải thay đổi cách tiếp nhận bệnh.” - ông Danh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 29-7, ông Dương Hoàng Dũng, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tịnh Biên, cho biết ông bận họp ở UBND huyện nên chưa nghe thông tin này.

Ông Dũng cho biết theo quy trình thì bệnh nhân phải qua phòng nhận bệnh trước để họ phân loại nặng hay nhẹ rồi đưa qua khoa nào. Đối với những trường hợp đặc biệt thì có thể vào thẳng cấp cứu rồi làm thủ tục sau cũng được.

“Người nhà nói chậm nhưng để tôi kiểm tra lại xem lỗi ở khâu nào. Nếu thật sự là phòng nhận bệnh đánh giá không đúng bệnh tình của bệnh nhân làm chậm trễ hay lỗi ở phòng cấp cứu thì phải nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, thông thường là anh phải có chút gì hồ sơ liên quan đến bệnh án mới nhập viện được! Sáng mai (30-7) tôi sẽ có thông tin chính thức về vụ việc này” - ông Dũng nói.


Chia sẻ