Ế chồng chỉ vì... gò má cao

,
Chia sẻ

Chỉ vì trót có... gò má cao mà nhiều cô gái đã phải chịu những trắc trở trong tình duyên. “Gò má cao sát chồng” là một quan niệm ấu trĩ mà nhiều người vẫn mù quáng tin theo.

Lận đận tình duyên
 
Mỗi năm họp lớp đại học một lần. Mỗi năm, quân số của “hội độc thân” thành lập từ hồi đại học của lớp Quỳnh (29 tuổi, nhân viên công ty truyền thông M.) lại giảm đi tới mức... đáng báo động. Cũng phải thôi, lớp Quỳnh ra trường đến 7, 8 năm rồi, cả lớp cũng đã 29, 30 tuổi nên không thể chơi bời, bay bổng như trước được nữa. Nhiều bạn nữ lớp cô tốt nghiệp là lập gia đình ngay nên con năm nay cũng đã vào lớp 1. Trong số các bạn nữ của lớp, chỉ mình Quỳnh vẫn lẻ bóng. Mà chẳng phải cô xấu xí hay kén chọn gì. Cô cũng đã từng ngấp nghé tới 2 lần trước cánh cửa hôn nhân vậy mà cuối cùng cô đơn vẫn hoàn đơn côi. Tất cả cũng chỉ vì cái tướng “gò má cao sát chồng”. Đám bạn thân trong lớp chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm cho cái số tình duyên bộn bề lận đận của cô.
 
Ra trường được một năm, ổn định công việc, Quỳnh đã rục rịch chuyện hôn nhân. “Đối tác” vẫn là anh chàng cô đã yêu từ thời sinh viên. Yêu nhau tới mấy năm nhưng do quê người yêu ở tận Nghệ An nên cô chưa có dịp nào được về quê anh cho biết cửa biết nhà. Khi tính chuyện lâu dài thì anh mới đưa cô về giới thiệu với bố mẹ và người thân.
 
Lần đầu ra mắt cũng không đến nỗi tệ vì bản thân Quỳnh cũng là người khá thành thạo về nữ công gia chánh và biết cách ứng xử nhưng cô vẫn cảm thấy mẹ người yêu nhìn mình với ánh mắt là lạ. Gạn hỏi mãi cuối cùng thì anh chàng người yêu cũng cho biết, mẹ anh không đồng ý chuyện hôn nhân của hai đứa vì bà cho rằng Quỳnh có tướng sát chồng, rằng cô gò má cao như thế, dù ai lấy cô cũng phải chịu số chết sớm mà thôi.
Rồi anh kể chuyện, bà cô bên nội nhà anh cũng có gò má cao. Ngay từ khi bà cô đó còn là thiếu nữ, có ông thầy bói đi qua nhà đã nói tướng cô là tướng sát phu, Cô lấy chồng nào là chồng đó không đột tử thì cũng bệnh nặng mà chết. Tưởng chỉ là lời nói vu vơ nhưng không ngờ lại vận vào số mệnh của cô thật. Người chồng đầu tiên của cô mất khi đang lao động trên núi khi cả hai mới lấy nhau chưa đầy ba năm. Vài năm sau đó, bà cô lấy người chồng thứ hai. Cũng chỉ được sáu năm rồi người chồng bị bệnh hiểm nghèo và lại ra đi. Cái tiếng “gò má cao sát chồng” theo riết bà cô đó đến mức hàng chục năm sau, họ hàng vẫn còn bàn tán.

Người yêu của Quỳnh khi đó là con trai một nên bố mẹ anh sợ con trai mình sẽ phải chịu thảm cảnh như những người chồng của bà cô bên họ nội. Biết rằng quan niệm đó là ấu trĩ, là sai lầm nhưng người yêu Quỳnh vẫn không sao lay chuyển được bố mẹ. Dùng dằng được hơn năm thì cuối cùng chính Quỳnh phải nói lời chia tay. Đó thực sự là một điều đáng tiếc bởi hai người đã gắn bó với nhau trong suốt những năm tháng sinh viên, tình yêu đó cũng được thử thách qua rất nhiều khó khăn.

Cũng phải đến mấy năm sau Quỳnh mới có thể yêu lại được. Mọi chuyện diễn ra tuy không được thuận lợi nhưng cuối cùng cũng khá suôn sẻ. Bố mẹ của anh chàng người yêu ban đầu cũng tỏ thái độ không đồng tình khi con dâu tương lai có gò má cao “sát chồng”. Nhưng bằng sự chân thành, khéo léo và kinh nghiệm hơn lần trước nên Quỳnh cũng dần dần khiến bà có cảm giác quý mến và tin tưởng. Bạn bè tưởng được ăn cỗ cưới cô nàng Quỳnh đến nơi thì lại xảy ra một chuyện. Trong một chuyến đi công tác, người yêu cô bị tai nạn, tuy không đến nỗi mất mạng nhưng vết thương khá nặng và lâu khỏi. Ngay lập tức, “mẹ chồng tương lai” đổ lỗi tại cái gò má cao của Quỳnh, rằng: “Chưa lấy nó mày đã bị tai nạn gần chết thế này, nếu mà lấy thì còn khốn khổ hơn con ạ”. Lần thứ hai, tình duyên của Quỳnh lận đận vì cái... gò má cao.

Bị dằn vặt suốt đời

Cô Lưu (Sơn Tây, Hà Nội) thì còn chịu nhiều đau đớn hơn chỉ vì cái tướng “gò má cao” của mình. Ngày trước, cũng chỉ vì tướng “gò má sát phu” mà chuyện tình cảm của cô chú gặp nhiều trắc trở. Mẹ người yêu cô (sau này là mẹ chồng) là người mê tín nên bà luôn nghĩ con trai mình mà lấy cô thì sớm muộn gì cũng phải chịu số đoản mệnh. Bà tìm mọi cách để ngăn cản nhưng không thể khuất phục được lòng quyết tâm đến với nhau của đôi trẻ. Về làm dâu, dù luôn luôn nhịn nhường, cầu thị, cô vẫn chịu nhiều cay đắng vì thói đành hanh và soi mói của mẹ chồng.

Nhưng mọi chuyện không chỉ có vậy. Cưới nhau được gần chục năm thì chồng cô bị mất trong một tai nạn lao động bỏ lại cô với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Tệ hại hơn, bà mẹ chồng luôn đổ lỗi cho cô về cái chết của con mình. Trong nỗi đau mất con, bà chì chiết, nhiếc móc thậm chí còn xông vào định đánh cả con dâu: “Cô là cái đứa giết chồng, tôi đã bảo từ trước mà cô cứ bám lấy con tôi, giờ cô hại nó ra nông nỗi này, cô đã thỏa lòng chưa?”. Nỗi đau mất chồng dường như còn tăng lên gấp bội vì sự buộc tội phi lý của người mẹ chồng.

Cả chục năm sau chồng mất, cô không đi bước nữa mà tảo tần nuôi các con ăn học, một lòng đối xử trên kính dưới nhường với gia đình chồng. Vậy mà, bà mẹ chồng vẫn không chịu nhìn mặt cô, vẫn gọi cô là “cái quân sát phu hại tử”. Mỗi lần những lời nói cay nghiệt ấy được thốt ra, cô lại không cầm nổi nước mắt. Giọt nước mắt tủi hận, giọt nước mắt về nỗi hàm oan “giết chồng” không bao giờ có thể hóa giải.
 
 Theo PhunuNet
Chia sẻ