"Đút lót" con cái, thoải mái cặp bồ
Bị chồng phản bội và bạc đãi, chị Hằng chỉ còn trông chờ vào tình cảm của con. Nhưng cả hai đứa trẻ được bố cho tiền đều quay mặt với mẹ.
Tìm đến chuyên gia tư vấn trong tình trạng trầm cảm nặng, Huyền đau đớn tâm sự: “Tôi luôn nghĩ rằng khi biết bố chúng thường xuyên ngoại tình, bọn trẻ sẽ ghê tởm ông ấy và xót thương cho mẹ. Không ngờ đồng tiền có sức mạnh kinh khủng đến thế”.
“Mẹ chỉ là kẻ vô tích sự”
Đó là câu nói mà đứa con gái 13 tuổi ném vào mặt Huyền khi hai vợ chồng cãi nhau và đều muốn con cái làm trọng tài. Từ khi phất lên trong kinh doanh, chồng Huyền bảo vợ bỏ việc ở nhà nuôi dạy con cái. Sẵn thời gian nên Huyền chăm sóc chồng con như ông hoàng bà chúa, phục vụ đến tận răng. Hai đứa con đã dậy thì vẫn không biết tự dọn giường hay xếp giày dép của mình vào giá… Cơm dọn ra, bố con điềm nhiên “chén” trong khi mẹ vẫn lúi húi trong bếp. Rồi khi chị vừa ngồi vào mâm, có đứa sẵn sàng sai “mẹ lấy cho con gói muối mì tôm, con không chấm bột canh”, thế là lại tất tả đứng dậy.
Mới đây khi một cô bồ trẻ bị chồng Huyền “đá” đến gặp chị gây sự cho bõ tức, Huyền hết chịu nổi nên lớn tiếng với chồng. Dĩ nhiên anh vẫn chối. Vợ chồng cãi nhau to rồi lôi cả con vào “phân xử”. Đứa con gái căm phẫn chỉ vào mặt mẹ quát: “Mẹ đúng là quá quắt, đã không được tích sự gì lại còn nghĩ ra đủ trò hành hạ cả nhà”. Đứa con trai lắc đầu: “Thật không ai sống nổi với mẹ, bố có người khác cũng phải!”. Huyền tái người, chết lặng.
Những đứa con độc ác và phản bội?
Tâm sự với chuyên gia tại một phòng khám tâm lý ở quận Đống Đa, Hà Nội, Huyền cho biết chị hận chồng một thì oán các con mười. Chị gọi chúng là những đứa trẻ độc ác, vô ơn và phản bội. Nhưng sau cuộc trò chuyện, Huyền khóc òa lên khi nhận ra rằng, chính chị đã góp phần biến các con thành người như thế. Ở tuổi thiếu niên, chúng chỉ thấy mọi nhu cầu trong nhà đều trông chờ vào đồng tiền mà bố giỏi giang kiếm ra, mẹ chúng không làm ra tiền và an phận với vai trò hầu hạ, rằng bố chúng luôn chiều chuộng chúng, chúng cần tiền ăn tiêu thì chỉ có thể xin bố mà thôi, còn mẹ đã chẳng cho lại còn đe nẹt, mắng mỏ… Huyền đã tự hạ thấp mình trong mắt con cái khi tự đặt mình vào vị trí nô lệ cho cả nhà, để con cái sai bảo mà nghĩ là mình đang yêu thương, chăm sóc chúng. Trong khi đó ông chồng lại quá cao tay, biết dùng tiền và những lời ngọt ngào để mua chuộc các con, bôi xấu hình ảnh vợ.
Điều gì tạo ra sự khác biệt đó? Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên, đó chính là quan điểm và cách cư xử của người vợ. Khi người phụ nữ nhận thức được vị trí quan trọng và không thể thay thế của mình trong gia đình, điều đó sẽ thể hiện ở cách cư xử với chồng con, và chồng con họ sẽ cảm nhận được một cách tự nhiên. Như vậy dù không làm ra tiền hay làm ra ít tiền, người vợ vẫn được tôn trọng, ngay cả khi tình cảm giữa hai vợ chồng không được như trước. Còn nếu người vợ nghĩ rằng vì không làm ra tiền nên mình phải cố gắng phụng sự chồng con như người hầu, các thành viên trong gia đình cũng sẽ nhận ra điều đó và dễ dàng lấn lướt với cảm giác “áy náy” ngày càng ít đi.
Có thể những đứa con của chị Huyền “phản bội, vô ơn và độc ác” như lời kết tội của mẹ chúng, nhưng nguyên nhân một phần cũng là do chị đã bất công với chính mình.