Đường dây bán dâm là người mẫu, hoa khôi tự xưng
“Chúng tôi đã đọc tất cả hồ sơ của các đối tượng được cho là người đẹp, hoa khôi bán dâm trong đường dây của Lê Bá Lộc. Nhưng thực ra họ lại không phải là người mẫu, người đẹp hoạt động trong giới showbiz. Đây là vấn đề mà gây nhức nhối rất nhiều trong xã hội”, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.
Ngày 17/4 tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã họp báo công bố các hoạt động của Cục trong năm 2015.
Giấc mơ showbiz bằng con đường "bóng tối"
Phần hỏi đáp báo chí, liên quan tới vụ việc hàng loạt hoa khôi, người mẫu trong đường dây bán dâm do Lê Bá Lộc (42 tuổi, TP.HCM) điều hành, đang gây xôn xao dự luận, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: “Chúng tôi đã đọc tất cả hồ sơ của các đối tượng được cho là người đẹp, hoa khôi bán dâm trong đường dây của Lê Bá Lộc. Nhưng thực ra họ lại không phải là người mẫu, người đẹp hoạt động trong giới showbiz. Đây là vấn đề mà gây nhức nhối rất nhiều trong xã hội, bởi thực tế có nhiều công ty tự ý tổ chức thi tuyển người mẫu, rồi những người bước ra từ cuộc thi này lại nghiễm nhiên xưng danh người mẫu. Để giải quyết, rất cần sự chung sức, đặc biệt là các địa phương trong vấn đề quản lý con người”.
Trong quá trình điều tra, công an bắt giữ các người mẫu gồm: Nguyễn Thị Hải Yến (nghệ danh là Châu Hải Yến, SN 1990 - trong ảnh), Lê Thị Bảo Trân (SN 1989), Lê Thị Diệu Hiền (SN 1992) và Đặng Thị Ánh Đào (SN 1991).
Ông Chương cho rằng, nhiều bạn trẻ mới lớn thường có giấc mơ vào giới showbiz để có một danh hiệu. Bởi danh hiệu theo con đường chính thống thì đó là con đường phải có tài tăng và sự khổ luyện mới đạt được. Do đó, buộc người ta phải đi bằng con đường trong “bóng tối”.
Họ vào những trung tâm tự ý mở các cuộc thi, tuyển thí sinh trên wedsite mà chưa được cấp phép. Dù đây là cuộc thi trái với pháp luật, nhưng sau khi thi họ đương nhiên tự xưng danh người mẫu, người đẹp. Và nhiều người trong số đó sẵn sàng tìm mặt trái của cơ chế thị trường để làm thỏa mãn dục vọng của họ. “Đây là vấn đề còn đang diễn biến hết sức phức tạp trong đời sống nghệ thuật của chúng ta. Có nhiều công ty kiểu như thế này, chúng tôi đã chỉ đạo các Sở văn hóa tỉnh thành xử lý nghiêm”, ông Chương nhấn mạnh.
Siết chặt các cuộc thi sắc đẹp
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, bất cập trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn là có một loạt những cô gái, chàng trai lợi dụng con đường du lịch để đi thi người mẫu, người đẹp ở nước ngoài. Các đối tượng này đương nhiên là không có giấy phép. Bởi theo NĐ 79, người được phép đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam đi thi ở nước ngoài là phải đạt 3 danh hiệu chính cuộc thi người đẹp trong nước.
Hầu hết những người đi thi chui thời gian qua đều chưa có một danh hiệu gì trong nước, kể cả các cuộc thi người đẹp cấp tỉnh. Khi người ta biết có thi trong nước người ta cũng không được giải, thì người ta “đi” bằng con đường du lịch. Có những người đã đạt danh hiệu, nhưng đương nhiên danh hiệu đó không được trong nước thừa nhận.
“Trong những năm vừa rồi chúng tôi đã chấn chỉnh hàng loạt việc ăn mặc hở hang, phát ngôn bừa bãi…Chính tôi đã đi hầu tòa 5 lần mới thắng được công ty Rồng Việt khi thu hồi giấy phép tổ chức biểu diễn cuộc thi Hoa hậu biển ở Khánh Hòa, việc thu hồi diễn ra trước đêm chung kết thể hiện quyết tâm của Cục Nghệ thuật biểu diễn trong việc chấn chỉnh các hoạt động nghệ thuật”, ông Chương cho biết.
Theo ông Chương, mỗi năm có 2 cuộc thi sắc đẹp lớn và 3 cuộc thi sắc đẹp cấp vùng miền. Tuy nhiên, những năm tới đây, Cục sẽ siết chặt các cuộc thi sắc đẹp này
Ông Chương cũng cho biết thêm, Bộ VH TT&DL cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an, để dựa theo những quy định của pháp luật cùng với xử phạt là tạm đình chỉ hoạt động, tạm ngừng xuất cảnh, đó là biện pháp mạnh nhất. “Có những người xử phạt đến lần thứ 2, lần thứ 3 vẫn tái phạm. Chính vì vậy việc cấp thẻ hành nghề là tới đây là một giải pháp hết sức quan trọng”, ông Chương nhấn mạnh.