Đường cùng của người đàn ông cụt tay, phải gửi con ở quê để vào viện chăm mẹ già suy thận mạn giai đoạn cuối
Vợ ngoại tình rồi dứt áo ra đi, đứa con trai chỉ mới 9 tuổi. Anh Nguyễn Văn Nhàn đau đớn gửi con ở quê để vào bệnh viện Chợ Rẫy, dùng đôi tay cụt của mình chăm sóc cho mẹ ruột bị suy thận mạn giai đoạn cuối mà không tiền cứu chữa.
Anh còn đôi tay cụt để chăm mẹ, nuôi con
Trời chập choạng tối, cánh cửa bệnh viện hờ khép, một người đàn ông trạc tuổi cố hết sức dùng bàn tay cụt để đút cháo cho người mẹ già nằm đó.
Để đứa con trai 9 tuổi ở quê, anh Nhàn phải đưa người mẹ già vào TP.HCM để chữa bệnh.
Bà Khanh bị suy thận mạn giai đoạn cuối, cần phải chạy thận nhân tạo mới giữ được mạng sống.
Nhiều ngày qua, những bệnh nhân khoa Nội thận, bệnh viện Chợ Rẫy đã quen với hình ảnh của anh Nguyễn Văn Nhàn (42 tuổi), cụt một tay ngày đêm cần mẫn chăm sóc cho một người phụ nữ lớn tuổi.
Đó là bà Trần Thị Khanh (64 tuổi, mẹ ruột anh Nhàn), bà Khanh nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.
Ngồi ở một góc giường bệnh, anh Nhàn loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều để đút cho người mẹ của mình.
Tính đến hôm nay, đã hơn 1 tuần anh Nhàn xa đứa con trai 9 tuổi để đưa bà Khanh vào bệnh viện Chợ Rẫy, hi vọng giữ lấy mạng sống của người mẹ già.
Kể từ khi vợ dứt áo ra đi, một mình anh Nhàn phải chăm sóc cho mẹ già và người con thơ.
Bà Khanh đau đớn khi đến cuối đời, bà lại mắc phải căn bệnh quái ác để làm khổ con trai.
Sinh ra tại vùng đất nghèo thuộc xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, từ nhỏ anh Nhàn đã không có được một cuộc sống trọn vẹn khi một bàn tay của anh bị cụt, gia đình luôn trong cảnh túng quẫn, cơ hàn.
Tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến với anh khi anh có được tổ ấm cho riêng mình. Nào ngờ, vợ anh ngoại tình, sau một thời gian lục đục đã dứt áo ra đi, để anh cùng với đứa con trai nay tròn 9 tuổi ở lại.
Gắng gượng làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học, anh Nhàn không ngại khó, hết làm bảo vệ đến thu mua ve chai. Nhưng: "Mẹ anh phát hiện viêm cầu thận, sau đó được chuyển gấp vô bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ bảo mẹ anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối, không có tiền phẫu thuật mẹ sẽ chết...", anh Nhàn nghẹn ngào nói.
Dù chỉ còn 1 bàn tay lành lặn nhưng anh Nhàn làm hết mọi việc thay mẹ mình.
Anh Nhàn đau đớn khi không có đủ khả năng để giúp mẹ tiếp tục chữa bệnh.
Theo anh Nhàn, dù phát hiện mẹ bệnh tiểu đường từ năm 2011, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chỉ có thể mua thuốc để mẹ ở nhà uống cầm chừng. Đến khi nào nặng, hai mẹ con lại đùm túm nhau đưa lên bệnh viện huyện, sau đó thì ra tỉnh.
Suốt gần 7 năm, thương người mẹ già sức khỏe mỗi ngày một yếu, phần thì con trai còn quá nhỏ, một mình anh Nhàn phải gồng gánh để lo cho cả gia đình. "Nhiều lúc muốn mua cho mẹ bữa cơm đàng hoàng, cho con trai quần áo mới, học hành tử tế như bao đứa trẻ khác nhưng anh không dám. Đồng lương bảo vệ chỉ có 3 triệu/tháng, anh lại bị khiếm khuyết ở tay, khó lắm em ơi", anh Nhàn rớt nước mắt.
Mỗi ngày nằm viện, chi phí tại TP.HCM là quá đắt đỏ so với đồng lương bảo vệ ít ỏi của anh.
Bà Khanh đã trải qua ca phẫu thuật đặt ống dẫn đầu tiên để chạy thận.
Không có tiền tiếp tục nằm viện, anh phải đưa mẹ về quê
Theo anh Nhàn, sau khi chuyển gấp mẹ vào bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị, các bác sĩ tại đây đã tiến hành phẫu thuật ban đầu để đặt ống dẫn cho việc chạy thận nhân tạo. Do các biến chứng từ căn bệnh tiểu đường, dù biết chi phí để giữ lấy mạng sống của người mẹ già rất lớn nhưng anh Nhàn quyết không bỏ cuộc, cầu xin các bác sĩ phẫu thuật cho bà Khanh.
"Nhà anh có bảo hiểm hộ nghèo, nhưng chi phí thuốc men ngoài danh mục, viện phí cũng gần 20 triệu rồi. Anh nghe người ta bảo chạy thận nhân tạo tốn rất nhiều tiền, phải bền bỉ liên tục. Giờ chẳng biết như thế nào nữa, anh chỉ mong cứu được mẹ thôi", anh Nhàn đau đớn nói.
Bữa ăn từ thiện mỗi ngày của 2 mẹ con.
Anh Nhàn lo lắng bởi thời gian tới không có tiền để tiếp tục đóng viện phí, phẫu thuật cho bà Khanh.
Những ngày bà Khanh nằm viện, anh Nhàn một tay chăm sóc từ việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cho mẹ của mình. Mỗi sáng, sau khi lo cơm nước cho mẹ bằng phần thức ăn theo yêu cầu dinh dưỡng của bệnh viện (50.000 đồng/phần), anh Nhàn lại xuống dưới cổng bệnh viện để xin cơm từ thiện. Mỗi ngày 3 bữa còn 2, tối nằm ngủ dưới gầm giường bệnh, anh Nhàn vẫn không một lời than vãn vì anh biết, với anh lúc này, việc mẹ còn sống đã là điều hạnh phúc.
Cố ngồi dậy ăn miếng cháo, bà Khanh rưng rưng nước mắt: "Thấy nó cực khổ, cô thương lắm mà không biết làm sao để giúp con. Giờ cô chỉ muốn được về quê, chứ ở trong này hoài sao chịu nổi".
Sau khi tiến hành phẫu thuật một bên ngực để đặt ống dẫn, anh Nhàn cho biết cần phải để mẹ ở lại bệnh viện một thời gian dài để theo dõi cũng như tiếp tục ca phẫu thuật ở tay. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh quá khó khăn không thể nào nằm viện được nữa, anh buộc lòng phải đưa bà Khanh về quê.
Bàn tay cụt của người con trai chăm sóc cho mẹ của mình.
Bà Khanh mong mình có thể khỏe lại để không còn làm phiền đến con cái.
"Ở trong này cái gì cũng đắt đỏ, tiền anh vay mượn họ hàng, bạn bè cũng hết rồi. Nên anh mới xin bác sĩ cho về quê để theo dõi, khi nào có tiền anh lại đưa mẹ vào bệnh viện để tiếp tục điều trị", anh Nhàn thở dài ngao ngán.
Những ngày ở bệnh viện chăm sóc cho người mẹ già, đứa con trai 9 tuổi của anh Nhàn buộc phải nhờ người thân ở nhà nuôi dưỡng hộ. Thương mẹ, nhớ con, nhưng anh Nhàn chẳng biết làm cách nào để có thể lo lắng trọn vẹn cho cả hai người.
Đưa bàn tay bị cụt khẽ quệt nước mắt, những ngày tháng sắp tới anh Nhàn vẫn chưa dám nghĩ đến bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, thuốc men chữa bệnh cho mẹ cứ chồng chất theo thời gian.
"Anh chỉ ước mẹ anh có tiền chạy thận, con trai anh không phải nghỉ học...", anh Nhàn bật khóc.
Hi vọng phép màu sẽ đến với gia đình anh Nhàn.
Trước mắt là giúp bà Khanh tiếp tục có điều kiện chữa bệnh, rất mong quý bạn đọc quan tâm, giúp đỡ.
Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của anh Nhàn khi phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền chữa bệnh cho người mẹ già suy thận mạn giai đoạn cuối, đứa con khờ nheo nhóc ở quê. Rất mong quý độc giả gần xa, quan tâm giúp đỡ để gia đình anh Nhàn vượt qua khó khăn, nuôi hi vọng sống tiếp.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại anh Nguyễn Văn Nhàn: 0926802036.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0271000982969.
Chủ tài khoản: Nguyễn Văn Nhàn, chi nhánh Vietcombank tỉnh Quảng Ngãi.
Xin chân thành cảm ơn!