Dương Cẩm Lynh bị cắt vai vì nợ 6 tỷ đồng: Văn hóa tẩy chay đáng sợ thế nào?
Sau khi clip đòi nợ bị tung lên mạng, Dương Cẩm Lynh bị hủy nhiều hợp đồng. Nữ diễn viên không phải là trường hợp duy nhất bị cuốn vào văn hóa tẩy chay (cancel culture).
Ngày 9/1, mạng xã hội xuất hiện video Dương Cẩm Lynh bị một người phụ nữ chặn đường tại chung cư để đòi nợ. Người này nói nữ diễn viên thiếu nợ 300 triệu đồng, thanh toán 2/3, hiện đến hạn tiếp theo nhưng khóa máy, không thể liên lạc.
Trong video, Dương Cẩm Lynh liên tục cười gượng khi bất ngờ bị đòi nợ trước nhà. Đôi bên cự cãi khá gay gắt, nữ diễn viên liên tục tránh camera vì sợ bị khán giả nhận ra. "Đừng nghĩ chị là người nổi tiếng thì em muốn làm gì làm", Dương Cẩm Lynh nói trong video.
Tối 9/1, Dương Cẩm Lynh live stream cầu cứu khán giả. Nữ diễn viên thừa nhận cô nợ gần 6 tỷ đồng do gặp biến cố cuộc sống. Diễn viên phim Ngõ vắng khóc lóc khi nói cô bị cắt hợp đồng, hủy bỏ vai diễn trong phim Giai nhân và thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
"Hôm nay, tôi đinh ninh nhận một khoản tiền từ đoàn phim. Tôi cũng được các bên hứa chuyển khoản đặt cọc dự sự kiện vào hôm nay. Tuy nhiên, sáng nay, đoàn phim Giai nhân kêu tôi lên và thông báo cắt hợp đồng của tôi. Tôi đang bị dồn tới đường cùng", cô nói.
Sau vụ bị đòi nợ, Dương Cẩm Lynh tiếp tục bị hủy hợp đồng sự kiện khác trị giá 60 triệu đồng. Nữ diễn viên lo ngại không có tiền trả nợ, nuôi con do ảnh hưởng từ vụ việc.
Dương Cẩm Lynh khóc sau khi bị hủy hợp đồng tổng giá trị gần 200 triệu đồng.
Nghệ sĩ vướng scandal nợ nần khó trở lại
Dương Cẩm Lynh không phải trường hợp đầu tiên của showbiz Việt bị "đóng băng hoạt động" do vướng scandal nợ nần. Năm 2016, diễn viên La Thành trốn nợ vì cờ bạc. Thời điểm đó, anh là diễn viên trẻ đang lên, xuất hiện trong một số chương trình truyền hình, đóng sitcom và được khán giả trẻ nhớ mặt. Song, sự việc thiếu nợ gần 1 tỷ đồng khiến La Thành gần như bị khán giả tẩy chay.
Hiện tại, dù đã hoạt động showbiz trở lại, cái tên La Thành khó có cơ hội được khán giả mến mộ như xưa. Dưới những video biểu diễn của diễn viên hài, nhiều người vẫn nhắc lại scandal ngày xưa.
Siu Black là một trong những nữ ca sĩ được đánh giá cao về giọng hát. Những năm 1990-2000, giọng ca Ly cà phê ban mê xuất hiện dày đặc ở các show ca nhạc tại TP.HCM, lưu diễn khắp cả nước. Cô còn được giao nhiệm vụ ngồi ghế nóng ở game show lớn, trong đó có Vietnam Idol.
Một thời gian sau, công chúng bất ngờ với thông tin Siu Black vỡ nợ. Sự nghiệp của nữ ca sĩ gần như đóng băng. Cô phải về quê nhà Kon Tum sống bằng nhiều nghề khác nhau.
Trong vlog gần đây, Siu Black chia sẻ cuộc sống đơn giản ở Kon Tum. Hiện tại, giọng ca Đôi mắt Pleiku tái hợp chồng cũ. Công việc mỗi ngày của nữ ca sĩ là chăn nuôi, trồng trọt sống qua ngày. Cô còn tranh thủ đi diễn để trả dần số nợ còn lại.
Văn hóa tẩy chay khiến nghệ sĩ đánh mất sự nghiệp
Dù được công chúng đồng cảm và đón nhận khi đi hát, tên tuổi của những ngôi sao từng vướng scandal, dù lớn hay nhỏ, tên tuổi đều khó trở lại như xưa. Theo Loretta Ross - giáo sư Đại học Smith, Mỹ - đây là tâm lý chung của con người. Xã hội có cái nhìn kém thiện cảm với người mắc lỗi, huống chi đây là nghệ sĩ.
“Tôi nghĩ những gì chúng ta đang cố gắng làm trên thế giới này là buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về tác hại mà họ gây ra. Trước đây chỉ có kẻ mạnh mới trừng trị kẻ yếu, nhưng bây giờ ai có 'bàn phím' là có quyền chỉ trích và tẩy chay nghệ sĩ", Ross nói.
Giáo sư nói việc vướng vào cancel culture (văn hóa hủy bỏ, văn hóa tẩy chay) không chỉ khiến nghệ sĩ xấu hổ mà còn thiệt hại đến danh tiếng và sự nghiệp. Ông lấy dẫn chứng Louis CK bị các kênh truyền hình lớn gạch tên sau khi có hành vi quấy rối tinh dục, Johnny Depp mất hợp đồng béo bở, vai diễn trong Cướp biển vùng Caribbean vì bị vợ kiện bạo hành, Roseanne Barr bị loại khỏi chương trình của kênh ABC sao phát ngôn phân biệt chủng tộc.
Văn hóa hủy bỏ ngày càng phổ biến trong lĩnh vực nghệ thuật. Bên cạnh nghệ thuật, khán giả, chuyên gia ngày càng chú trọng đến tư cách nghệ sĩ. Theo Richard Pena - giảng viên Khoa Lý thuyết Điện ảnh tại Đại học Columbia - cho biết thiện cảm của một người phụ thuộc rất nhiều vào tư cách đạo đức, nhất là nghệ sĩ.
"Khi giảng dạy, tôi thường hiếm khi tìm hiểu đời tư của nghệ sĩ. Nhưng khi tôi đột nhiên biết diễn viên trong tác phẩm tôi đang dạy có tư cách không tốt, tôi sẽ có cái nhìn khác về phim họ đóng. Tôi sẽ không xem phim của họ nữa", Pena nói.
Đó cũng là lý do các nhà làm phim, nhà sản xuất sợ phải thuê diễn viên, ngôi sao có đời tư bê bối xuất hiện trong tác phẩm của mình. Một cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến tập thể, các diễn viên khác chỉ vì đời tư không sạch.
"Văn hóa tẩy chay có thể gây ra hậu quả không lường trước được. Nhiều người bị tổn hại chỉ vì sai lầm của một người khác mắc phải. Nhà sản xuất biết không thể hy sinh toàn bộ ê-kíp chỉ vì thương hại một người nào đó", giáo sư nói.
Với Ross, nghệ thuật là gì, thứ gì gọi là phản cảm đều mang tính chủ quan và nhìn nhận qua lăng kính trải nghiệm của cá nhân. Do đó, nghệ sĩ bị tẩy chay dễ dàng khiến công chúng có ác cảm với tác phẩm họ tham gia, dù bộ phim chất lượng và có giá trị cao.