Đừng vào bếp khi đeo kính áp tròng

Theo Tinmoi,
Chia sẻ

Nếu bạn đang đeo kính áp tròng thì hãy tránh xa nhà bếp và những nơi khô, nóng, nếu không muốn nhận những hậu quả tai hại.

Đeo kính áp tròng để bớt có cảm giác “mang vác đồ” trên mặt đang là xu hướng ưa chuộng của nhiều bạn gái bị tật về mắt. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách lại rất dễ làm tổn thương mắt. Kính áp tròng được đeo trực tiếp vào trong mắt, tiếp xúc với giác mạc. Hiện có 3 loại kính áp tròng phổ biến là áp tròng cứng, áp tròng mềm và áp tròng có trao đổi khí.

Những người không nên dùng

Kính áp tròng không thích hợp với tất cả mọi người. Các chuyên gia về mắt cho hay, những người từng có tiền sử bị mắc một chứng bệnh viêm nhiễm liên quan đến mắt; người làm việc ở khu công nghiệp có nhiều hoá chất, khói bụi và chất độc; người dễ dị ứng với những chất liên quan đến kính áp tròng; người mắc bệnh tiểu đường; trẻ dưới 9 tuổi, không được đeo kính áp trọng.

Khi dùng kính áp tròng, khâu vệ sinh kính hết sức quan trọng. Phải rửa tay với xà phòng trước khi chạm tay vào kính để hạn chế tối đa vi khuẩn xâm nhập vào bên trong mắt. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng kính áp tròng vì mỗi loại kính áp tròng đều có hướng dẫn chăm sóc riêng. Nên vệ sinh kính áp tròng thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày bằng dung dịch rửa kính chuyên dụng do bác sĩ chỉ định và nên thay kính áp tròng 3 tháng một lần. 
 

Đeo kính nên tránh xa nhà bếp

Không dùng chung kính áp tròng với người khác để phòng ngừa tình trạng lây lan, viêm nhiễm các bệnh liên quan đến mắt.Việc đeo kính áp tròng có thể khiến cho mắt của bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng. Vì thế mỗi khi ra nắng bạn nên bảo vệ mắt bằng kính râm, cùng áo và mũ chống nắng. Không nên đi ngủ khi vẫn đeo kính áp tròng vì nó sẽ khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ bị mắc các chứng bệnh viêm nhiễm liên quan đến mắt, bởi vì khi ngủ “môi trường” bên dưới mí mắt luôn ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Hãy thận trọng khi lựa chọn mỹ phẩm trang điểm vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dị ứng với mắt. Khi muốn trang điểm nên đưa kính áp tròng vào trong mắt trước.

Không đeo kính áp tròng ở nơi có nhiệt độ cao, khô hoặc ở gần bếp lửa vì kính áp tròng bị thay đổi hình dạng do nhiệt. Không dùng nước bọt, nước máy hay dung dịch tự chế để tạo độ ẩm cho kính áp tròng. Luôn mang theo nước mắt nhân tạo và hộp đựng kính áp tròng bên mình giống như vật bất ly thân, điều này đặc biệt quan trọng với người mới đeo kính áp tròng.

Hãy bỏ kính trước khi xuống bể bơi

Không nên đeo kính áp tròng có màu bởi theo tổ chức y tế thế giới kính có màu sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp cho giác mạc là tiền nguyên nhân gây nên những rắc rối liên quan đến mắt và gây nên chứng viêm nhiễm.

Tránh xa những chất tẩy rửa. Không dùng những chất hoá học tẩy rửa như mỹ phẩm, chất khử mùi, máy sấy khô để làm sạch và vệ sinh kính áp tròng. Các chất hoá học này khi tiếp xúc với kính áp tròng có thể khiến cho kính bị giảm tuổi thọ hoặc làm tăng nguy cơ mắc các chứng viêm nhiễm liên quan đến mắt.

Không đi bơi khi đeo kính áp tròng vì vi khuẩn có trong nước bể bơi xâm nhập vào trong mắt có thể gây viêm nhiễm và dẫn đến mù loà hoặc có thể khiến bạn bị mất kính áp tròng.
Chia sẻ