Dùng thuốc kiểu truyền miệng: Có hiệu quả không?

T. H - Theo PLXH,
Chia sẻ

Không hiếm trường hợp, một người khi thấy các triệu chứng bệnh của mình giống với của người khác là sẽ mua thuốc giống hệt như của người đó hoặc mua theo "kinh nghiệm" họ mách.

Bệnh nhân Lê Thị C. 57 tuổi, ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) vốn bị viêm đại tràng mãn tính. Mặc dù bà đã đi khám chữa nhiều bệnh viện nhưng bệnh chưa thuyên giảm. Dạo gần đây, có người quen cho bà túi cây bồ cu vẽ khô để về sắc lên uống chữa bệnh.

Nghe lời mách bảo, bà về làm theo nhưng chỉ vài tiếng sau khi uống thứ nước bồ cu vẽ khô đã sắc, bà C. bị nôn, chóng mặt, tiêu chảy. Chuyển lên Trung tâm Chống độc quốc gia, bà C. được xác định ngộ độc, dẫn đến suy thận, suy gan, rối loạn đông máu rất nặng. Do được kịp thời cấp cứu nên ngày 6.4 bà C. đã tỉnh táo hơn nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị.
 

Đây mới chỉ là một trong điển hình những tự ý dùng thuốc chữa bệnh mà không theo đơn của bác sĩ. Đi kèm với thói quen dùng thuốc không tốt này luôn là những hậu quả khôn lường.

Bệnh phổ biến, không cần đi bệnh viện

Có không ít người nghĩ rằng, những bệnh phổ biến nhiều người bị thì ai chẳng như ai, cứ dùng cùng loại thuốc là sẽ khỏi. Thế nên không hiếm trường hợp, một người khi thấy các triệu chứng bệnh của mình giống với của người khác là sẽ mua thuốc theo đơn giống hệt như của người đó hoặc nghe người đó mách uống thuốc gì khỏi là sẽ lập tức mua theo.

Lý giải cho thói quen tự ý mua thuốc, hoặc dùng thuốc theo “kinh nghiệm” truyền miệng, nhiều người cho rằng: với các bệnh nhẹ thông thường như cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau bụng… thì chỉ cần ra hiệu thuốc hỏi ý kiến dược sĩ và mua thuốc hạ sốt, giảm đau về dùng là khỏi.
 

Chị Lê Na (Hoàng Mai), cho biết: “Tôi hay bị đau đầu, chỉ cần đi ngoài trời gió to về là sẽ đau đầu ngay. Nếu lần nào cũng đi khám thì rất mất thời gian. Tôi quen rồi, cứ mua vỉ Panadol hay Decolgen về dùng dần, mỗi lần đau đầu uống 1, 2 viên là khỏi ngay”.

Hậu quả khôn lường

Theo đánh giá của các bác sĩ, nếu là các chứng bệnh nhẹ, không gây xáo trộn trầm trọng đến các chức năng trong cơ thể, không gây tổn thương đáng kể thì người bệnh có thể tự dùng các loại thuốc thông thường. Kết hợp với việc ăn uống bồi dưỡng tăng sức đề kháng của cơ thể, bệnh sẽ tự khỏi.
 
 
Tuy nhiên, người bệnh có thể nhầm lẫn triệu chứng của bệnh này với bệnh khác, dẫn đến việc tự chẩn đoán sai bệnh và mua thuốc về uống không những không có tác dụng, mà còn xuất hiện phản ứng như: buồn nôn, dị ứng mức độ nặng hoặc nhẹ, phù nề, ngộ độc… Hoặc nghiêm trọng hơn là làm cho các triệu chứng của bệnh thực sự bị lu mờ và khó phát hiện.
 
Như trường hợp của chị Hoa (Thanh Trì), khi thấy đau bụng dữ dội, cứ nghĩ do rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng đi ngoài, chị đã uống Berberin và một số thuốc giảm đau khác. Đến hôm sau bệnh không đỡ mà còn đau nặng hơn, chị mới chịu vào viện 103. Các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu vì chị bị đau ruột thừa, đã vỡ và có dấu hiệu nhiễm trùng. Theo các bác sĩ ở đây, nếu chậm trễ chút nữa thì có thể đã quá muộn”.

Một nguy hiểm nữa khi tự ý dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ là những phản ứng của cơ thể. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy, có những loại thuốc người này uống được nhưng người khác thì không, thậm chí còn rất nguy hiểm. Khi thuốc không phù hợp cơ địa sẽ dễ dẫn đến bị dị ứng. Nhiều người bệnh bị dị ứng kháng sinh nặng sẽ gây ra viêm phổi, viêm gan, nặng quá có thể dẫn đến tử vong. Một số loại thuốc điều trị bệnh tiêu hóa, thần kinh, tim mạch cũng có thể gây ra những tai biến trên mắt như xuất huyết, mờ mắt, nếu để lâu dễ dẫn đến mù lòa.

Lời khuyên khi dùng thuốc

- Không nên tự ý điều trị bệnh cho mình dù là theo đơn thuốc của người khác hay nghe theo “kinh nghiệm” qua lời truyền miệng. Các triệu chứng phải được bác sĩ khám và chẩn đoán mới là chính xác. Khi dùng bất kì loại thuốc nào cũng cần đọc kĩ hướng dẫn kèm theo.

- Các loại vitamin không phải bao giờ cũng tốt. Dù là vitamin bổ dưỡng hay thuốc bổ các loại, khi dùng cũng cần hỏi qua ý kiến bác sĩ.

Chia sẻ