Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem "Sống chung với mẹ chồng"!

Shindo,
Chia sẻ

Đừng sợ hôn nhân nếu như "lỡ xem qua" "Sống chung với mẹ chồng". Đấy chỉ là một bộ phim được lấy chất liệu từ cuộc sống chứ chưa hoàn toàn y chang đời thực.

Cũng thật lạ! Chỉ có một bộ phim truyền hình lên sóng mà đã xuất hiện trăm ý ngàn điều bàn tán. 3 tập Sống chung với mẹ chồng - thời lượng chưa đến 150 phút nhưng đủ mọi cung bậc cảm xúc được tạo ra. Người yêu thích thì tấm tắc ngợi khen, kẻ không hài lòng lại hết lời chỉ trích. Nào là bộ phim gây ức chế, bộ phim khiến giới trẻ chẳng muốn lập gia đình. Phía ủng hộ lại nêu quan điểm ngược lại: Rằng thì tình tiết phim chỉ lấy chất liệu từ cuộc sống hiện đại và ngoài đời thực còn lắm chuyện nhiễu nhương hơn. Vỏn vẹn trong 1 tuần Sống chung với mẹ chồng chính thức trình làng, cộng đồng mạng đã sóng gió trăm bề. Ồn ào và xôn xao như vậy, quả là hiếm hoi lắm mới có một phim truyền hình Việt Nam làm được.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 1.

"Sống chung với mẹ chồng" do Vũ Trường Khoa làm đạo diễn

Nhiều cô gái trẻ theo dõi bộ phim này, bất ngờ cảm thán rằng sợ hãi cuộc sống hôn nhân. Cuộc đối đầu "vô tiền khoáng hậu" của mẹ chồng - bà Phương (NSND Lan Hương) và cô con dâu Vân (Bảo Thanh) đã khiến người xem có cái nhìn u tối về chuyện lập gia đình. Một bộ phim làm ra, hẳn nhiên ý kiến khen chê là điều không thể tránh khỏi. Song gây tranh cãi đến mức làm khán giả lo sợ cho tương lai của mình lại là điều âu chỉ có ở Sống chung với mẹ chồng.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 2.

Bảo Thanh trong vai Vân

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 3.

Anh Dũng đóng vai Thành

Bộ phim lấy chất liệu từ cuộc sống thực!

Phim Sống chung với mẹ chồng tái hiện câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu hục hặc, tranh cãi ngay khi mới về ở cùng nhà. Người vì thương con trai nên lúc nào cũng có cảm giác bị con dâu giành mất thứ quý giá bậc nhất đời mình. Kẻ mang tâm lý chán ghét, đỏng đảnh với mẹ chồng vì cho rằng cuộc sống riêng tư bị xâm phạm. Khi 2 người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ ở gần nhau, vô số rắc rối đã nảy sinh. Chỉ một cái bát, một nhúm rau hay một củ hành cũng gây nên căng thẳng.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 4.

NSND Lan Hương trong vai bà Phương

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 5.

Cô con dâu luôn đối đầu với mẹ chồng trong một tình huống

Mẹ chồng thích con dâu làm theo lời mình, nhưng cái cách bà chỉ dạy lại làm con dâu cảm thấy bất mãn. Con dâu quen lối sống tự do, lại được bố mẹ ruột nuông chiều từ bé, nên khi buộc phải xem "một người phụ nữ xa lạ" như mẹ mình, không ít lần bộc lộ thái độ bất hợp tác. Cứ như vậy, thông qua lăng kính của đạo diễn Vũ Trường Khoa, khán giả được chứng kiến hàng loạt tình tiết "bá đạo", không thể tưởng tượng ra. Mẹ chồng bật cửa phòng tân hôn, lao vào mắng chửi con dâu rằng "Ai cho phép cô cưỡi lên người con trai tôi" rồi lại giận đùng đùng đứng bên bồn rửa chén mắng xa xả "Đàn bà con gái ở cái nhà này chết hết rồi hay sao". Lý do cũng đơn giản thôi mà, bà mẹ chồng khó tính lo sợ con trai mình sẽ bị vợ đè đầu cưỡi cổ. Và rằng bất cứ bà mẹ đứt ruột mang nặng đẻ đau nào cũng không hề mong muốn cảnh con dâu mới bước vào nhà đã xoay chồng như chong chóng.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 6.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều sống gió vì mẹ chồng khó tính

Xem Sống chung với mẹ chồng, không ít lần khán giả vỗ đùi đen đét rồi ấm ức thốt lên: "Ức chế quá", Phi lý quá", "Thế này thì ai mà còn dám lấy chồng". Có phi lý và ức chế hay không còn tùv thuộc vào góc nhìn của từng người. Thực tế, những câu chuyện được biên kịch và đạo diễn xây dựng không phải hiếm gặp ở cuộc sống đời thường. Nhưng đôi khi nó đã được che giấu bằng những cái ôm, những nụ cười giả lả hòng giữ cho tổ ấm được vẹn nguyên. Chỉ đến khi Sống chung với mẹ chồng chạm vào nỗi niềm ấy, cơn giận dữ, bực tức của những người chịu cảnh mẹ chồng - nàng dâu mới được tuôn trào.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 7.

Chỉ đến khi "Sống chung với mẹ chồng" chạm vào nỗi niềm ấy, cơn giận dữ, bực tức của những người chịu cảnh mẹ chồng - nàng dâu mới được tuôn trào.

Tất nhiên, khi làm phim truyền hình, sẽ không tránh được chuyện làm quá tình tiết, đẩy thêm mâu thuẫn, nút thắt để mọi thứ trở nên hấp dẫn người xem. Nhưng nếu nói Sống chung với mẹ chồng hư cấu tình tiết hoàn toàn lại là điều chưa chính xác. Ai dám chắc rằng trong cuộc sống thực, chẳng có cảnh mẹ chồng lao vào phòng con dâu trong đêm tân hôn rồi mắng chửi? Ai dám khẳng định không có cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu căng thẳng từ căn bếp, bàn ăn, phòng khách cho đến từng ngóc ngách ở căn nhà? Bên cạnh những ý kiến chỉ trích "phi lý", "làm quá tình tiết", vẫn có không ít lời bênh vực: "Ở ngoài đời còn cay đắng hơn", "Hoàn cảnh gia đình tôi cũng như vậy". Điều này phần nào chứng minh Sống chung với mẹ chồng đi ra từ đời thực, chỉ là cái đời thực đó quá phũ phàng và không phải ai cũng "kém may mắn" được chạm trán với nó.

Nhưng đừng như vậy mà sợ lấy chồng!

Sợ lấy chồng! Sợ lập gia đình khi xem phim! Đó là những ý kiến dễ dàng bắt gặp trong tuần đầu tiên Sống chung với mẹ chồng lên sóng. Nhưng, xét cho cùng thì đấy cũng chỉ là một bộ phim, nó phản ánh đời thực song không có nghĩa là nó ép buộc người xem chấp nhận cái đời thực đó. Chuyện bà Phương - cô Vân trong bộ phim này cũng chỉ là một trường hợp điển hình cho mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Trong 2 người phụ nữ, không ai đúng hoàn toàn mà cũng chẳng ai sai tất cả. Họ có thể đúng hoặc sai - tùy theo quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề. Họ đối đầu nhau vì tính cách quá mạnh mẽ, vì chưa tìm được điểm chung trong cách bảo vệ tổ ấm. Họ lại càng phạm phải nhiều sai lầm hơn khi đặt cái "tôi là nhất" vào chuyện gia đình - hôn nhân.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 8.

2 người phụ nữ tìm đủ mọi cách đấu tranh, giành giật cũng chỉ vì người đàn ông này!

Không khó để nhận thấy những điểm chưa tốt của cả bà Phương lẫn cô Vân trong bộ phim này. Do đã quen với việc làm chủ gia đình nên khi Vân bước vào nhà mình, bà Phương đã vội vã áp đặt quy tắc. Chuyện dạy con dâu thức ăn thừa nên bỏ vào tủ lạnh, mua trang sức nên chọn loại có giá trị khi bán lại đều là những điều không sai. Bà Phương cũng không phải người phụ nữ độc ác, thủ đoạn đến mức bày mưu kế hãm hại con dâu. Bà chỉ là "trẻ con" trong cái lứa tuổi của mình. Cách bà nói chuyện, giao tiếp không khéo léo, lại chẳng may gặp nàng dâu quá vụng về, đỏng đảnh. Vậy là mâu thuẫn bùng phát theo hướng xấu đi, dù rằng về bản chất, chẳng có ai trong số bà Phương hay cô Vân là người xấu xa, độc ác cả. Nếu chịu nhường nhịn, hiểu cho đối phương thì chắc chuyện mẹ chồng - nàng dâu sẽ không kinh khủng đến thế. Tuy nhiên, cuộc sống lại đủ lối rẽ ngang, kiệm lời một chút, cứng rắn một chút đã thành cơn ác mộng cho chính bản thân và những người xung quanh mình.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 9.

Sẽ chẳng có gì đáng sợ nếu xem Sống chung với mẹ chồng là một bài học, một chiếc gương phản chiếu đời sống. Khán giả đang đứng ở vị trí thứ ba - người trung lập, đứng ngoài quan sát chứ không vào vai cô con dâu đành hanh hay bà mẹ chồng khó tính. Và khi đã được quyền quan sát, đánh giá, phân tích thì chuyện nhận ra cái sai, điều đúng cũng là chuyện quá đỗi bình thường. Xem để rút kinh nghiệm, rồi từ đó áp dụng vào cuộc sống. Đừng để bản thân trở thành cô con dâu giao tiếp kém với mẹ chồng thì sẽ chẳng có lý do gì mà lại sợ hôn nhân.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 10.

Sẽ chẳng có gì đáng sợ nếu xem Sống chung với mẹ chồng là một bài học, một chiếc gương phản chiếu đời sống.

Bên cạnh đó, thông qua bộ phim này, người xem cũng có thể rút ra cách giải quyết cho những rắc rối. Đó là thay vì ép bản thân chịu đựng, khán giả cũng có thể nghĩ đến chuyện lấy lòng mẹ chồng bằng những cách khéo léo, nhẹ nhàng hơn. Người lớn, họ thích được an ủi, vỗ về. Nhẹ nhàng chiều chuộng, yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột thì mọi thứ có lẽ sẽ tốt đẹp hơn. Chén trong sóng còn khua thì huống chi mối quan hệ giữa người với người. Chịu mở lòng, chịu chia sẻ, chịu nhường nhau một chút thì có gì khó khăn. Nếu cứ khư khư giữ cái tôi và đợi mẹ chồng hay nàng dâu hạ mình, chẳng khéo lại làm cho mâu thuẫn gia đình thêm lớn.

Đừng sợ hôn nhân nếu lỡ xem Sống chung với mẹ chồng! - Ảnh 11.

Cứ sống tốt với bản thân, gia đình thì làm sao phải sợ có chuyện bất hòa.

Chuyện bà Phương - cô Vân trong Sống chung với mẹ chồng là số ít hoàn cảnh trớ trêu cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ở đời thực. Đâu phải tất cả các bà mẹ chồng đều đành hanh như thế. Cũng chẳng phải tất cả những cô con dâu đều ưỡn ẹo, trợn tròn mắt mỗi lần bị mẹ mắng cho vài câu. Cuộc sống không thiếu những bà mẹ chồng thương con dâu hơn con đẻ, sẵn sàng chiều chuộng con dâu mà không bận tâm, nề hà bất cứ điều gì. Tương tự đó, cũng có vô số cô con dâu hết lòng chăm sóc, yêu thương mẹ chồng. Thế nên có chăng, người xem hãy nhìn nhận đa chiều, đánh giá cả những cái tốt lẫn xấu chứ đừng vì một vài tình tiết không ưng ý trong một bộ phim mà suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống hôn nhân.

Chia sẻ