Đừng sợ ai bảo "gái độc không con", đừng sinh con vì áp lực từ làng trên xóm dưới, hãy có con khi bạn sẵn sàng làm mẹ
Đừng vội khi chúng ta chưa sẵn sàng, yêu nhau là một chuyện, cưới nhau là một chuyện khác, có con lại là một chuyện khác nữa. Cũng đừng sinh con vì áp lực hàng xóm hay gia đình hai bên, bởi thành cha thành mẹ thì dễ, làm cha, làm mẹ mới khó.
Anh và chị cưới nhau 2 năm vẫn chưa có em bé. Không phải anh hoặc chị bị vô sinh, chỉ là cả hai chưa sẵn sàng nên thống nhất với nhau chưa cần đẻ vội. Đến năm thứ 3, chị bị nhà chồng chỉ trích, chị bị hàng xóm bàn tán chọc khuấy mỉa mai. Thời điểm này, chị cảm nhận được rõ nhất tính sát thương của câu nói "cây độc không trái, gái độc không con". Năm thứ 4 chị đành có con vì áp lực. Ngày con ra đời anh chị hạnh phúc lắm. Dù muốn hay không thì sinh con cũng là điều thiêng liêng nhất của mỗi ông bố bà mẹ.
Nhưng vài tháng sau đó, căn nhà vốn rất hạnh phúc của chị đã tràn ngập nỗi buồn và sự thống khổ. Chị bồng con với hai hàng nước mắt, áo quần xộc xệch, mặt mũi sưng húp, dỗ mãi đứa trẻ không cách nào chịu nín. Còn anh thì đi làm nhiều hơn, tất bật hơn để có tiền lo cho hai mẹ con, không còn nhiều thời gian dành cho gia đình. Căn nhà ấy không còn tràn ngập tình yêu, mà đã được lấp đầy bởi trách nhiệm, một loại trách nhiệm gượng gạo hình thành từ lời chỉ trích của những người xa lạ và áp lực của ông bà bố mẹ hai bên.
Vậy thì dựa vào giá trị nào để người ta thúc ép một đôi vợ chồng phải có con khi họ chưa thực sự sẵn sàng? Tôi không biết nữa. Tôi chỉ hiểu rằng: thành cha, thành mẹ thì dễ, nhưng để làm cha, làm mẹ thì rất khó, sau khi tự mình theo dõi câu chuyện có thật bên trên, về một cặp đôi mà tôi rất quý trọng. Kết luận tôi rút ra là đừng vội khi chúng ta chưa sẵn sàng, yêu nhau là một chuyện, cưới nhau là một chuyện khác, có con lại là một chuyện khác nữa. Mà trong mỗi chuyện đó, bắt buộc các cặp vợ chồng phải ở thế chủ động.
Có thể, tôi là một người ích kỷ khi có suy nghĩ đó. Nhưng sự ích kỷ này là cần thiết cho những cặp vợ chồng nếu không muốn rơi vào hoàn cảnh như anh chị tôi. Nói gì thì nói, có con vẫn là một cột mốc quan trọng làm thay đổi cả cuộc đời của những ông bố bà mẹ, có thể xấu, có thể tốt. Cái rủi ro xấu tốt này chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn, bằng một quá trình chuẩn bị khi đã thực sự sẵn sàng. Ai nói làm cha làm mẹ dễ? Ai nói làm cha làm mẹ không cần kiến thức? Ai nói làm cha làm mẹ là chỉ cần cho con ăn và ngủ với con là đủ?
Những lần thức trắng đêm để ru con ngủ, những ngày vừa phải bồng con vừa phải nấu ăn cho chồng, những ngày bấm bụng đặt chiếc túi xách thời trang của mình xuống để xách giỏ đi siêu thị mua bỉm cho con, những ngày thấy chồng mang về vài ba hộp sữa con nít mà không phải cây son, không phải bó hoa như trước, những ngày từ chối những cuộc họp mặt bạn bè hay những hứa hẹn cùng nhau đi du lịch xa, và cả những ngày vợ chồng không thể gần gũi cùng nhau xem phim vì con cứ đôi ba phút lại khóc ré lên hay lúc cả hai vợ chồng cãi nhau chỉ vì con ốm.
Tất cả những điều đó, các cặp đôi có thể nghĩ rằng mình chịu được hết không khi chưa thực sự sẵn sàng? Không đâu, mà nếu có thì đó cũng là "chịu" chứ không phải một cảm giác hài lòng, thỏa mãn. Và các cặp vợ chồng thử nghĩ xem, con cái được sinh ra chỉ vì sự thúc ép, sự mỉa mai chỉ trích của mọi người xung quanh liệu nó có hạnh phúc không? Hay là một sự thiệt thòi cho chính nó và cả cha mẹ nó.
Chỉ cần 4, 5 tuổi những xốn xang của chúng bắt đầu gõ cửa. Tri thức của chúng chưa cao, kinh nghiệm sống cũng chưa đầy, nhưng chẳng lẽ trái tim chúng lại mu muội đến mức không nhận ra điều gì? Chẳng lẽ, chúng không nhận ra, bạn bè của mẹ, những cô chưa có con vẫn đang đẹp đẽ biết bao nhiêu, vẫn đang kể về những chuyến du lịch hào nhoáng bên chồng mà trong khi đó, mẹ chúng già đi nhanh như thế nào. Chúng không cảm thấy cái nằng nặng của những tiếng thở dài của cả cha lẫn mẹ khi phải trói chặt mình vào vòng quay cơm áo gạo tiền chỉ vì lo cho chúng hay sao?
"Nhưng không có con cái trói buộc, vợ chồng sẽ sớm bỏ nhau", đây cũng là một câu nói người ta hay dùng để cảnh báo những cặp vợ chồng thay cho việc thúc ép họ sớm sinh con. Con cái rốt cuộc trong mắt họ là gì, là một điều thiêng liêng hay chỉ là một sợi dây, một cái phao giúp trói buộc những người trong cuộc và cứu vãn một cuộc hôn nhân đã vốn trên đà tan vỡ? Trong trường hợp này, đứa trẻ sẽ được sinh ra bắt nguồn từ sự hoài nghi và nỗi lo sợ tột cùng khi cha mẹ chúng chưa thực sự sẵn sàng. Tôi không tin rằng chúng và cha mẹ chúng sẽ hạnh phúc.
Nhưng nói thế, có phải yêu nhau, cưới nhau và sống với nhau trọn đời mà không cần phải có con đâu. Chỉ là tôi nghĩ, trong một khoảnh khắc nào đấy của cuộc đời, khi hai vợ chồng đã đi qua hết những tháng ngày mật ngọt và cùng nhau vấp ngã, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau phiêu lưu tình ái đến chán chê thì họ sẽ nghiêm túc nghĩ về một đứa con. Đó là lúc họ nghĩ rằng đứa con là mảnh ghép cuối cùng mà họ cần phải tìm kiếm để cuộc hôn nhân của mình vẹn tròn và sẵn sàng hy sinh cho nó, sẵn sàng trao cho nó nhiều tình yêu, nhiều trách nhiệm như một lý lẽ muôn đời của loài người.
Lúc đó, đứa con chào đời mới thật sự là một điều vĩ đại nhất của những người làm cha, làm mẹ. Nó sẽ không thiệt thòi, nó sẽ hạnh phúc, cha mẹ nó sẽ hạnh phúc. Và đây cũng là đáp án cho những câu hỏi về trách nhiệm trong gia đình: trách nhiệm trong tim mình, không ở đầu môi ngõ trên, xóm dưới!