Đừng phán xét ai bằng bàn phím nữa, "mồi nhậu" dẫu có ngon nhưng rất mặn đấy!
Sự nổi tiếng chỉ sau một bài báo cũng có thể khiến người được nổi tiếng bị cuốn theo và trở thành người khác với chính bản thân mình. Họ rất ít người biết cách đối mặt với nó.
Câu chuyện của anh Đặng Hữu Nghị, người cha nuôi hai con bị teo não, những ngày qua đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Câu chuyện của anh Nghị một lần nữa khiến chúng ta suy ngẫm về cách chúng ta đang ứng xử với người khác trong luồng xoáy dư luận. Nhà văn Hoàng Anh Tú đã có bài viết nhìn nhận về vấn đề này. Chúng tôi xin đăng bài viết của Hoàng Anh Tú để bạn đọc có thêm góc nhìn.
Tối qua tôi xem phim này: Vụ Án Chấn Động (tựa gốc: The Exclusive: Beat The Devil’s Tattoo) của Hàn Quốc. Phim kể về Moo Hyuk - một phóng viên sắp mất việc nhận được mẩu giấy nhắn từ tên sát nhân hàng loạt. Mẩu giấy nhắn ấy đã giúp Moo Hyuk nổi tiếng nhanh chóng và trở thành một phóng viên hot nhất của đài. Nhưng rồi sau đó anh ta nhận ra mẩu giấy nhắn kia thực chất chỉ là một trích dẫn trong cuốn tiểu thuyết Trung Quốc mà nghi phạm sát nhân hàng loạt mà anh đang theo đuổi chỉ là diễn viên sân khấu đang học thoại. Giữa việc dừng lại và xin lỗi khán giả - công chúng vì sai lạc của mình với việc tiếp tục trở thành tin tức hàng đầu, Moo Hyuk đã chọn để bị cuốn theo ánh hào quang của vị trí top truyền thông - tin tức. Tôi nghĩ ngay đến anh Đặng Hữu Nghị. Hẳn rằng anh đang là một Moo Hyuk. Vì câu chuyện của mình đã lấy đi nước mắt của biết bao người. Trong đó, bao nhiêu là thật, bao nhiêu là giả, bao nhiêu là người ta nói sai nhưng anh vẫn bỏ qua vì nó sai nhưng nó tốt cho anh.
Câu chuyện của anh Nghị một lần nữa nhắc nhở chúng ta số phận một con người đôi khi thay đổi chỉ bằng cái like nhỏ bé.
Khi anh giải thích về tấm ảnh chiếc xe bán kẹo có treo tấm bảng "Người cha tội nghiệp bị vợ bỏ nuôi hai con tật nguyền" anh Nghị cho biết mình là người thất học, chỉ đăng theo tựa một bài báo mà không được ai tư vấn gì, không nắm được bài báo viết gì. Nó khiến tôi nhớ đến cái cách mà công chúng vẫn đang làm thế mỗi ngày: Đọc báo chỉ qua tít. Để rồi "lên đồng" với cái tít: Trấn Thành: Hãy tắt tivi nếu thấy hài nhảm. Để rồi hàng ngàn gạch đá ném qua mỗi comment với đủ thứ suy luận- suy diễn- phán xét thay vì đọc kỹ bài, suy nghĩ thay vì suy diễn, xét trước khi phán. Anh Nghị cũng thế. Anh thấy tít bài đủ để khiến người ta thương mình, tặng mình tiền bạc. Vậy là đủ. Còn bên trong bài viết gì thì anh đổ cho vì thất học nên anh không biết.
Không! Đừng trách các nhà báo vì views mà viết quá lên về anh. Nghiệp vụ của họ có thể lúc đó- vì anh diễn quá sâu- nên trái tim lấn lướt, sự thương cảm khiến họ viết ra những bài báo làm công chúng rớt nước mắt. Nhưng trách anh Nghị vì anh diễn quá sâu cũng sai nữa! Vì đó là cuộc đời anh. Anh chỉ biết nói- nói- nói. Kể- kể- kể. Xen giữa là nước mắt. Mà khi nhận được sự thương cảm của càng nhiều người sẽ trở thành sự khích lệ khiến anh muốn người ta thương cảm hơn nữa với anh. Cứ thế, cứ thế mà "liều lượng" ngày càng tăng. Nếu một ngày vợ anh không bất ngờ đăng đàn phản pháo, hẳn câu chuyện này sẽ còn "trường thiên tiểu thuyết" nữa. Tôi nghĩ vậy!
Hôm nay, bao nhiêu người sẽ lại trích dẫn những câu trả lời của vợ anh- chị Đoàn Thị Huyền- để tấn công anh, để trút bỏ nỗi tức giận vì bị anh lừa dối, lật lọng? Lại sẽ là cả một trường gạch đá ném ra. Nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm đến việc 2 đứa nhỏ của anh. Họ chỉ quan tâm đến việc anh đã nói dối bị vợ bỏ thế nào. Và họ chỉ quan tâm đến lòng tốt của họ, sự thương cảm của họ đã bị mắc lỡm thế nào. Trời ơi, sao kỳ lạ thế?
Chúng ta vốn chưa ai được dạy cách trở thành người nổi tiếng hay đối mặt với việc trở nên nổi tiếng.
Tôi nghĩ về việc người ta đi tìm đủ mọi số phận éo le để có thể làm từ thiện. Bằng cách cho tiền. Từ thiện cả những cái like- cái share- những lời bình luận. Là cho ai? Có phải là cho số phận anh Nghị hay cho cái mác mình tình thương bao la? Tôi không biết. Tôi cũng không dám phán xét. Nhưng rồi sau anh Nghị sẽ còn bao nhiêu con người khác, số phận khác nữa sẽ lại bị cuốn theo vòng xoáy của truyền thông và tiền bạc để rồi quên mất cả mình là ai, mình đã qua cơn đau khổ chưa??? Mình có cần người ta làm từ thiện thêm cho mình nữa không hay đơn giản là học cách từ chối nhận để số tiền đó hãy dành tặng cho nhiều số phận khác đáng thương như mình hoặc hơn cả mình?
Tôi đọc những bình luận của bạn đọc trong bài viết phân trần của chị Đoàn Thị Huyền - vợ cũ anh Đặng Hữu Nghị mà vừa phẫn nộ vừa thấy đau xót. Công chúng "vẽ" nên một người phụ nữ quay về với con vì chồng đang nhận được nhiều tiền từ các Mạnh Thường Quân. Công chúng "nhào nặn" chị Đoàn Thị Huyền thành một phụ nữ đang tâm bỏ con cho dẫu chị nói chị bị chồng đánh đập mỗi ngày không thể chịu nổi nên mới phải bỏ đi. Công chúng muốn chị phải thật gớm ghiếc.
Trở lại với sự cố truyền thông liên quan đến việc anh Đặng Hữu Nghị im lặng ngay cả khi người ta nói sai (nhưng mà tốt cho mình), là câu chuyện của những người nghèo, dân trí thấp nhưng bỗng chốc nổi tiếng khắp nơi đi cùng rất nhiều tiền bạc đổ về. Câu chuyện đã từng xảy ra với Lệ Rơi, với những thứ "quỷ quái" như Tùng Sơn hay rất nhiều trường hợp khác. Sự nổi tiếng chỉ sau một đêm có thể khiến một Tân hoa hậu phải đóng cửa Facebook của mình. Sự nổi tiếng chỉ sau một bài báo cũng có thể khiến người được nổi tiếng bị cuốn theo và trở thành người khác với chính bản thân mình. Họ bị lệ thuộc vào nó. Chúng ta vốn chưa ai được dạy cách trở thành người nổi tiếng hay đối mặt với việc trở nên nổi tiếng. Mà ở cái thời có khi chỉ cần rán nồi thịt cháy đen hay nấu bát canh cua nguyên con cũng có thể trở thành nổi tiếng thì hệ luỵ theo sau nó thực không thể biết hết được. Mỗi cái like - cái share trên mạng xã hội cũng đã có đủ sức mạnh thay đổi một con người huống chi là hàng chục, hàng trăm bài báo như anh Đặng Hữu Nghị.
Đừng trách anh Đặng Hữu Nghị, đừng trách chị Đoàn Thị Huyền, đừng trách các nhà báo, tôi nghĩ, có lẽ chúng ta bớt đi một bình luận tiêu cực sẽ giúp cuộc sống của mỗi chúng ta bớt đi nhiều lắm sự u ám. Đừng phán xét ai bằng bàn phím nữa. "Mồi nhậu" dẫu có ngon nhưng rất mặn đấy!