Dùng máy lọc nước - chưa phải tối ưu

,
Chia sẻ

Nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều người sử dụng máy lọc nước nhằm bảo vệ sức khoẻ gia đình. Tuy nhiên theo các chuyên gia, giải pháp máy này không hẳn hoàn hảo

Khó biết được nước sạch hay bẩn bằng mắt thường
Không an tâm với quảng cáo

Ông Hoàng Việt Hà (khu A4, Khương Thượng, Hà Nội) cho hay, nhà ông dùng giếng nước khoan, theo lời tư vấn của bạn ông mua máy lọc nước Myota-Ro hãng Đài Loan trên phố Kim Mã với giá 2,7 triệu đồng. Máy được quảng cáo là có thể uống trực tiếp không cần đun sôi, loại bỏ tạp chất, có chức năng trung hoà axit, trung hoà ion, tạo nước khoáng. Tuy chưa hết lo lắng vì chẳng biết máy có loại hết chất bẩn hay không, nhưng gia đình ông vẫn phải dùng vì không biết làm cách nào để nước sạch hơn.

Không mua máy đắt như ông Hà, nhiều người dân hiện nay thường tìm đến loại máy lọc nước thông dụng 300.000đ/bình. Nhưng dùng một thời gian là phải mang đi đánh rửa vì cục lọc vàng khè.

Tìm hiểu trên thị trường hiện có đến hàng chục tên các loại máy lọc khác nhau như Ptech, Sanyo, Hitech, Laska, Myota, Kangaroo… xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ. Nhưng phổ biến nhất là hai loại: máy dùng than hoạt tính và thiết bị lọc nước cao cấp RO (lọc bằng phương pháp thẩm thấu ngược). Loại dùng than hoạt tính có giá từ 200.000 – 400.000đ/máy, tuỳ theo kích thước. Nhưng khi sử dụng phải để ý đến lõi than hoạt tính để thay sau khi sử dụng khoảng từ 6 – 12 tháng. Máy lọc RO giá từ 2 – 5 triệu đồng, được bảo hành một năm và được thợ đến lắp đặt tại nhà.

Tại một cửa hàng trên phố Giảng Võ (Hà Nội), chúng tôi có hỏi một nhân viên bán hàng về giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ sản phẩm nhưng chỉ nhận được những lời tư vấn về thiết bị lọc có thể loại bỏ hoàn toàn chất có hại, độc tố, xử lý được hết kim loại nặng…

Để có nước sạch?

Các chủ cửa hàng cũng cho rằng tốt nhất nên đun nước sôi cho vào bình, từ đó lấy nước này dùng để ăn uống là cẩn thận nhất.

Theo các nhà chuyên môn, các gia đình nên kiểm tra nguồn nước khu mình ở để có cách “phòng chống” thích hợp. Ví dụ nguồn nước đạt an toàn có thể dùng máy có màng vi lọc hoặc siêu lọc vì sẽ giúp loại bỏ chất bẩn, giữ lại khoáng chất. Còn nếu dùng nước giếng khoan hay khu vực ô nhiễm nặng cần phải xử lý bằng máy lọc chuyên khử asen hay amoni.

Hiện nay trên thị trường bán các loại máy được quảng cáo dùng công nghệ nano có tác dụng khử khuẩn, về nguyên tắc là không đúng, kỹ sư Phạm Văn Lâm, viện Hoá học Việt Nam cho biết. Bởi để tiêu diệt được khuẩn phải có một thời gian đủ dài và khối lượng lớn trong khi ở máy lọc dòng nước chỉ chảy qua một cục nhỏ như vậy thì không đủ thời gian diệt khuẩn. Ngoài ra, các hệ thống đều bị nhiễm khuẩn do không khí thâm nhập vào bồn chứa, bên này màng lọc có thể không có khuẩn nhưng bên kia lại có thể bị khuẩn bám, do đó tốt nhất là không nên uống ngay sau khi lọc.

PGS-TS Trần Hồng Côn, khoa hoá, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội lại khẳng định, trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa có bình lọc hay bộ lọc nước nào loại được hết các độc tố mà giữ lại được khoáng chất. Các chuyên gia cũng cho rằng, không nên đặt bình lọc ở nơi vi khuẩn dễ bị xâm nhập như chỗ rửa ráy. Ngoài ra, do chưa giải quyết được từ gốc (các nhà máy nước) để có được nguồn nước sạch, cách duy nhất lúc này người dân dùng bình lọc loại asen, amoni, măng gan cho ăn uống hàng ngày. Khi mua máy lọc, cần chú ý nhất bộ lọc. Hàng chính hãng thường mịn và đều, khi sờ tay vào không thấy bột phấn, nhỏ nước vào nước thấm nhanh. Loại lõi lọc giả thường không mịn đều, có bột phấn, nước thấm chậm...

Khi sử dụng phải chú ý tới thời gian thay lõi lọc thường được nhà sản xuất ghi trên thiết bị.

Theo Thanh Tuyền
SGTT
Chia sẻ