Đừng làm anh hèn đi trước mọi người

,
Chia sẻ

Thái độ sống của em khiến anh thấy ngại vô cùng mỗi khi sang nhà bố mẹ, gặp gỡ anh chị. Nỗi mặc cảm không lo cho vợ con được đến nơi đến chốn cứ dâng nghẹn trong lòng.

Con trai được bốn tháng em thủ thỉ với anh muốn về bên nhà ngoại ở. Nhà ngoại gần cơ quan, buổi trưa em tiện về cho con bú, ông bà ngoại lại rảnh rang, rất muốn cháu về bên cho vui cửa vui nhà, cháu được ông bà trực tiếp chăm thì còn gì bằng... Nghe ra cũng hợp lý, anh không phản đối.
 
Thế là, muốn hay không chiều nào anh cũng về bên nhà ngoại ăn cơm, chơi với hai mẹ con một lúc rồi về ngủ. Vài tuần sau anh lại đón hai mẹ con về nhà mình. Cuối tháng nhận lương anh bảo em góp tiền ăn với bố mẹ. Em nhất mực không với lý do vợ chồng mình đang có nhiều việc cần đến số tiền này. Bấy giờ để ý anh mới biết trong con mắt của bố mẹ và những người bên ngoại cuộc sống của chúng mình đang vô cùng khó khăn và cần được giúp đỡ. Việc cho hai mẹ con về bên đó cũng là một cách mọi người muốn tháo gỡ khó khăn khi mình chưa có điều kiện gửi con đi nhà trẻ và thuê người giúp việc.
 

Anh không hiểu nổi em nghĩ gì khi ca cải lương như vậy. Cuộc sống của gia đình mình làm gì đến mức em phải kêu ca. Từ quê lên thành phố lập nghiệp, nhưng anh có một công việc thu nhập ổn định, cũng mua được ngôi nhà. Không rộng rãi lắm nhưng quá đủ cho một gia đình trẻ sinh hoạt khá thoải mái. Mức sống hàng ngày của chúng mình như mọi gia đình bình thường khác thôi. Em không thừa nhận thực tế đó mà cứ so đo với cuộc sống của bố mẹ, các anh chị em trong gia đình em, trong họ hàng, rồi thở dài sao mình nghèo quá vậy. Thấy con gái út rên rầm suốt ngày như thế mọi người hiểu rằng mình đang hoàn cảnh lắm là đúng rồi.

Thảo nào mà thỉnh thoảng em lại tha về nhà khi thì cái quạt, khi cái lò vi sóng, và có khi là thùng dầu ăn, nói rằng của bà chị vừa đi metro về tiện thể mua cho. Sinh nhật con trai, thay vào những bộ quần áo, ít đồ chơi cho con trẻ là những phong bì với một số tiền khá lớn. Anh hiểu đó là anh chị ngầm hỗ trợ vợ chồng mình trong vịệc nuôi con. Sao đến nỗi vậy cơ chứ!

Khi anh trách móc em về cái sự ỷ lại đó em hồn nhiên, rằng bố mẹ, anh chị có điều kiện hơn mình nhiều, có thiện ý giúp đỡ mình cứ nhận, người trong nhà cả mà, có gì đâu phải ngại. Em nghĩ được như vậy sao em không nghĩ thêm chút nữa, bố mẹ đã nghỉ hưu, phải dành dụm chút ít phòng khi ốm đau chứ, mình là con không báo hiếu được thì thôi, còn tận dụng, anh chị làm việc vất vả lắm mới có tiền và họ phải lo lắng cho gia đình riêng mình nữa chứ. Muốn nâng cao đời sống thì em và anh nghĩ cách làm việc siêng năng, hiệu quả hơn nữa, chứ sao lại cứ đi kêu ca rồi ỷ vào sự thương cảm của người khác vậy em. Chúng mình đều là những ông bố, bà mẹ rồi mà, sao đành.

Còn điều nữa, thái độ sống của em khiến anh thấy ngại vô cùng mỗi khi sang nhà bố mẹ, gặp gỡ anh chị. Nỗi mặc cảm là người đàn ông mà không lo cho vợ con được đến nơi đến chốn cứ dâng nghẹn trong lòng. Em à, em đừng làm anh hèn đi trước mắt mọi người như vậy nữa được không.
 
Theo Phan Minh
ĐSGĐ
Chia sẻ