Dựng lại ‘núi đôi' một mất một còn

,
Chia sẻ

Sau mấy năm chịu đựng căn bệnh ung thư vú và hai lần mổ, xạ trị, chị Lan, 47 tuổi (Quảng Ninh) lại rơi vào cuộc khủng hoảng vì một bên ngực bị cắt, phẳng lỳ, rúm ró vết sẹo.

Khi trở lại với cuộc sống thường ngày, chị bối rối vô cùng khi mặc đồ hay lúc phải ra đường, đi làm. Chọn loại ty giả bằng sillicon để bên trong áo ngực, chị vẫn cảm thấy nơm nớp lo lắng nó sẽ tụt ra bất cứ lúc nào. Điều chị khổ tâm nhất là sợ chồng buồn khi nhìn vào khoảng trống trên ngực trái của vợ.

Năm ngoái, nghe người bạn khuyên nên đi phẫu thuật tạo lại bên bầu ngực đã mất, chị Lan không hào hứng gì. Sau những gì đã trải qua, chị rất sợ khi ai đó nhắc tới dao kéo. Nhưng nghĩ mình còn trẻ, nếu cứ chịu cảnh thế này đến cuối đời thì không đành, chị đã đi phẫu thuật.

Qua thăm khám, các bác sĩ tư vấn sẽ lấy mỡ ở phần bụng khá to của chị để độn lên ngực, tạo một bầu ngực mới. chị Lan đã lấy lại được sự tự tin về vẻ ngoài của mình.

Một ca phẫu thuật tạo hình có sự phối hợp của các chuyên gia nước ngoài tại khoa Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: VĐ.

Cũng đau khổ vô cùng khi mới 25 tuổi đã phải cắt bỏ bầu ngực phải vì ung thư vú, Hảo (Mỹ Đức, Hà Nội) từng nghĩ không biết mình sẽ phải sống ra sao trong những năm tháng dài tiếp theo. Chưa lập gia đình, cô càng khép kín bởi nghĩ chẳng người đàn ông nào có thể chịu được nếu thấy cơ thể khiếm khuyết của mình. Bởi thế, khi nghe nói có thể phẫu thuật để tái tạo lại ngực, cô đã đi làm ngay. Vì chưa hề sinh nở, bụng rất nhỏ, nên cô được các bác sĩ tư vấn lấy vùng da và cơ ở phần lưng để xoay đưa lên ngực. Ca mổ cũng khá thành công.

Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Linh, khoa Phẫu thuật tạo hình và hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, những bệnh nhân bị mất một hay hai bầu ngực sau quá trình điều trị ung thư vú hoàn toàn có hy vọng lấy lại hình dáng "núi đôi" gần như cũ bằng các phương pháp tái tạo vùng này.

Với những bệnh nhân có bụng to, các bác sĩ sẽ lấy phần da và mỡ ở bụng để độn lên bên ngực khuyết. Ảnh: VĐ.
Bác sĩ Linh cho biết, có nhiều cách giúp chị em "khỏa lấp" khoảng trống này. Đơn giản nhất là đặt túi ngực (túi nước muối sinh lý hoặc túi gel). Tuy nhiên, đây là vật thể lạ nên có thể gây những phản ứng đào thải của cơ thể.

An toàn nhưng phức tạp hơn, các bác sĩ có thể “độn” phần ngực thiếu cho chị em bằng chính các phần khác của cơ thể họ. Người ta có thể lấy vạt da cơ lưng đưa lên phần ngực khiếm khuyết. Phẫu thuật này không quá phức tạp nhưng thường để lại một vết sẹo ở lưng.

Một cách khác - được coi là "một công đôi việc" là lấy phần da, mỡ thừa nhiều ở vùng bụng để cho lên vú. Đây là một phẫu thuật khá phức tạp và đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn cao.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể lấy da và mỡ ở vùng vạt mông để làm "đệm" cho phần ngực thiếu. Cách này thường được thực hiện với những người bị cắt cả hai bên vú, người gày... Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có ca nào thực hiện theo cách này.

Bác sĩ Linh cho biết thêm, với từng bệnh nhân, tùy vào thể trạng, sức khỏe và nhu cầu mà bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau.

Quá trình phẫu thuật tái tạo ngực thường phải tiến hành hai lần. Lần đầu, các bác sĩ sẽ tạo hình bầu ngực, cố định về thể tích, vị trí. Sau một thời gian, khoảng 3-6 tháng, khi bầu ngực đã ổn định, các bác sĩ sẽ thực hiện tạo hình quầng và núm vú, đồng thời điều chỉnh sự cân bằng giữa hai “trái đào tiên”.

Ca phẫu thuật tái tạo vú thành công sẽ giúp người bệnh có tâm lý tốt, xoá đi mặc cảm về sự khiếm khuyết và bệnh tật của mình. Việc phục hồi được dáng vẻ bên ngoài bầu ngực còn giúp chị em không phải sử dụng áo ngực giả gây bất tiện trong sinh hoạt. Tất nhiên, vú được tạo lại chỉ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ và tâm lý, chứ không còn các chức năng như tiết sữa, hay cảm giác tình dục nữa.

Phẫu thuật này có thể được thực hiện ngay sau khi mổ cắt khối u, trong điều kiện sức khỏe bệnh nhân cho phép hoặc một thời gian sau. Các bác sĩ lưu ý, chị em sau mổ nên thường xuyên massage vùng ngực để vùng da này mềm mại, thuận lợi cho việc phẫu thuật thẩm mỹ sau đó.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức, hiện nay, phẫu thuật này đã được thực hiện tại khá nhiều trung tâm Y tế lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tuy nhiên, số bệnh nhân đến thực hiện không nhiều trong khi số bệnh nhân bị cắt bỏ vú do ung thư lại rất lớn.

Lý do là đa số người bệnh sau quá trình điều trị ung thư đều có quan niệm sống được đã là may rồi và không muốn mổ xẻ hay trị liệu thêm nữa. Hơn nữa, phương pháp này cũng chưa được nhiều người biết tới và nếu biết, họ thường nghĩ rằng chi phí cho phẫu thuật rất đắt nên ngại. Trên thực tế mặc dù đây là những phương pháp kỹ thuật cao nhưng đến nay chi phí cho loại phẫu thuật này vẫn được tính như các phẫu thuật sửa chữa, tái tạo lại các bộ phận cơ quan do dị tật bẩm sinh hay do tai nạn nên chi phí ít hơn nhiều so với phẫu thuật nâng ngực thẩm mỹ thông thường.

Đầu tháng 3 năm 2010, đoàn bác sỹ phẫu thuật tạo hình của Mỹ do giáo sư Rosen dẫn đầu sẽ tới làm việc tại khoa Phẫu thuật tạo hình và hàm mặt, bệnh viện Việt Đức, trong đó có các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phẫu thuật tạo hình vú.

Các bệnh nhân có nhu cầu tạo hình vú có thể đăng ký khám và tư vấn miễn phí qua địa chỉ email taohinhvd@yahoo.com hoặc đăng ký khám trực tiếp tại khoa Phẫu thuật tạo hình và hàm mặt, bệnh viện Việt Đức từ thứ 2 ngày 22/2/2010. Điện thoại: 04 38 25 35 31 số máy lẻ 369.

Theo Vương Linh

Vnexpress

Chia sẻ