Đừng im lặng: Nhân vụ “áo chíp - khẩu trang”
Hôm qua, cô gái thoát khỏi đám cháy trên đường Nguyễn Khang đã viết một câu đau đớn thế này: Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn? Vâng, không lẽ cô ấy phải chết trong đám khói lửa bịt bùng để các bạn chứng tỏ sự xót thương, để có khi các bạn văng tục: Sao không biết đường cởi áo ra mà che khói?
Chế tên phim: Cave thất thủ. Thơ: Cháy nhà em mới chạy ra/Quên quần áo lót thế là thả rông.
Và cười không thèm đậy miệng. Và những bình luận không có cách nào biên tập đi sự khiếm nhã để có thể chép ra đây.
Chắc các bạn cũng đã đoán ra: Chỉ là từ việc các cô gái chạy ra từ một đám cháy với một chiếc áo ngực che khói.
Vụ cháy quán Karaoke ở Nguyễn Khang với cơn lốc lửa leo rất nhanh từ tầng 1 bao trùm tòa nhà với khói lửa nghi ngút mãi đến nửa đêm xe cứu hỏa mới dập tắt bỗng trở thành một thú tiêu khiển, một trò thư giãn khi chúng ta bắt gặp các cô gái- nhân viên quán- hoảng hốt chạy ra. Áo váy xốc xếch, mặt mũi nhọ nhem, đầu tóc bơ phờ...với trên tay là một chiếc áo chíp- để che khói.
Khá khen cho tay máy chụp được khoảnh khắc xuất thần. À, xuất sắc cả trong bố cục bức ảnh nữa.
Nhưng chỉ ngay sau khi đưa lên báo, ném lên mạng, bức ảnh thời sự tưởng như không lời ấy còn giống như một tấm gương, soi tỏ đạo đức xã hội.
Ngập tràn 2 chữ cave. Ngập tràn 2 chữ phò phạch với sự khinh bỉ không cần khẩu trang. Và ngập tràn sự khoái trá.
Mà thôi, tôi cũng chẳng dám đóng vai nhà đạo đức. Chỉ xin chép lại những gì mà cô gái dùng áo chíp che khói đã nói.
Cô ấy tên Bích. Bích viết thế này:
“Ngày hôm qua là một ngày quá nặng nề xảy ra với tôi, vừa thoát khỏi thần lửa trong gang tấc vừa đối mặt với bao lời dèm pha của người đời. Chuyện chẳng có gì khi một cô gái bình thường chạy thoát thân ra khỏi đám cháy, chỉ khác thường đám cháy ấy là quán karaoke và trên tay cô gái là một cái áo ngực.
Tôi không làm gì vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật thì có gì sai?
Có lẽ, “cái sai” trong mắt các bạn là trên tay tôi là cái áo ngực úp, úp trên mũi mình để thoát chết. Có lẽ cái sai là những bạn nam người trần trùng trục chạỵ thoát thân là sai. Nếu các bạn là chúng tôi các bạn sẽ làm gì khi thoát khỏi đám cháy?
Các bạn cũng biết việc hít quá nhiều khói trong đám cháy sẽ gây ngạt nhanh hơn và một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là cần lấy khăn thấm nước ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm.
Đám cháy ở quán tôi làm việc xảy ra quá nhanh, các bạn nhân viên nam lấy áo thấm nước che miệng, còn chúng tôi không thể cởi váy ra được nên không còn cách nào khác phải dùng chính áo ngực của mình để tự cứu lấy mình khi khói của đám cháy bắt đầu nghi ngút khắp căn nhà.
Thoát khỏi cái chết quá may mắn cho tôi, nhưng không ngờ sự may mắn này lại biến tôi trở thành trò cười, sự chế giễu của cư dân mạng.
Bích đúng rồi Bích ơi!
Ở chỗ cô đã kịp thông minh để tự cứu mình.
Ở câu hỏi “Phải chăng cứ làm việc ở quán karaoke là gái hư?”.
Và ở cả lời nhắn mà hôm qua cô đã viết: Đừng bao giờ đánh giá người khác bằng 3 chữ “nhìn là biết”.
Nhân viên quán Karaoke có gì là xấu? Các cô gái đâu có làm gì vi phạm pháp luật?
Huống chi, “nhìn là biết”, Bích còn đàng hoàng, lịch sự hơn rất nhiều những nụ cười mai mỉa đang chĩa vào cô.
Hôm qua, “cô Bích của tôi” đã viết một câu đau đớn thế này: Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn?
Vâng, không lẽ cô ấy phải chết trong đám khói lửa bịt bùng để các bạn chứng tỏ sự xót thương, để có khi các bạn văng tục: Sao không biết đường cởi áo ra mà che khói?