Dùng hoa, lá làm “mẹo” để dễ đẻ, không đau: cẩn trọng biến chứng

Gia Hân,
Chia sẻ

Việc bà bầu uống đại các thứ nước từ cây, lá... không những không có tác dụng giúp dễ đẻ, giảm đau mà đôi khi gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Không ít chị em hiện đang lan truyền nhau cách dùng thảo dược hoa, lá như hoa hướng dương, lá tía tô… làm “mẹo” sinh nở không đau. Tuy nhiên các chuyên gia Đông y khuyến cáo, việc này có thể gây biến chứng cho sản phụ.

Được làm mẹ đối với mỗi người phụ nữ là điều vô cùng hạnh phúc. Hành trình vượt cạn với họ cũng là một trải nghiệm song cũng đầy nguy hiểm. Trên các diễn đàn mạng có rất nhiều chia sẻ kinh nghiệm dùng thảo dược để giảm đau đẻ như: Lấy hoa hướng dương phơi khô rồi nấu nước uống mỗi ngày 2 - 3 lần trước thời điểm sinh khoảng một tháng sẽ giúp sản phụ dễ sinh, không đau đớn. Nhiều chị em còn “mách” nhau cách đun nước lá tía tô uống thay nước hàng ngày vào những ngày cuối thai kỳ hoặc ăn nhiều dứa sẽ giảm đau khi sinh

Trao đổi với PV về vấn đề này, BS Trần Thuấn – Trưởng khoa Đông y (BV Xanh Pôn) cho hay, đây chỉ là những kinh nghiệm truyền miệng. Không có một cơ sở khoa học nào nói các loại hoa hướng dương, lá tía tô hay dứa dùng để giảm đau trong quá trình chuyển dạ của bà bầu. Hiện cũng chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về tác dụng này. 

Dùng hoa, lá làm “mẹo” để dễ đẻ, không đau: cẩn trọng biến chứng 1
Việc bà bầu uống đại các thứ nước từ cây, lá... không những không có tác dụng giúp dễ đẻ, giảm đau mà đôi khi gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Ảnh minh họa

Việc bà bầu uống đại các thứ nước từ cây, lá như trên không những không có tác dụng giúp dễ đẻ, giảm đau mà đôi khi gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Chẳng hạn tía tô có tác dụng lợi tiểu, trừ cảm lạnh, trị ho, đau bụng, nôn mửa khi có thai… Việc uống lá tía tô thay nước hằng ngày có thể rất nguy hiểm, dẫn đến tăng huyết áp. Uống nước hoa hướng dương để giúp đỡ đau khi đẻ thì cũng chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu mà chỉ thấy một số tài liệu cho rằng phụ nữ có thai không được dùng các vị thuốc lấy từ cây hoa hướng dương vì có thể gây sẩy thai.

Theo các chuyên gia Đông Y, thai phụ ăn quá nhiều dứa lúc mang thai cũng có thể nguy hại. Loại quả này có thể gây ra những cơn co thắt tử cung làm sẩy thai; gây tiêu chảy hoặc dị ứng cho bà bầu. Nguyên nhân là do dứa tươi có chứa bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, tạo ra chất gây phá thai. Một số người có thể ngộ độc dứa với biểu hiện khó chịu, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, hạ huyết áp... Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong. 

“Hiện nay khoa học kỹ thuật đã có hiều phương pháp hỗ trợ giảm đau khi sinh, các bà bầu nên sử dụng những phương pháp đó, không nên tùy ý sử dụng cây thuốc, vị thuốc từ các loại hoa, quả lá để tránh những biến chứng cho mẹ và thai nhi. Sản phụ nên đến bệnh viện để được tư vấn và áp dụng các phương pháp không dùng thuốc. Dù không giảm đau như phương pháp dùng thuốc nhưng cũng giúp cuộc sinh nở nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuyệt đối không sử dụng bừa bãi các bài thuốc giúp giảm đau, chuyển dạ nhanh khi không có chỉ định của bác sỹ”– BS Trần Thuấn khuyến cáo.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng Khoa hậu sản M (BV Từ Dũ TP.HCM), sản phụ lúc mới chuyển dạ sẽ xuất hiện những cơn gò tử cung nhẹ và thưa, khoảng mười phút mới xuất hiện vài cơn gò nên ít đau. Càng về sau cơn gò xuất hiện càng nhiều, cường độ mạnh hơn khiến sản phụ đau nhiều. Tuy vậy, tùy cơ địa từng người mà có người đau ít, người đau nhiều.

Phương pháp giảm đau trong chuyển dạ hiện có nhiều. Ngoài phương pháp không dùng thuốc như: thư giãn, tập thở, liệu pháp tâm lý… thì còn nhiều phương pháp dùng thuốc mê, thuốc giảm đau, gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống… Tuy nhiên, cho đến nay trong sản khoa vẫn chưa có loại thuốc nào ngăn chặn được 100% cơn gò của tử cung. 

Phổ biến nhất hiện là dùng giảm đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng. Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn co tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn. Phương pháp này có ưu điểm là giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn. Thuốc tê có thể kéo dài để giảm đau sau đó nhiều giờ và không ảnh hưởng đến em bé vì nó không qua nhau thai.

Vì là một thủ thuật y khoa nên phương pháp giảm đau này cũng có những nhược điểm và biến chứng nhất định. Một số tác dụng phụ có thể gặp như chóng mặt, đau đầu nhẹ, hạ huyết áp, lạnh run, buồn nôn, nôn, đau lưng, rối loạn chức năng bàng quang… Do đó vấn đề quan trọng khi chuyển dạ không phải là tìm cách giảm đau mà nên chuẩn bị tâm lý. Việc chuẩn bị tinh thần cho sản phụ rất quan trọng không những giúp cho việc sinh nở tiến hành thuận lợi mà còn giảm được cảm giác đau dù không hề dùng thuốc. 
Chia sẻ