Dựng hiện trường giả vụ tự tử có bị xử lý không?

THANH HÀ,
Chia sẻ

Sáng nay, 1/3, một người phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc dựng hiện trường giả vụ tự tử trên cầu Đông Trù (Hà Nội). Vụ việc khiến lực lượng chức năng vất vả tìm kiếm trong nhiều giờ, một số người dân hiếu kỳ đứng trên cầu theo dõi và đăng tải thông tin lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Dựng hiện trường giả vụ tự tử có bị xử lý không? - Ảnh 1.

Nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu Đông Trù theo dõi sự việc.

Sáng sớm nay, cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo từ người dân về thông tin nghi vấn người phụ nữ cùng 3 con nhỏ tự tử trên cầu Đông Trù. Tại hiện trường, có 4 đôi dép (3 đôi trẻ em, 1 đôi người lớn) cùng 1 xe ô tô BKS tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, còn có 1 bức thư để lại với nội dung nói về áp lực cuộc sống của người phụ nữ và 4 mẹ con sẽ giải thoát cho chồng...

Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội CSGT đường thủy đã triển khai huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện tìm kiếm trên sông Đuống.

Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, cơ quan chức năng xác định, người phụ nữ cùng con nhỏ đang ở tỉnh Vĩnh Phúc và "bình an vô sự". Lúc này, lực lượng tìm kiếm mới dừng lại và trên cầu Đông Trù chỉ là hiện trường giả.

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Công ty Luật ICC cho biết, có thể thấy hành vi dựng hiện trường giả một vụ tự tử của bà mẹ trong tình huống này đã làm cho cơ quan chức năng phải rất vất vả trong việc xác minh thông tin, triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, gây tụ tập đông người.

"Bên cạnh đó, việc tự ý chụp ảnh đăng thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội của 1 số cá nhân đã làm cho dư luận hoang mang, bàn tán xôn xao" - luật sư Tùng đánh giá.

Dựng hiện trường giả vụ tự tử có bị xử lý không? - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tìm kiếm trên sông Đuống.

Nhận định về trách nhiệm, luật sư Tùng cho rằng, trước hết cần làm rõ động cơ, mục đích của bà mẹ trong tình huống cụ thể này là gì.

Nếu việc dựng hiện trường giả này không phải là thủ đoạn nhằm thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm nào khác (ví dụ gian dối để chiếm đoạt tài sản) thì cũng cần xem xét xử phạt hành chính theo Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về hành vi "Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác" .

Cần thận trọng khi đăng tải thông tin chưa kiểm chứng

Theo luật sư Tùng, trường hợp này cũng cần lưu ý một số cá nhân khi chưa rõ sự tình, chưa có kết luận của cơ quan chức năng đã vội chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội kèm theo nhiều suy diễn, tiếp đó được cộng đồng mạng share, like gây hoang mang dư luận.

Việc làm này có thể bị xử phạt theo Điểm d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc” .

Dựng hiện trường giả vụ tự tử có bị xử lý không? - Ảnh 3.

Hình ảnh sự việc đăng tải lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Thời gian vừa qua, theo tìm hiểu của phóng viên, đã có rất nhiều vụ dựng hiện trường giả tự tử để hù dọa, hoặc thậm chí để thử lòng người yêu...

Một số ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi tương tự để răn đe tránh các vụ việc tương tự xảy ra, bởi việc này gây xôn xao dư luận và cơ quan chức năng mất thời gian, công sức vào cuộc xác minh, tìm kiếm.

Chia sẻ