Đừng để “sức đề kháng” của bạn yếu đi chỉ vì chưa hiểu đúng và đủ về virus Covid -19
Dịch Covid -19 (tên chính thức của virus corona) xuất hiện kèm theo đó là "cơn bão" thông tin, fake news chưa được kiểm chứng vô tình tạo sức ép, sự lo lắng với nhiều người.
Cùng tìm hiểu xem bạn có mắc phải những "triệu chứng" nào dưới đây nhé!
Hội chứng thích sở hữu càng nhiều càng tốt: Lùng sục mua, tích trữ khẩu trang, nước rửa tay bằng mọi cách
Khẩu trang và nước rửa tay trở thành 2 mặt hàng được săn lùng nhiều nhất ngay từ những ngày đầu khởi phát dịch đến mức trở nên cháy hàng, khan hiếm khi nhiều tin đồn thất thiệt lan truyền: virus Corona có thể "vi vu" trong không khí và lây từ người sang người. Nhiều người lo lắng đến mức tìm mua và trữ rất nhiều khẩu trang và dung dịch rửa tay để chuẩn bị phòng chống dịch. Khẩu trang phải loại đắt nhất, nước rửa tay phải hãng xịn nhất. Tâm lý của bạn là càng nhiều khẩu trang, nước rửa tay thì virus sẽ càng tránh xa bạn ra!
Sự thật là, khẩu trang và nước rửa tay là lá chắn tốt giúp bạn hạn chế tối đa khả năng bị nhiễm virus Corona ở những nơi công cộng. Tuy nhiên, bạn không cần phải tích trữ quá nhiều. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu không mắc bệnh, bạn không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang N95 mà chỉ cần dùng loại khẩu trang y tế 3 lớp thông thường là đủ.
Khẩu trang là "chân ái": Đeo 2,3 lớp khẩu trang để không hít phải virus
Vẫn là câu chuyện khẩu trang. Bởi sợ virus có thể bay trong không khí, cùng những tin tức về số người bị lây nhiễm ở khắp nơi ngày càng tăng, đặc biệt là Vũ Hán, khiến nhiều người luôn sống trong trạng thái phập phồng lo lắng. Ở nhà thì đỡ, hễ ra đường là phải đeo 2,3 lớp khẩu trang để mong virus... nó chừa mình ra.
Sự thật là, đeo nhiều khẩu trang chỉ khiến bạn... khó thở chứ không hoàn toàn ngăn cản được virus, việc đeo và sử dụng khẩu trang không đúng cách thậm chí còn tăng khả năng lây nhiễm đấy nhé. Nếu dùng khẩu trang sử dụng 1 lần, bạn nhớ giặt sạch sau mỗi lần sử dụng để đảm bảo vệ sinh.
Bạn có thể tham khảo hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách của Bộ Y Tế tại đây.
Bật chế độ "kỳ cọ 24/7: Hở tí là rửa tay để diệt virus
Khi thông tin virus Corona không bay lơ lửng trong không khí để gây bệnh, chỉ lây khi tiếp xúc với nước bọt của người mang mầm bệnh đã được khẳng định, thì sự hoang mang lại chuyển sang một thái cực khác. Nhiều người khi ra đường, nhìn đâu cũng thấy "cô Vy" ẩn hiện khắp nơi, từ nút bấm thang máy, tay nắm cửa, toilet, bàn ăn, ghế ngồi… đến mức, chạm tay vào thứ gì cũng hối hả rửa tay ngay lập tức.
Sự thật là, không phải rửa tay nhiều sẽ giúp bạn miễn nhiễm với virus mà cần phải biết rửa tay đúng cách. Tuyệt đối không rửa qua loa mà phải chà xát, kỳ cọ ít nhất 20 giây dưới vòi nước để dịch tiết (nếu có) bám trên tay được loại bỏ sạch. Đồng thời, hạn chế tối đa thói quen dùng tay chạm vào mắt, mũi miệng để giảm nguy cơ bạn tự đưa mầm bệnh vào cơ thể nhé.
Thấy ai ho lập tức bật chế độ "xanh lá"
Triệu chứng của bệnh do chủng mới của virus Corona đã được xác nhận gần giống với cảm sốt thông thường như: ho, đau đầu, sổ mũi, sốt... rất khó phân biệt. Với nhiều người, thà nghi nhầm còn hơn bỏ sót. Kết quả là khi ra đường, nhiều người thấy ai ho, hắt hơi khụt khịt mũi... là lập tức "xa lánh" ngay.
Sự thật là, đề cao cảnh giác là tốt nhưng bạn không cần phải quá lo lắng, sợ hãi. Bởi hiện nay, ở Việt Nam, các cơ quan chức năng vẫn đang làm tốt công tác kiểm soát, phòng chống dịch và một số bệnh nhân mắc bệnh đã được chữa khỏi.
Tâm lý luôn ám ảnh tưởng như sắp tận thế tới nơi
Tin tức về các ca lây nhiễm ở khắp nơi được cập nhật mỗi ngày, rồi thành phố nọ, thành phố kia đã bị phong tỏa, chưa kể hàng loạt thông tin chưa được kiểm chứng cùng những hướng dẫn phòng bệnh phi khoa học từ các nguồn không chính thống đã khiến nhiều người "bấn loạn", có cảm giác như ngày tận thế đã sầm sập trước mắt.
Sự thật là, nếu đã mang tâm lý lo lắng lại còn "chăm chỉ" lướt mạng xem tất tần tật các thông tin về Corona mà không chọn lọc sẽ làm cho mức độ "bấn loạn" ngày càng tăng, khiến bạn không đủ sáng suốt để đánh giá đúng tình hình thực tế. Trong biển thông tin tràn ngập trên mạng hiện nay, bạn chỉ nên lựa chọn và cập nhật tình hình tại các báo chính thống, các nguồn đáng tin cậy như: Bộ Y tế, WHO, các cơ quan phát ngôn của chính phủ và chính quyền địa phương...
Bạn có thấy "bóng dáng" của mình ở các tình huống bên trên không? Đừng để "sức đề kháng" của bạn yếu đi chỉ vì chưa hiểu đúng và đủ về loại dịch này. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mỗi người cần phải bình tĩnh, tỉnh táo, xây dựng cho mình "lá chắn" cần thiết để có đủ thời gian "lọc" những nguồn tin đúng, chính xác về tình hình dịch bệnh, từ đó dễ dàng chọn lựa các biện pháp phòng ngừa phù hợp nhằm bảo vệ cho sức khỏe của bản thân và gia đình.