Đừng dại dột mà hành động thế này vì nó sẽ khiến tình yêu của bạn “tan tành”
Không phải lỗi lầm nghiêm trọng nhưng đây lại là những thói quen tiêu cực âm ỉ ăn mòn mối quan hệ của các cặp vợ chồng hoặc những ngời yêu nhau...
Một mối quan hệ muốn bền vững thì tình cảm hai người dành cho nhau thôi chưa đủ. Sự bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau cũng quan trọng không kém. Dưới đây là một số tình huống thường xảy ra trong đời sống thực của các cặp đôi. Dù không gây phản ứng tiêu cực ngay tắp lự như lừa dối hay phản bội nhưng chúng vẫn có thể dẫn đến kết cục buồn nếu kéo dài:
Bất công trong việc phân chia thời gian và tiền bạc
Đều đặn mỗi ngày bạn phải dậy sớm nấu đồ ăn sáng, chiều tối lại ghé siêu thị và lạch cách chuẩn bị bữa tối dù đã rất mệt sau giờ làm. Trong khi đó, người bạn đời của bạn dù có thói quen ăn uống lành mạnh nhưng chẳng bao giờ động tay vào việc bếp núc? Bạn phải đổi việc vì vị trí cũ lương không đủ để chi tiêu cho cả hai? Đây chính là những dấu hiệu chứng tỏ sự bất công trong việc phân chia thời gian, tiền bạc cho nhu cầu chung.
Mối quan hệ chỉ có một người hưởng lợi
Người yêu thoải mái đến sống trong nhà riêng của bạn và hai bạn chia sẻ chi phí ăn uống ngang nhau? Trong phòng tắm, bạn chẳng có lấy một chai dầu gội cho riêng mình? Bạn nấu ăn cho cả hai và chỉ có mình bạn dọn dẹp? Rõ ràng trong mối quan hệ như vậy, bạn phải chịu thiệt thòi rất lớn trong khi đối phương được hưởng lợi.
Đương nhiên yêu chỉ là yêu thôi, không mảy may tính toán. Thế nhưng muốn sống chung mà tình trạng này tiếp tục diễn ra hoàn toàn không ổn chút nào!
Quá rạch ròi tài chính
Hai bạn không hề hỗ trợ tài chính cho nhau trong những lúc khủng hoảng vì người ta nói "tiền bạc sẽ phá hỏng các mối quan hệ", "nếu muốn mất bạn, hãy cho anh/cô ta vay tiền"?
Thử nghĩ mà xem, vợ/chồng hay bạn đời khác với người ngoài chính là khả năng hỗ trợ nhau trong những tình huống khó khăn. Nếu ngay cả việc này cũng không thể làm được, có lẽ cả hai nên tách ra và sống độc thân hết đời!
Bạn không có ai để dựa vào
Bạn tự nhủ với mình không được phép ốm bởi lúc ấy sẽ chẳng có ai chăm sóc? Bạn nghĩ vợ/chồng hay người yêu của mình sẽ tự lo liệu ổn thỏa nếu lỡ ngã bệnh bởi anh/cô ấy đâu còn là trẻ con? Bạn không thể nhờ người ấy chăm sóc vật nuôi hay cây cảnh khi bạn vắng nhà? Nếu có những dấu hiệu này, có lẽ hai người đã yêu nhau, ở bên nhau sai cách!
Yêu nhưng luôn phải đối mặt với căng thẳng
Từ lâu bạn đã từ bỏ việc cố gắng chia sẻ với bạn đời về cảm xúc của mình bởi bạn biết anh/cô ấy chẳng nói được câu nào nhẹ nhàng? Hai bạn không xin lời khuyên từ nhau bao giờ? Bạn không cảm thấy được hỗ trợ khi bạn tuyệt vọng và cần điều đó? Yêu và lấy nhau nhưng lại không thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ thật với "một nửa của mình", liệu bạn có cho rằng mối quan hệ sẽ tiến được xa hơn nữa?
Cằn nhằn vì người kia không làm được những việc mà họ "cần phải làm"
Bạn bị khiển trách vì "đàn ông mà không thể sửa chữa đường ống nước bị rò rỉ"? Bạn xấu hổ với người yêu hay chồng chỉ vì món mỳ Ý bạn làm không ngon như mẹ anh ấy từng làm? Bạn phải nỗ lực kiếm tiền như "một người đàn ông đúng nghĩa" hay cố gắng thu vén mọi thứ trong nhà như "một bà nội trợ kiểu mẫu"?
Có lẽ đã đến lúc bạn cần gỡ bỏ những định kiến theo kiểu "đàn ông thì phải...", "phụ nữ thì cần...". Trong cuộc sống, chẳng có điều gì là tuyệt đối hoàn hảo, cũng như không ai giống ai hoàn toàn. Đôi khi con người ta phải dung hòa thì mới có thể chung sống lâu dài với nhau.
So sánh tiêu cực
Bạn liên tục phải nghe vợ mình khen... chồng của bạn thân cô ấy tuyệt vời thế nào? Bạn biết tất tật về tài năng của vợ ông bạn thân? Bằng cách nào đó, hai vợ chồng bạn đã quên rằng cả hai đều ở trong trạng thái hoàn hảo khi mối quan hệ bắt đầu.
So sánh tiêu cực có lẽ là cách nhanh nhất khiến một người tổn thương, đồng thời khiến mâu thuẫn phát sinh trong mối quan hệ. Hãy biết thế nào là đủ và trân trọng những phẩm chất của "người ấy".
Chối bỏ trách nhiệm
Con của hai người không tài năng như "con nhà người ta"? Màu sơn trong phòng ngủ do hai vợ chồng cùng chọn đã trở thành xấu xí vì "lỗi của một người"? Bạn hoặc anh/cô ấy luôn đổ lỗi cho mọi thứ liên quan đến cả hai. Thực tế đã chứng minh, đổ lỗi cho người khác là một trong những nguyên nhân chính phá hỏng các mối quan hệ nói chung chứ không chỉ riêng tình yêu - hôn nhân.
Khác biệt quá nhiều về sở thích
Bộ sưu tập tem của bạn chiếm quá nhiều diện tích? Cô ấy đang xem tivi và bạn khiến nàng nổi giận khi "cả gan" thở mạnh do tập yoga? Sở thích của bạn trong mắt cô ấy toàn những thứ kỳ lạ?
Mỗi người trong chúng ta đều có sở thích, nhu cầu riêng. Không ai nên và có quyền bắt ép người kia thay đổi thói quen, sở thích theo ý mình. Để chung sống được với nhau, các cặp vợ chồng cần học cách chấp nhận và tìm cách dung hòa.
Đối phương lúc nào cũng muốn chiếm hết mọi tiện ích
Tủ kệ mua về mà toàn dành để chứa đồ của anh/cô ấy? Một vài bức tranh bạn thích bị vất đi không thương tiếc để nhà cửa bớt chật chội? Nhu cầu của bạn không có nghĩa lý gì, còn của người ấy đặc biệt quan trọng?
Dù trong một mối quan hệ luôn có một người được chiều chuộng, ưu tiên và một người hy sinh nhưng điều đó không nên diễn ra quá thường xuyên. Lâu dần, người luôn phải chịu thiệt sẽ có cảm xúc bất bình, bùng nổ.
Hãy nhớ!
Nếu bạn cảm thấy trong mối quan hệ chung, bạn không có được sự bình đẳng...
Nếu bạn thấy mình bị phụ thuộc, hoặc yếu thế hơn so với bạn đời (về cảm xúc, tâm lý hoặc tài chính)...
Vậy thì đã đến lúc bạn cần xem xét lại mối quan hệ này càng sớm càng tốt!
Minh họa: Astkhik Rakimoval; Nguồn: BrightSide.me