Đừng coi thường tĩnh mạch mạng nhện ở chân vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loét chân

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Linda Geddes, đến từ Cambridge (Anh) phải dùng nhiều loại mỹ phẩm thời thượng để che đi vẻ ngoài khó coi của những tĩnh mạch mạng nhện nổi chằng chịt trên chân.

Nhưng, nguy hiểm hơn, đây còn là dấu hiệu cảnh báo có thể phải đối mặt với nguy cơ loét chân nghiêm trọng.

Câu chuyện của Linda Geddes

Từ rất lâu rồi theo những gì tôi còn nhớ được, tôi đã bị nổi tĩnh mạch mạng nhện ở chân và mắt cá chân.

Đừng coi thường tĩnh mạch mạng nhện ở chân vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loét chân - Ảnh 1.

Trong lúc bạn bè diện quần soóc và váy mùa hè, tôi thường xuyên mặc trang phục che chân. Ngay trước khi kết hôn ở tuổi 30, tôi đã thực hiện liệu pháp tiêm xơ tĩnh mạch thẩm mỹ (microsclerotherapy) – tiêm một chất lỏng để làm các mạch máu nhỏ xíu sụp xuống và biến mất. Nó có nghĩa là tôi có thể tự tin trải qua tuần trăng mật trên bãi biển.

Nhưng 5 năm sau với sự ra đời của hai con, hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện lại xuất hiện ở chân tôi, cùng với mạch máu màu xanh gồ lên và các vết nâu ở bàn chân trái. Giờ đây, không chỉ vẻ ngoài xấu xí khiến tôi bận tâm nữa.

Khoảng 6 tháng trước, tôi bắt đầu thức dậy giữa đêm với cảm giác nhức nhối, khó chịu như bị cảm ở đầu bàn chân. Tôi cũng cảm nhận phần trên mắt cá chân trái phình ra, như thể có một miếng thạch bên dưới da lắc lư chuyển động khi bàn chân tôi đặt xuống sàn nhà.

Tôi đã hẹn gặp bác sĩ và ông trấn an tôi rằng, chân tôi đều trông bình thường. Bác sĩ cho rằng, cảm giác khó chịu nghi do tổn thương dây chằng (có thể do lần tôi bị vấp vào một cái hố 6 năm trước) gây ra. Tuy nhiên, siêu âm không cho thấy gì bất thường.

Tôi nghĩ, vấn đề liên quan tới mạch máu và đã xin tư vấn giáo sư Mark Whiteley, một bác sĩ phẫu thuật mạch máu, người đang điều hành phòng khám tư của mình. Ông siêu âm tĩnh mạch chân tôi, sử dụng phương pháp siêu âm duplex, giúp phát hiện hướng chảy của máu. Khi ông nói tôi bị giãn tĩnh mạch nghiêm trọng ở cả 2 chân, tôi vô cùng sửng sốt. Tôi mới chỉ 38 tuổi và không có biểu hiện mạch máu nhấp nhô kiểu gợn sóng.

Đừng coi thường tĩnh mạch mạng nhện ở chân vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loét chân - Ảnh 2.

Linda Geddes, đến từ Cambridge (Anh) phải dùng nhiều loại mỹ phẩm thời thượng để che đi vẻ ngoài khó coi của những tĩnh mạch mạng nhện ở chân.

Vậy sao tôi lại bị giãn tĩnh mạch được chứ?

Tĩnh mạch đưa máu trở về tim từ các cơ quan và mô. Nhưng ở chân và bàn chân, về nghĩa đen, đây là một cuộc vật lộn theo chiều ngược, giáo sư Whiteley giải thích.

Để ngăn ngừa máu bị đẩy trở lại chân chúng ta, những tĩnh mạch lớn hơn chứa van một chiều. Nhưng chúng không thể hoàn thành nhiệm vụ do bị rách hoặc hao mòn. Tình trạng béo phì và mang thai có thể khiến các van một chiều đó tơi tả sớm hơn. Nhưng yếu tố di truyền cũng đóng vai trò nhất định. Những van suy giảm chức năng đó gây hiện tượng "trào ngược tĩnh mạch", xảy ra khi máu đổ tràn vào tĩnh mạch.

Nhưng kết quả không phải lúc nào cũng là mạch máu phình lên thấy rõ, giáo sư Whiteley cho biết. "Khoảng 1 nửa bệnh nhân bị trào ngược tĩnh mạch có mạch máu nổi rõ. Những người khác có các vệt đỏ và nâu quanh mắt cá chân và tình trạng sưng tấy".

Những triệu chứng này do áp lực trong tĩnh mạch - dồn vào trong các mao mạch cung cấp máu cho chân và mắt cá chân - gây ra.

Dominic Dodd, bác sĩ phẫu thuật tim mạch kiêm chuyên gia tư vấn, cho biết: "Hậu quả là viêm dạng nhẹ, được biểu hiện bởi ngứa và nhức. Theo thời gian, tình trạng này dẫn tới việc mao mạch và mô bị dày lên và hình thành sẹo".

Các mảng nâu do máu rò rỉ ra ngoài mao mạch gây nên. Tuần hoàn kém dẫn tới kết cục viêm loét. Những người có hiện tượng giãn tĩnh mạch nhìn thấy rõ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị các biến chứng. Nhưng do bác sĩ thường có xu hướng liên hệ cảm giác đau chân hoặc da mẩn ngứa với chứng giãn tĩnh mạch, bệnh nhân thường được đề xuất liệu pháp điều trị mang tính ngăn ngừa.

Alun Davies, giảng viên phẫu thuật mạch máu tại Imperial College London, tiết lộ: "Có những người bị đâu, ngứa hoặc loét nhưng việc chẩn đoán bệnh cho họ không dễ dàng vì bạn không thể nhìn thấy mạch máu bị giãn".

Bản thân bệnh nhân có thể không nhận thấy mình bị gì đó nghiêm trọng cho tới khi xuất hiện loét chân. Nghiên cứu cho thấy, 30-40% người trưởng thành bị giãn tĩnh mạch không thấy rõ nhưng không phải tất cả đều phát triệu chứng và chỉ có một bộ phận nhỏ bị loét chân.

Một dấu hiệu sớm của trào ngược tĩnh mạch là tĩnh mạch mạng nhện - những mạch máu nhỏ trong da bị giãn ra.

Một nghiên cứu năm 1993 đăng tải trên tạp chí Journal of Dermatologic Surgery and Oncology phát hiện thấy, 89% người bị tĩnh mạch mạng nhện chân và mắt cá chân tiềm ẩn trong người dấu hiệu của một vấn đề rắc rối nào đó liên quan tới tĩnh mạch chân - thường là kết quả của các van khiếm khuyết trong các tĩnh mạch lớn hơn.

Đừng coi thường tĩnh mạch mạng nhện ở chân vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loét chân - Ảnh 3.

Các cách điều trị

Nhiều cơ sở y tế điều trị bệnh giãn tĩnh mạch bằng liệu pháp tiêm xơ tĩnh mạch thẩm mỹ (microscletherapy) nhưng nhìn chung, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Phần lớn người bệnh cần nhiều liệu pháp điều trị, chi phí từ 150-250 bảng/liệu pháp. Bác sĩ Dodd cho biết: "Xử lý tách biệt khi vẫn tồn tại tình trạng trào ngược ẩn sâu bên trong thường không được khuyến khích. Bạn có thể đạt được đôi chút tiến bộ nhưng nói chung, giãn tĩnh mạch vẫn sẽ quay lại".

Tĩnh mạch mạng nhện thường vô hại. Nhưng nếu bạn cũng xuất hiện các triệu chứng như đau, chân có cảm giác nặng nề hay thay đổi trên da, nên tham vấn ý kiến từ một chuyên gia về mạch máu và thực hiện siêu âm duplex.

Nếu nguyên do là trào ngược tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch ẩn giấu, bạn nên được điều trị, tốt hơn cả là bằng phương pháp sử dụng nhiệt để tiêu diệt mạch máu khiếm khuyết từ bên trong (EVLA).

Trào ngược tĩnh mạch thường tiến triển xấu khi áp lực gây hư hại cho nhiều van tĩnh mạch hơn và thêm nhiều máu đổ vào hơn.

Một khi bạn phát hiện những thay đổi trên da, bạn được xem là có nguy cơ cao bị loét chân. Khoảng 2% ngân quỹ của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) dành cho bệnh nhân loét chân, giáo sư Davies cho biết. Nhưng quỹ hỗ trợ điều trị của NHS chẳng khác nào trò xổ số. Điều trị 1 chân bằng liệu pháp EVLA tại cơ sở tư nhân mất 1.550-2.375 bảng. Nếu triệu chứng không gây khó chịu cho bạn, bạn có thể phải chờ đợi trước khi được điều trị bằng phương pháp tốn kém bởi loét chân vẫn có thể tránh được.

Đừng coi thường tĩnh mạch mạng nhện ở chân vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loét chân - Ảnh 4.

Linda đã không còn thức dậy với cảm giác đau thắt ở mắt cá chân hay chân nữa.

Tôi đã được điều trị như thế nào?

Giáo sư Whiteley đề nghị chụp chiếu và điều trị miễn phí cho tôi. Mẹ tôi từng được điều trị theo quỹ hỗ trợ của NHS khi bà có vẻ rơi vào nhóm nguy cơ cao bị loét chân. Kết quả chụp chiếu cho thấy tĩnh mạch của tôi đang trong tình trạng nặng hơn của mẹ tôi và tôi trẻ hơn bà 30 tuổi (bà chỉ có 1 trong các tĩnh mạch hiển lên ở mỗi chân, trong khi trường hợp tôi là cả 2). "Cô nằm trong diện bệnh nhân sẵn sàng chờ đợi bệnh loét chân xảy ra", giáo sư cảnh báo tôi.

Một y tá sử dụng siêu âm để lập bản đồ các tĩnh mạch khiếm khuyết và đánh dấu chúng bằng bút để chỉ hướng cho các mũi tiêm gây tê cục bộ - phần đau đớn nhất.

Bác sĩ rạch những vết rạch nhỏ xíu ở bắp chân và phần đỉnh bắp đùi tôi, tiếp đó, một ống nhựa được luồn vào mạch máu, theo sau là tia laser. Thiết bị này được kéo dọc theo tĩnh mạch, sau đó, các nhánh của tĩnh mạch hiển lớn bị phá huỷ và được kéo ra ngoài bằng một cái móc. Quá trình này không đau, nhưng tôi có thể cảm nhận thấy sự kéo, giật.

Cuộc phẫu thuật kéo dài 90 phút và chân tôi sau đó được băng lại rồi che phủ bằng tất chân bó chặt. Tôi cảm thấy thâm tím nhưng với thuốc giảm đau, tôi vẫn có thể đi lại, thậm chí đạp xe. Mất 6 tuần, mắt cá chân của tôi mới bớt thâm tím.

Vài tháng sau, tôi cần trở lại để thực hiện điều trị bước tiếp theo. Một miếng bọt hóa học sẽ được đưa vào các phần của tĩnh mạch nhánh mà không thể kéo ra được (để ngăn tĩnh mạch phát triển trở lại) và liệu pháp tiêm xơ tĩnh mạch thẩm mỹ (microsclerotherapy) sẽ xử lý những tĩnh mạch mạng nhện còn lại.

Đã có sự tiến bộ diễn ra với tôi, tôi không còn thức dậy với cảm giác đau thắt ở mắt cá chân hay chân nữa. Những vệt màu nâu trên bàn chân vẫn còn đó nhưng các nốt gợn sóng màu xanh và các mạch máu sưng nổi rõ trên da đã biến mất. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi mong đợi được mặc một chiếc váy mùa hè và đi xăng đan.

Triệu chứng bệnh tĩnh mạch mạng nhện

- Hiện tượng sưng phù chân và mắt cá chân xảy ra khi tĩnh mạch trở nên đầy máu quá mức, khiến dịch bị rò rỉ và chân cũng như mắt cá sưng lên.

- Loét do ứ tĩnh mạch là những vết thương chậm lành hoặc không lành quanh chân và mắt cá, được tạo thành khi máu đổ vào trong tĩnh mạch. Tĩnh mạch quá đầy có thể tạo ra áp lực lớn và khiến da bị rách – tình trạng này rất lâu lành do tuần hoàn bị tổn hại.

- Giãn tĩnh mạch xuất hiện khi tĩnh mạch bị ứ máu, sinh ra những tĩnh mạch dày và bị xoắn như dây thừng, có thể nhìn thấy được, gần với bề mặt da. Giãn tĩnh mạch có thể rất đau đớn.

- Giãn tĩnh mạch dạng lưới là những tĩnh mạch mỏng, có màu đỏ ở bề mặt da. Giãn mao mạch, còn được biết đến với tên gọi tĩnh mạch mạng nhện, là những tĩnh mạch như mạng nhện, màu hơi đỏ, mỏng có thể nhìn thấy trên bề mặt da. Cả tĩnh mạch dạng lưới và tĩnh mạch mạng nhện đều hiếm khi gây đau hay gây hại cho sức khỏe. Bệnh nhân thường chỉ cảm thấy lo ngại về khía cạnh thẩm mỹ mà thôi.

- Đau đớn thường đi kèm với các triệu chứng của trào ngược itnhx mạch. Đôi khi, có cảm giác ngứa hoặc đau nhức ở chân.

(Nguồn: DailyMail)

Chia sẻ