Đúng 10 ngày nữa, sẽ không được rủ rê, ép buộc người khác uống rượu, bia

Minh Khôi (t/h),
Chia sẻ

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Điều 5 luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Vậy là chỉ còn đúng 10 ngày nữa, mọi cá nhân, tổ chức sẽ không được rủ rê, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Cụ thể, tại Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đặc biệt cấm xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia. Trong đó, xúi giục, kích động, lôi kéo có thể hiểu bao gồm: Rủ rê, thuyết phục, thách đố nhau uống rượu, bia...

Đúng 10 ngày nữa, sẽ không được rủ rê, ép buộc người khác uống rượu, bia - Ảnh 1.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội khoá XIV thông qua tháng 6 năm nay được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu.

Ngoài ra, để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông cũng như thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra liên quan đến rượu, bia, Điều 5 của luật còn cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Cũng để kiểm soát tình trạng người chưa thành niên uống rượu, bia, khoản 2, khoản 3 Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm cũng "Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và "Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi".

Đúng 10 ngày nữa, sẽ không được rủ rê, ép buộc người khác uống rượu, bia - Ảnh 2.

Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

Đồng thời, người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông phải có trách nhiệm chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông…

Ngoài ra, luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc cũng như thời gian nghỉ giữa giờ làm việc.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua, thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Việc ban hành luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được xem là biện pháp cấp thiết góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.


Chia sẻ