Đưa ra lời khuyên "con nhà nghèo nên chọn 3 ngành học này", chuyên gia bị phản bác: Thiếu toàn diện!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Bạn có đồng tình với chuyên gia này?

Trương Tuyết Phong là một chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc. Ông thường có những bài viết về tư vấn chọn ngành học thu hút sự chú ý và đôi khi cũng cực gây sốc. Chẳng hạn, chuyên gia này khuyên có 3 ngành học đặc biệt phù hợp với học sinh gia cảnh khó khăn, bởi chúng có tỷ lệ việc làm cao và triển vọng phát triển tốt.

"Thông thường, sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng có tỷ lệ việc làm cao hơn, sinh viên từ các ngành "hot" cũng vậy. Những ngành học trở nên "hot" là bởi có khoảng trống lớn trên thị trường, nhu cầu cao, thu nhập hấp dẫn, và triển vọng nghề nghiệp rộng mở. Hiện nay, phần lớn học sinh khi chọn ngành đại học đều ưu tiên những ngành học như vậy.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành học "hot" đều phù hợp với học sinh nghèo. Dù một số ngành có triển vọng tốt, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lại quá cao, vượt quá khả năng chi trả. Chỉ những ngành có chi phí ban đầu hợp lý và triển vọng phát triển ổn định mới thực sự phù hợp", chuyên gia này nói.

Đưa ra lời khuyên

Ảnh minh hoạ

Dưới đây là một số ngành học được ông Trương Tuyết Phong nhiều lần đề xuất, được đánh giá là rất phù hợp với học sinh có hoàn cảnh khó khăn:

1. Ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin

Thế kỷ 21 là thời đại thông tin, mọi ngành nghề và cuộc sống hàng ngày đều không thể thiếu máy tính. Doanh nghiệp nào cũng cần nhân sự ngành này, khiến thị trường càng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng.

Dù hiện tại nhiều ngành đang gặp khó khăn, nhưng so với mặt bằng chung, ngành Công nghệ thông tin vẫn có mức thu nhập và tính ổn định cao hơn. Chỉ cần học tốt trong trường, nắm chắc chuyên môn, sinh viên tốt nghiệp ngành này có nhiều cơ hội việc làm: Từ công ty lớn, công ty tư nhân nhỏ đến thi tuyển công chức, đều có lợi thế rõ rệt.

2. Ngành Khúc xạ nhãn khoa (Chuyên ngành về mắt)

Ngành Y luôn được đánh giá cao về triển vọng, nhưng cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và áp lực học tập.

Ngành Khúc xạ nhãn khoa – một nhánh trong y học – có rủi ro thấp hơn, học nhẹ hơn nhưng lại rất phù hợp với nhu cầu hiện nay: Số người bị cận thị ngày càng nhiều do áp lực học hành và làm việc. Đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng.

3. Ngành Kỹ thuật điện tử - thông tin

Ngành này có phần "khó nhằn" hơn, yêu cầu học sinh học lực tốt, nhưng lại có triển vọng nghề nghiệp rộng mở. Đây là một trong những ngành hot nhất hiện nay. Sinh viên có thể làm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, sản xuất chip, làm lập trình viên, vào các công ty công nghệ cao, với mức thu nhập hấp dẫn.

Tóm lại, so với nhiều ngành học khác, 3 ngành trên được xem là lựa chọn lý tưởng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng có nhu cầu tuyển dụng cao, cơ hội việc làm rộng, thu nhập tốt và triển vọng dài hạn – là những lợi thế vượt trội cho học sinh không có nền tảng tài chính vững chắc.

Tranh cãi

Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều người cho rằng, nhà giáo dục này có phần phiến diện. Bởi lẽ đằng sau những lời khuyên "chọn ngành theo triển vọng việc làm" là cả một hệ tư tưởng và kỳ vọng xã hội rất mạnh mẽ, đặc biệt là với những bạn trẻ xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn.

"Lời khuyên của thầy Trương Tuyết Phong không sai, nhưng chưa toàn diện. Nó đúng ở chỗ: Với học sinh không có hậu thuẫn tài chính hoặc mối quan hệ, có việc làm nhanh, thu nhập ổn định sau tốt nghiệp là điều cực kỳ quan trọng. Những ngành như Công nghệ thông tin, Điện tử, hoặc Khúc xạ nhãn khoa thực sự có nhu cầu nhân lực lớn và ít phụ thuộc vào "cửa sau".

Tuy nhiên, cách dùng từ "phù hợp với con nhà nghèo" dễ khiến người ta nghĩ rằng: Người nghèo không được quyền theo đuổi đam mê. Ngành "an toàn" mới là con đường duy nhất để thay đổi số phận. Mà điều này rất dễ bóp nghẹt ước mơ cá nhân, khiến những bạn có năng khiếu nghệ thuật, nghiên cứu xã hội hoặc đam mê giáo dục bị "dồn vào khuôn", một người nói.

Bên cạnh đó, rất khó để đảm bảo 100% ngành nào sẽ "ăn chắc mặc bền" trong 10–20 năm tới, bởi vì AI và tự động hoá đang thay đổi sâu sắc thị trường lao động, một ngành hot hôm nay có thể bị bão hoà ngày mai nếu quá nhiều người đổ vào. Ngay cả ngành CNTT cũng đang chịu ảnh hưởng từ làn sóng sa thải toàn cầu.

Điều chắc chắn nhất, không phải là ngành học, mà là: Khả năng tự học suốt đời. Kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện. Và tư duy tài chính – thứ ít được dạy nhưng lại quyết định chất lượng cuộc sống.

Vậy "con nhà nghèo" nên chọn ngành như thế nào?

Nhiều người cho rằng, nên có một sự kết hợp giữa lý trí và đam mê thực tế:

Hãy hỏi: "Mình làm điều này 8 giờ mỗi ngày trong 5 năm có chịu được không?". Tìm những ngành có thể vừa học vừa kiếm tiền, có tính linh hoạt cao, như: Thiết kế, lập trình, truyền thông số, dạy học online,... Ưu tiên nơi nào có cộng đồng hỗ trợ, học bổng, hoặc cơ hội làm thêm tử tế để giảm áp lực tài chính.

Quan trọng nhất: Đừng xem nghèo là rào cản duy nhất, vì còn rất nhiều người "không nghèo" nhưng vẫn thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, thiếu định hướng.

Góc Nhìn Tuyến bài chia sẻ quan điểm của chuyên gia, phụ huynh về các vấn đề giáo dục nóng hổi. KHÁM PHÁ
Chia sẻ