Đũa điện, bồn cầu thông minh giật giải Nobel ‘ngược đời’
Trái ngược với giải Nobel danh giá, giải Ig Nobel hay còn gọi là Nobel “ngược đời” - là phần thưởng dành cho những nghiên cứu lạ thường, khiến mọi người bật cười.
Được biết, mỗi giải Ig Nobel năm nay cũng đi kèm với một tấm séc độc đáo: tờ 10.000 tỷ đô la Zimbabwe.
Do tạp chí Annals of Improbable Research tổ chức, buổi lễ trao giải Nobel “ngược đời” trực tuyến ngày 14/9 đã có sự góp mặt của những nhân vật giành giải Nobel thực sự. Họ đã trao 10 giải Ig Nobel cho các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Đáng chú ý, giải thưởng được thực hiện dưới dạng tài liệu pdf nên có thể in ra và lắp ráp để tạo ra một chiếc cúp ba chiều.
Hai nhà nghiên cứu Te Faye Yap và Daniel Preston tại Đại học Rice ở Mỹ đã chiến thắng hạng mục kỹ thuật cơ khí năm nay bằng công trình “hồi sinh” nhện chết làm dụng cụ kẹp cơ học.
Anh Yap chia sẻ rằng trong một lần làm thí nghiệm, họ tìm thấy một con nhện chết ở rìa hành lang. Anh và đồng nghiệp lập tức nảy ra ý tưởng trên sau khi phát hiện nhện chỉ có cơ gấp để co chân vào trong và dựa vào áp suất thủy lực để duỗi chân ra ngoài.
Nói cách khác, chân của một con nhện chết sẽ ở trạng thái khép lại giống như một bàn tay nắm chặt. Nhưng bộ phận này vẫn có thể mở ra nếu có áp lực từ bên ngoài.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một dụng cụ kẹp dựa trên hình dạng của con nhện để kẹp các vật thể có hình dạng bất thường.
Phát biểu trước buổi lễ, Preston cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến giải Ig Nobel hằng năm để xem các tác phẩm sáng tạo và kích thích tư duy. Chúng tôi vô cùng vui mừng khi nhận được vinh dự này”.
Ở hạng mục hóa học và địa chất, nhà nghiên cứu Jan Zalasiewicz tại Đại học Southampton đã đoạt giải Ig Nobel nhờ giải thích lý do tại sao nhiều nhà khoa học thích liếm sỏi, đá. Ông tiết lộ rằng trong khi nhà địa chất người Italy Giovanni Arduino sử dụng vị giác để giúp xác định đá và khoáng chất vào thế kỷ 18, thì các nhà địa chất hiện đại thường dùng lưỡi để xác định.
Ông giải thích hành động liếm ướt đá là nhằm giúp ích cho thị giác chứ không phải vị giác, vì bề mặt ẩm ướt sẽ giúp nhìn rõ hơn các hạt khoáng chất.
Một giải Ig Nobel hấp dẫn về dinh dưỡng được trao cho hai nhà khoa học Homei Miyashita tại Đại học Meiji và Hiromi Nakamura tại Đại học Tokyo cho nghiên cứu đũa và ống hút điện.
Cô Nakamura cho biết hương vị của thực phẩm có thể được thay đổi ngay lập tức bằng kích thích điện. Do đó, cô có thể tăng vị mặn của thực phẩm bằng cách kích thích điện vào đầu lưỡi.
Tiếp theo, giải thưởng Ig Nobel về sức khỏe cộng đồng năm nay đã được trao cho các nhà nghiên cứu phát triển một nhà vệ sinh thông minh sử dụng hàng loạt công nghệ mới để theo dõi sức khỏe thông qua chất thải của con người. Nhà vệ sinh này cũng có thiết bị cảm biến hậu môn để nhận dạng người dùng.
Về hạng mục y học, nhóm chiến thắng là những nhà nghiên cứu đã tìm hiểm xem mỗi bên lỗ mũi có chứa số lượng lông bằng nhau hay không.
Trong khi đó, giải thưởng truyền thông thuộc về các nhà khoa học đã nghiên cứu về những người có khả năng nói ngược.
Giải văn học thuộc về các nhà nghiên cứu đã kỳ công tìm hiểu về cảm giác đặc biệt có thể nảy sinh khi viết lặp đi lặp lại một từ. Họ gọi hiện tượng đó là một ví dụ về “jamais vu” – thấy những điều quen thuộc trở nên lạ lẫm.
Ig Nobel vật lý được trao cho những nhà khoa học đã khám phá ra việc đàn cá cơm giao phối vào ban đêm ở bờ biển Galicia có thể gây ra những “cơn lốc” nhỏ dưới nước.
Ông Bieito Fernández Castro tại Đại học Southampton chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một nghiên cứu về vật lý quy mô nhỏ của đại dương lại có thể thu hút được sự chú ý rộng rãi như vậy”.