Dù Ronaldo sẵn sàng chết để có được vinh quang, thì vẫn cô đơn đến tủi hờn

NGỌC ĐIỂM,
Chia sẻ

Chói sáng và rồi lịm tắt dần qua từng đêm chinh chiến, Cristiano Ronaldo là một ngọn đèn cạn dầu, hay là một con tin của thời vận?

Các fan của anh đã kỳ vọng nhiều hơn thế gấp bội, so với những gì họ vừa phải chứng kiến, trong đêm giã từ nước Nga của các nhà ĐKVĐ châu Âu.

Cũng dễ hiểu thôi. Trận ra quân rực rỡ trước những người láng giềng Tây Ban Nha hùng mạnh đã củng cố vững chắc thêm một ý niệm tưởng như đã trở thành chân lý: Chỉ cần được cả đội toàn tâm toàn ý phục vụ, CR7 có thể thực hiện bất cứ kỳ tích nào. Một ý niệm được đặt cơ sở trên hàng loạt những cột mốc kỷ lục bị đôi chân ấy sút đổ. Và được chiếu sáng bằng vầng hào quang của những ánh hoa đăng Stade de France năm xưa.

Dù Ronaldo sẵn sàng chết để có được vinh quang, thì vẫn cô đơn đến tủi hờn - Ảnh 1.

Nhưng, cuối cùng, đó chỉ còn là những lời nguyện cầu. Sau hat-trick mở màn, sau 4 lần lưới rung qua 180 phút, cỗ máy ghi bàn ấy khựng lại ở trận thứ ba. Còn bây giờ, trận thứ tư, trận knock-out đầu tiên, uy phong của đương kim chủ nhân Quả bóng Vàng châu Âu hoàn toàn phụt tắt, khi đối diện với một Cavani "lên đồng" và một Godin tàn nhẫn.

Anh có lỗi gì không?

Có lẽ là không. Cristiano Ronaldo không cần phải chịu trách nhiệm về bất cứ huyễn tưởng nào đặt lên vai mình. Anh đã đi qua mốc tuổi 30 từ lâu rồi, thực lực của anh - những gì anh giỏi nhất cũng như những gì anh không thể, cũng đã bộc lộ hết với thế giới từ lâu rồi.

Sẽ là bất công, nếu vẫn xem anh chỉ là "cầu thủ lớn của những trận đấu nhỏ". Song, trong vô vàn thời khắc quyết định ở những trận đại chiến mà CR7 từng trải qua, anh hầu như luôn cần được dẫn đường bởi một vệt lân tinh nào đó.

Dù Ronaldo sẵn sàng chết để có được vinh quang, thì vẫn cô đơn đến tủi hờn - Ảnh 2.

Ở Real Madrid, Sergio Ramos là một kiểu "bảo giá tướng quân" như thế. Tại trận chung kết EURO 2016, Eder mới là người hùng. Cristiano Ronaldo, với tâm thức ích kỷ quen thuộc của những "thợ săn bàn" bẩm sinh, cần những bệ phóng ấy.

Anh không và chưa bao giờ là nhân vật thích hợp để tự mình xây dựng thế trận, tổ chức và định hướng lối chơi, khởi xướng và điều tiết mọi đường lên bóng từ trung tuyến. Anh, đơn thuần là một chuyên gia đột kích. Anh có thể trấn áp địch thủ, nhưng lại gặp khó khăn trong việc nâng đồng đội lên những tầm vóc mới.

Anh có đen đủi không?

Dường như là có. Không phải vì cái duyên ghi bàn bỏ anh đi sớm, từ sau loạt trận thứ hai. Vì thời thế đã buộc anh phải phát tiết toàn bộ "tinh hoa" của mình ngay trận đầu.

Dù Ronaldo sẵn sàng chết để có được vinh quang, thì vẫn cô đơn đến tủi hờn - Ảnh 3.

Vốn đã bị mọi đối thủ đặt tất cả các khía cạnh bản thân vào dưới kính hiển vi, CR7 còn phải dốc hết trọn vẹn tiềm năng bùng nổ dự trữ ra hết một lần. Một mình anh làm nên chuyện. Một mình anh "khủng bố" cả hàng thủ Tây Ban Nha. Cũng có nghĩa là anh xác định sẽ phải "đeo gông xiềng nhảy múa" tất cả những cuộc chơi diễn ra sau đó.

Morocco chỉ "để sổng" anh một lần duy nhất, và anh định đoạt trận đấu. Iran không cho anh cơ hội nào, nhưng Quaresma thay anh giang đôi cánh cứu rỗi. Lần này, khi anh bị cô lập bởi trùng vây, Pepe kịp "noi gương" Sergio Ramos, song cú trivela hoang đường của Quaresma không thể được tái hiện. Và thế là kết thúc.

Dù Ronaldo sẵn sàng chết để có được vinh quang, thì vẫn cô đơn đến tủi hờn - Ảnh 4.

Sẽ dễ dàng hơn chăng, nếu "trận derby bán đảo Iberia" không diễn ra sớm đến thế? Bồ Đào Nha không thể xem là "binh hùng tướng mạnh", cũng không còn yếu tố bất ngờ song hành, như cuộc chinh phục dị thường hai năm về trước. Họ còn quá ít quân bài chiến lược, và đáng lẽ những nguồn lực hiếm hoi nên được chắt chiu, hay thậm chí là phải vừa sử dụng, vừa tích lũy.

Song, Bồ Đào Nha vẫn đang là ĐKVĐ châu Âu, còn CR7 sẵn sàng chết để có được Quả bóng Vàng thứ sáu. Và trận ra quân, trước cú sút phạt hàng rào xuất thần ấy, trong lúc đợi tiếng còi mãn cuộc, trận đấu gần như đã trở thành một buổi tập chuyền đầy nhạo báng của các cầu thủ Tây Ban Nha.

Chia sẻ