Đủ kiểu "dìm hàng" sếp của dân công sở
Từ chuyện sếp khó tính, chuyên quyền cho đến phong cách ăn mặc, đầu tóc của sếp đều trở thành đề tài “nóng” trong câu chuyện phiếm của nhiều chị em. Rồi đến cả chuyện của vợ sếp, con sếp hay…bồ sếp cũng được các bà tám khai thác triệt để.
Từ "bệnh" nói xấu sếp
Đã thành thói quen, nói xấu sếp trở thành một “món ăn” hấp dẫn đối với cánh văn phòng. Lúc rảnh rỗi, những câu chuyện về các “vị lãnh đạo” luôn là chủ đề nóng được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ trong các cuộc tán gẫu ở nơi làm việc mà cánh văn phòng còn lập hẳn cả một topic trên mạng để các staff vào “xả hận.” Từ chuyện sếp khó tính, chuyên quyền cho đến phong cách ăn mặc, đầu tóc của sếp đều trở thành đề tài “nóng” trong câu chuyện phiếm của nhiều chị em. Rồi đến cả chuyện của vợ sếp, con sếp hay…bồ sếp cũng được các bà tám khai thác triệt để.
Vừa gặp mấy đồng nghiệp ở nhà ăn của công ty là Linh, nhân viên một công ty ở Cầu giấy đã than vãn: “Cái tay H hôm nay lại dở chứng. Sổ sách mình làm xong và rà đi soát lại không biết bao nhiêu lần rồi giờ lại bắt lôi ra làm lại. Chắc đi qua thấy mình ngồi chơi rảnh rỗi quá nên ấm ức phải “hành” cho bằng được mới thôi.” Tay H mà Linh nhắc đến ở đây là trưởng phòng cô. Trong công ty, chẳng ai lạ gì cái tính độc đoán, áp đặt và hay bắt chẹt nhân viên của H. Đến cơ quan thì hách dịch, độc đoán làm bộ lấy le với nhân viên nhưng về nhà lại sợ sếp bà một phép.
Dù gần 50 tuổi rồi nhưng sếp Linh vẫn thích mặc đồ sặc sỡ, màu mè, quần áo thì teen khỏi nói. Mùa hè, trời nắng nóng, sếp hay xách cặp về sớm nhưng nhân viên đố ai được sếp cho về trước 5h. Linh nói đùa: “Quần áo của sếp mặc còn rực rỡ hơn cả cái Tũn cháu mình. Khi nào mà sếp có style mới là bọn mình lại nói nhỏ với nhau: Hôm nay tắc kè hoa lại đổi màu.”
Khốn đốn với những ông chủ khó tính (Ảnh minh họa)
Còn N.H.N, nhân viên kinh doanh một công ty cổ phần lại gặp phải vị sếp có máu 35. Công ty quy định đi làm mặc váy ngắn, thế là có lần gặp N, ông vờ cúi xuống buộc dây giày tiện tay vuốt vào chân cô khen: “Con bé này ăn gì mà nuột thế!” làm N chết khiếp. Từ hôm ấy N luôn cảnh giác cao độ với ngài giám đốc của mình.
Sếp của H.N nổi tiếng là keo kiệt, tính toán chi li từng tí một, mùa hè nóng nực mà lúc nào cũng bắt nhân viên phải có chủ trương tiết kiệm, tắt hết các thiết bị điện. Nhưng riêng sếp thì vẫn an vị trên phòng cao có máy lạnh “đông ấm, hè mát”, nào thấu cho nỗi khổ của anh em ở dưới. Đã thế lại mê gái, phòng N tháng trước vừa có em mới về, chân dài lại được cái mau miệng, nói ngọt hơn kẹo nên sếp quý kinh khủng, đi đâu cũng dắt em ấy theo. Thành ra bọn nhân viên “già” như N bị cho ra rìa, lại suốt ngày bị so "Bọn em kém hơn Huyền nhiều", "Có gì cứ hỏi Huyền nhé!".
Không thể biểu lộ thái độ trước mặt sếp, nên dù ấm ức chị em vẫn cố gắng nín nhịn "để dành" vào WC cùng hội bạn "tám", hay lát xuống café hoặc vào diễn đàn “xả hận”. Thành ra toilet công sở cũng trở thành địa điểm tránh mặt sếp lí tưởng để chị em buôn chuyện.
Trên một diễn đàn phụ nữ, nickname có tên mapull than thở về ông chủ của mình: “Sếp gì mà không có lập trường chính kiến, cái gì cũng phải hỏi nhân viên. Đến khi làm sai cũng đổ hết lên đầu cấp dưới. Được ông sếp tổng hiền lành, giỏi giang thì khổ nỗi lại đi công tác suốt nên mọi việc ở nhà đều giao lại cho sếp phó. Sếp phó ngày xưa có tiếng lông bông, nhờ mác con ông cháu cha được lót vào, chuyên môn nghiệp vụ thì chỉ ở dạng sơ cấp. Nhưng lúc nào cũng muốn thể hiện mình, giành hết việc của nhân viên mà giải quyết không nổi thì lại hậm hực, khó chịu. Làm được một tý thì lu loa cho cả thiên hạ biết, nhưng nhân viên nhỡ làm sai thì rêu rao cả năm. Còn mức độ ga lăng của sếp phải gọi là ở mức âm vô cùng. Gặp mình bụng bầu vượt mặt, ôm một đống tài liệu to tướng đi từ trên lầu xuống gặp sếp, ông vẫn tỉnh bơ, hai tay đút túi quần bước xuống cầu thang".
Còn bà sếp của Hiền (Hà Nội) thì ghê gớm hơn. Hiền chán ngán tâm sự: "Cái gì sếp nói ra cũng đúng hết. Ai làm khác sếp tức là người đó ngu, kém cỏi. Lúc nào cũng lấy mác du học với 20 năm kinh nghiệm thâm niên trong nghề ra để “thị oai” với nhân viên. Ngày nào cũng đày ải nhân viên bằng cách “ép” làm việc quá giờ có khi đến 11-12 tiếng, không được nghỉ trưa, một năm thì chỉ có 7 ngày nghỉ. “Cho nên trước mặt bà ấy chỉ có vâng với dạ không hơn.”
Có hôm, vừa đặt chân vào công ty, Hiền đã nghe cô bạn đồng nghiệp nhắn gấp: Chị vào phòng sếp phó ngay, hình như có chuyện gì. Hóa ra hôm trước, sếp trưởng có giao việc cho Hiền, xong việc cô chỉ báo cáo lại với sếp trưởng mà không có ý kiến gì với sếp phó nên thành thử bị sếp “để bụng ấm ức”. Hôm đó, Hiền được sếp “ân cần” giáo huấn: "Em là nhân viên của chị, làm gì cũng phải báo cáo chị, đến anh T (sếp trưởng) còn trao đổi công việc với chị, huống hồ gì em, đối nhân xử thế của em kém quá".
Cô bực mình: “Chẳng lẽ công việc do người khác giao cho mình cũng phải báo cáo với sếp phó. Mà nó chẳng liên quan cũng không cần thiết.”
Cô tâm sự: “Muốn bỏ việc lắm nhưng ngặt nỗi cũng chẳng dễ dàng, gì với lại công việc nó ổn định nên cũng quen rồi. Bỏ rồi lại phải vất vả tìm việc mới. Mà chắc gì sếp mới đã hơn sếp cũ. Nói ra để giảm stress chứ xong thì mọi việc đâu lại vào đấy cả.”
Cũng chỉ vì cái tính thích buôn chuyện, tức không chịu nổi phải xả cho hết giận mà nhiều chị em đã bị vạ miệng vì tội dám nói xấu “lãnh đạo.”
Hạnh Vân, làm cho một công ty xuất nhập khẩu ở Đống Đa, đang đứng khua chân múa tay phàn nàn với mấy đồng nghiệp trong phòng về vụ bị khiển trách oan thì sếp đứng ở sau lưng từ lúc nào. Được cái sếp Vân cũng dễ tính, chỉ cười xuề xòa bỏ qua. Từ lần ấy, Vân tỏ ra “kiệm lời” hơn, cũng chẳng dại gì mạnh miệng phát biểu về sếp ở cơ quan. Cô rút kinh nghiệm nếu có tức thì cũng chỉ về than vãn với mẹ ở nhà.
Nhưng không phải ai cũng may mắn gặp được “vị tư lệnh” dễ dàng bỏ qua như Vân. Thấy sếp và Huyền thân thiết nên N phao tin là 2 người đang hẹn hò, bồ bịch. Không hiểu thế nào mà việc lại đến tai sếp bà ở nhà. Đã thế cô lại còn lên một diễn đàn kết tội sếp tính tình nhỏ nhen hơn cả đàn bà, chuyên môn nghiệp vụ kém, lại hay gây áp lực với nhân viên. Không may cho cô là một đồng nghiệp cùng công ty lại biết nick của cô trên diễn đàn. Sẵn tính xu nịnh nên bao nhiêu “nỗi niềm, tâm sự” của H đều được cô bạn “moi” ra hết và gửi thẳng lên cho sếp. Vì thế, cũng không có gì lạ khi ngày hôm sau trong buổi họp của công ty, giám đốc đã thẳng tay sa thải cô nhân viên “lắm chuyện.”
Còn Linh thì cứ mãi lận đận, đến giờ công việc vẫn chưa ổn định. Căn nguyên cũng tại vì bị ám ảnh bởi ông sếp cũ khó tính, dữ như “chằn”, Linh quyết định đầu quân sang công ty khác. Nhưng đi đâu cũng không tránh khỏi “oan gia”, sếp mới còn kinh khủng hơn sếp cũ về độ đàn áp, vắt kiệt sức nhân viên. Ấm ức nên suốt ngày người ta chỉ thấy cô kêu ca, phàn nàn về tính xấu của xếp mình. Nếu không phải là người có năng lực thì ông chủ đã thẳng tay cho cô nghỉ việc từ lâu rồi. Làm được gần một năm, Linh lại đang tính bài “chuồn” vì chịu không nổi. Xem ra công việc của Linh vẫn cứ long đong mãi cũng chỉ vì…sếp khó.