Du khách nước ngoài bị cư dân mạng Việt chửi rủa vì tham gia buổi diễu hành ủng hộ quyền LGBT?
Tuần lễ Tự hào - Hanoi Pride lần thứ 7 diễn vào tháng 9 tại Hà Nội vừa qua của cộng đồng LGBT+ nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân trong nước cũng như du khách nước ngoài. Thế nhưng cũng có một số ít người bày tỏ sự phản đối, chỉ trích về tuần lễ này gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Những năm gần đây, bắt nguồn từ Vietpride, cứ đến dịp tháng 9, cộng đồng LGBT+ lại rộn ràng với các sự kiện Pride.
Trong những ngày này, người ta có thể vô tình bắt gặp màu sắc cầu vồng ở bất kỳ nơi đâu khi xã hội cũng ngày càng cởi mở hơn khi đối diện với sự đa dạng về xu hướng tính dục. Từ đó các sự kiện Pride như Hanoi Pride hay Saigon Pride dần trở thành niềm tự hào và cũng chính là thông điệp mà cộng đồng LGBT+ gửi gắm đến thế giới.
Họ lựa chọn hòa mình vào cộng đồng chung, nỗ lực để nhận được sự bình đẳng và nhận thấy mình không hề cô đơn.
Những cố gắng này của họ đã không hề vô nghĩa khi cứ mỗi năm, mỗi mùa Pride diễn ra tại cả Hà Nội cũng như Sài Gòn lại thêm phần phong phú và đa dạng. Số lượng người tham gia ngày càng đông, thu hút rất nhiều sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.
Ngoài sự ủng hộ của người dân trong nước, tuần lễ Pride tại Hà Nội vừa qua đã nhận về sự ủng hộ của đông đảo du khách nước ngoài đến Việt Nam. Hình ảnh những người nước ngoài nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của sự kiện đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng LGBT+.
Thế nhưng, sau sự kiện pride vừa diễn ra tại Hà Nội vừa qua, cộng đồng LGBT+ bỗng nhận về các chỉ trích, miệt thị mang nhiều tính tiêu cực trên mạng xã hội Việt Nam.
Bên cạnh những lời chỉ trích nhắm thẳng vào cộng đồng LGBT+ thì cũng xuất hiện không ít lời công kích những du khách đã tham gia vào các hoạt động ủng hộ sự kiện Hanoi Pride.
Những lời lẽ mang tính xúc phạm nặng nề như:
"Hãy cút khỏi Việt Nam".
"Cút khỏi đất nước của bọn tao".
Thậm chí, nhiều lời công kích còn nhắm đến cả những em nhỏ theo bố mẹ tham gia sự kiện này:
"Khổ thân cháu, cháu và mẹ hãy cút khỏi Việt Nam đi".
Và còn rất nhiều các lời miệt thị nhắm vào những du khách nước ngoài đã có mặt và ủng hộ sự kiện mang ý nghĩa lớn lao với cộng đồng LGBT+ này.
Đối với những người trong cộng đồng LGBTQ+ và những người ủng hộ, Pride chính là một sự kiện vinh danh, tưởng nhớ và tự hào về hành trình đấu tranh không ngừng nghỉ để hướng tới sự bình đẳng về quyền lợi của chính mình, không phải một xu thế, một cuộc vui hay một hành động cho rằng bản thân mình hơn kẻ khác.
Vậy vì sao 1 sự kiện nhận về nhiều sự đồng tình của người nước ngoài lại bị một số cộng đồng mạng trong nước bài xích và chỉ trích?
Trước hết, đây là một hoạt động của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới). Và theo lời Ban tổ chức của Hanoi Pride 2019 có viết trong thư ngỏ:
“Chúng ta không chỉ diễu hành cho bản thân mình. Chúng ta còn đang diễu hành cho những người đã đứng lên trong quá khứ, cho những người không thể ra đường tham gia ngày hôm nay, và còn cho cả những thế hệ tương lai để họ không phải chịu đựng sự kỳ thị, bất công như thế hệ chúng ta phải trải qua lúc này".
Như những sự kiện đấu tranh vì nhân quyền khác, những người thuộc cộng đồng LGBT+ cũng là "nhân loại" như những kẻ đang ra sức lên án họ. Một sự kiện đấu tranh vì nhân quyền từ bao giờ lại trở thành một hoạt động đáng bị nhận về chỉ trích và lên án của người khác?
Họ diễu hành cho chính bản thân họ, cho những người như họ và với mục đích tìm về cho chính họ sự công bằng mà cộng đồng của mình đáng được nhận. Vậy thì vì sao người khác lại có thể phản đối và yêu cầu dừng lại hoạt động của cả một cộng đồng?
Thật lạ khi những vị khách nước ngoài đến với đất nước ta, họ nhìn nhận ra những điều tích cực trong xã hội Việt Nam, họ ủng hộ nó bằng hành động cụ thể, họ xuống đường hòa mình vào những màu sắc khác nhau của một đất nước không phải quê hương mình.
Vậy nhưng, những du khách nước ngoài này lại nhận được sự "chào đón" đầy tính tiêu cực của những "chủ nhà" khi mà họ đang cố gắng tham gia vào những hoạt động không hề sai trái hay vi phạm pháp luật.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng ở bất kỳ đâu cũng có sự phân luồng nhóm người, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quy chụp một bộ phận con người để đại diện cho cả cộng đồng lớn.
Xu hướng tính dục hay những sự kiện như tuần lễ Pride không phải là xu hướng mới của giới trẻ cũng không phải là nơi để cộng đồng LGBT+ "làm màu" hay "thể hiện đẳng cấp" như những lời ác ý mà những kẻ công kích vẫn thường nói.
Giữa muôn vàn những bình luận mang tích tiêu cực vẫn có những bình luận ủng hộ sự kiện mang tính tự hào này của cộng đồng LGBT+ cũng như đứng về phía du khách nước ngoài đã tham gia ủng hộ tuần lễ Pride.
Những chiếc huy hiệu cầu vồng vẫn được treo đầy trên nào những cặp sách, nào những lá cờ lục sắc, những hình ảnh đó đã đánh dấu một mốc sự kiện quan trọng trong hành trình tìm kiếm sự công nhận, cũng như sự dũng cảm để bước ra khỏi lớp vỏ, bộc lộ chính mình của cộng đồng LGBT+.
Pride hay bất kì sự kiện nào lên tiếng vì quyền lợi của cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam không hề vi phạm chuẩn mực đạo đức hay pháp luật của đất nước.
Vậy thì họ hay những người ủng hộ họ nói chung và những du khách nước ngoài đã có mặt trong sự kiện Pride nói riêng có đáng nhận về những chỉ trích từ một số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam hay không?