Dự báo số ca Covid-19 tăng lên 20.000, Bình Dương cần thêm 5.500 bác sĩ, nhân viên y tế
Dự báo trong 2 tuần tới, số lượng ca mắc Covid-19 của Bình Dương sẽ tăng khoảng 20.000 ca khi tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Đảm bảo năng lực điều trị cho các bệnh nhân, Bình Dương đã đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị.
Hiện, Bình Dương đang có hơn 12.000 ca mắc Covid-19, khoảng 850 trường hợp đã khỏi bệnh, 62 người tử vong. Tỉnh có 16 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ, cùng 166 nhân viên y tế hỗ trợ.
Bình Dương đang triển khai công tác điều trị theo mô hình tháp “3 tầng” (nhẹ, không triệu chứng- trung bình - hồi sức cấp cứu). Bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng được điều trị tại bệnh viện dã chiến đặt ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM tại thành phố Dĩ An; Khu Đại học Việt Đức, thị xã Bến Cát; Khu nhà xưởng Hoàng Hùng ở huyện Bàu Bàng. Ca bệnh mức độ trung bình được điều trị tại trung tâm y tế tuyến huyện. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bình Dương cũng đang trưng dụng nhiều trường học để xây dựng thêm các khu điều trị bệnh nhân Covid-19, đưa tổng công suất lên 20.000 giường; khẩn trương mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, 60 máy thở, mặt nạ oxy, máy đo nồng độ oxy SP02 phục vụ điều trị.
Để đáp ứng điều trị cho 20.000 bệnh nhân Covid-19, Bình Dương đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm 1.500 bác sĩ và khoảng 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên, cùng nhiều trang thiết bị y tế.
Tham gia Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bình Dương, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao việc Bình Dương đã phân tầng điều trị bệnh nhân theo đặc trưng của bệnh Covid-19 và đã có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi số lượng bệnh nhân đông, Bình Dương phải xem xét việc điều phối để giảm tải cho tuyến cuối.
"Nếu không chuyển tuyến hiệu quả, thì những trường hợp nhẹ chuyển xuống đơn vị tuyến cuối sẽ gây quá tải ảo, không còn chỗ để nhận bệnh nhân nặng. Địa phương nên giao cho một đơn vị như Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp điều phối bệnh nhân. Tất cả các trường hợp chuyển bệnh nhân phải thông qua hệ thống chuyển tuyến thì mới có thể đáp ứng và phân phối hiệu quả nhất trong hệ thống này”, ông Khoa cho biết.
Đoàn công tác Bộ Y tế đang khảo sát xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương. Trung tâm dự kiến sẽ được đặt tại Xưởng khởi nghiệp Trường Đại học Quốc tế miền Đông ở thành phố mới Bình Dương, quy mô 500 giường bệnh. Hiện, Bình Dương đang chuẩn bị cơ sở vật chất để cùng với Bộ Y tế hoàn chỉnh Trung tâm ICU trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, Bình Dương đã tiếp nhận gần 30 đoàn chi viện với khoảng 3.500 người, trong đó lực lượng công an, quân đội khoảng 2.000 người và 1.500 cán bộ, điều dưỡng, sinh viên trường y. Các đoàn chi viện đã hỗ trợ Bình Dương trong việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, bảo vệ an ninh trật tự và kiểm soát người, phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.