Đột nhiên mất thính lực và da nổi đốm, coi chừng mắc căn bệnh làm tóc và lông mi trắng như "dị nhân"

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Căn bệnh này làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh do ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến họ cảm thấy mặc cảm, tự ti, hạn chế giao tiếp.

Bạch biến là bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, loại da. Bệnh không lây, không đe dọa tính mạng nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh do ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến họ cảm thấy mặc cảm, tự ti, hạn chế giao tiếp.

Nhân Ngày Bạch biến thế giới 25/6, ThS.BS Lê Thị Minh Ngọc, khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM đã có những chia sẻ về bệnh lý bạch biến và một số bệnh lý đồng mắc liên quan.

Bệnh bạch biến là gì?        

Bạch biến là tình trạng xảy ra do sự phá hủy hay giảm các tế bào hắc tố - tế bào sản xuất sắc tố trên da của mỗi người, dẫn đến hậu quả làm cho da mất màu tự nhiên, vùng da bệnh sẽ trắng hơn bình thường. Ngoài ra, bệnh còn có thể làm trắng tóc và lông mi.

Nguyên nhân gây bệnh bạch biến

Theo bác sĩ Ngọc, nguyên nhân chính xác của bạch biến đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng hầu hết các trường hợp là do tự miễn. Nói một cách khác, hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công chính các tế bào hắc tố bình thường và làm giảm/mất sắc tố trên da.

Mặc dù bạch biến là bệnh lành tính, tuy nhiên người bị bệnh bạch biến có nguy cơ mắc một số bệnh lý khác cao hơn người bình thường. Ngoài ra người bạch biến cũng dễ bị bỏng nắng hơn.

Đột nhiên mất thính lực và da nổi đốm, coi chừng mắc căn bệnh làm tóc và lông mi trắng như "dị nhân" - Ảnh 1.

Dấu hiệu bạch biến

Hãy gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn nếu bạn có các dấu hiệu sau:

Trên da xuất hiện các đốm trắng: Bác sĩ da liễu sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra các đốm trắng trên da của bạn. Nó có thể là bệnh bạch biến hoặc một bệnh ngoài da khác.

Bỏng nắng: Bác sĩ da liễu có thể tư vấn các phương pháp bảo vệ da khỏi tác hại ánh nắng như sử dụng kem chống nắng phù hợp, bận trang phục chống nắng khi ra ngoài trời…

Ngoài ra, người bị bệnh bạch biến nên tầm soát các bệnh khác đi kèm như:

Mất thính lực: Tế bào hắc tố cũng có ở tai trong, do đó nếu cơ thể tấn công các tế bào hắc tố tại đây sẽ có thể gây mất thính lực. Tỉ lệ này có thể thay đổi từ 12- 38% người bệnh bạch biến. Nhưng đa số bệnh nhân không nhận ra vấn đề này. Hãy trao đổi với bác sĩ da liễu để được tầm soát sớm nhé.

Vấn đề của mắt: Vài bệnh nhân bạch biến sẽ có cảm giác thay đổi về thị lực hay có bất thường về tiết nước mắt. Nếu xuất hiện tình trạng này nên có sự phối hợp khám giữa chuyên khoa da liễu và mắt để kiểm soát tốt các triệu chứng này sớm nhất.

Các bệnh tự miễn: Một số bệnh nhân bạch biến có thể liên quan các bệnh lý tự miễn. Bao gồm các bệnh tuyến giáp tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto và bệnh Graves, thiếu máu ác tính, viêm khớp dạng thấp, Lupus, bệnh viêm ruột, bệnh tiểu đường typ 1

Bệnh lý tuyến giáp tự miễn có nhiều dữ liệu nghiên cứu nhất. Các nghiên cứu cho thấy  bệnh  có thể gặp trung bình 10-15% bệnh nhân bạch biến.

Lo lắng và trầm cảm: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người mắc bệnh bạch biến thường cảm thấy lo lắng và xấu hổ. Mọi người thường nhìn chằm chằm hay có những nhận xét không hay. Một số bệnh nhân tỏ ra sợ hãi. Đối mặt với điều này ngày này qua ngày khác có thể ảnh hưởng đến sự tự tin cá nhân dẫn đến trầm cảm.

Bác sĩ Ngọc kết luận, bạch biến là bệnh ngoài da lành tính, có thể gặp ở mọi độ tuổi.

Khi bị bạch biến người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám, điều trị và tầm soát các bệnh lý đi kèm.

Chia sẻ