Đợt dịch lần thứ 4, cả nước đã có 8.669 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Tạ Nguyên,
Chia sẻ

Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4) đến nay cả nước đã ghi nhận 61.940 ca mắc COVID; trong đó đã có 8.669 bệnh nhân khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân nặng hồi phục tốt.

Đợt dịch lần thứ 4, cả nước đã có 8.669 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh - Ảnh 1.

Bệnh nhân làm thủ tục xuất viện. Ảnh: BYT

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 21/7, Việt Nam có tổng cộng 65.607 ca mắc COVID-19. Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4) đến nay cả nước đã ghi nhận 61.940 ca mắc COVID. Trong đó, đến hiện tại, riêng đợt dịch thứ 4 đã có 8.669 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; đưa tổng số bệnh nhân COVID được điều trị khỏi từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay là 11.443 ca.

Hiện tại, cả nước có số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 123 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang phải điều trị ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) là 18 ca.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương như hiện nay, số ca mắc tăng lên nhanh chóng; tuy nhiên, số bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, bệnh nhân nặng bình phục cũng liên tục được công bố, là những tín hiệu vui cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống y tế thời gian qua.

Tại điểm nóng dịch TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 20/7, riêng Bệnh viện dã chiến số 1 đã cho xuất viện trên 1.700 bệnh nhân trong số 4423 ca F0 điều trị tại đây. Bệnh viện dã chiến số 1 của TP. Hồ Chí Minh là loại hình cơ sở thu dung điều trị tầng 1 của mô hình "tháp 4 tầng" trong chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện có nhiệm vụ thu dung điều trị toàn bộ số ca mắc mới và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các khu cách ly tập trung (F1 chuyển sang F0). Đồng thời chủ động phân loại độ nặng của bệnh để kịp thời chuyển tuyến, giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng hơn COVID-19, để các bệnh viện này tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP. Hồ Chí Minh, sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, cũng đã có 106 bệnh nhân nặng, nguy kịch được điều trị tại đây đã hồi phục tốt, chuyển sang trạng thái nhẹ hơn, có thể được chuyển đến các “tầng tháp” thấp hơn để tiếp tục theo dõi điều trị.

TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết: Trong 106 bệnh nhân chuyển nhẹ có 67 bệnh nhân không cần thở oxy, 39 bệnh nhân còn thở oxy gọng kính, để làm được điều đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể các nhân viên của Bệnh viện trong thời gian rất ngắn vừa qua. Theo chiến lược “Tháp 4 tầng” trong điều trị COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường được đặt tại khu điều trị nội trú bệnh viện ung bướu cơ sở 2 chịu trách nhiệm điều trị cho các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, đây được xem là chốt chặn cao nhất trong công tác điều trị COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất của miền Bắc, những ngày gần đây, cũng liên tục công bố các ca khỏi bệnh, các ca bệnh nặng hồi phục.

Riêng trong ngày 20/7, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng có 25 bệnh nhân COVID- 19 khỏi bệnh, được xuất viện trở về địa phương. Hiện tại, Bệnh viện đang điều trị cho 257 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 28 bệnh nhân nặng, nguy kịch gồm: 7 bệnh nhân phải thở oxy, 21 bệnh nhân phải thở máy, 6 bệnh nhân phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Các bệnh nhân vẫn đang được tập trung các điều kiện tốt nhất để cứu chữa. Trước đó nhiều bệnh nhân tưởng như đã rơi vào nguy kịch, thậm chí phải cấp cứu, lọc máu tới 5- 6 lần, chạy ECMO liên tục cả tháng nhưng vẫn được cứu chữa thành công.

Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19 cho biết: Hiện nay việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, điều trị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Có sự phân tầng điều trị, cá thể hóa điều trị người bệnh COVID-19.

Cụ thể, người bệnh COVID-19 được phân loại theo hướng dẫn chẩn đoán và phân bố người bệnh vào cơ sở điều trị phù hợp như: Người bệnh không triệu chứng, người bệnh mức độ nhẹ vào các bệnh viện tuyến quận, huyện, các cơ sở thu dung điều trị ban đầu. Người bệnh mức độ vừa và các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện truyền nhiễm, khoa truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID-19. Người bệnh tình trạng nặng, nguy kịch đưa vào các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa huyện có ICU (hồi sức tích cực).

Nếu số người bệnh vượt quá khả năng, các cơ sở sẽ được hỗ trợ tại chỗ, từ xa, hoặc tiếp nhận điều trị của các bệnh viện được phân công phụ trách theo vùng, bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện truyền nhiễm Trung ương hoặc bệnh viện nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh...

Hiện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đang xây dựng văn bản hướng dẫn về lập kế hoạch đáp ứng công tác điều trị COVID-19; thiết lập cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân COVID-19 (với bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ); thiết lập bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 (chuyển đổi từ bệnh viện sẵn có).

Đồng thời, xây dựng Đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu với các bệnh viện phụ trách vùng, khu vực…; đào tạo, củng cố năng lực hồi sức cấp cứu nâng cao cho các cơ sở điều trị.

Chia sẻ