Đồng nghiệp tự tiện "mượn" đồ rồi làm hỏng, chị em công sở đừng cả nể mà hãy dằn mặt ngay!
Đồ dùng dù lớn dù nhỏ cũng phải bỏ tiền ra mua, nên mọi hành vi tự tiện dùng "chùa" trong môi trường công sở đều đáng bị bài trừ.
Thỏi son của cả văn phòng
H.T (27 tuổi) hiện đang làm nhân viên của một công ty truyền thông. Nổi tiếng là người điệu đà và rất quan tâm đến nhan sắc nên trên bàn làm việc của H.T lúc nào cũng đủ đầy các loại mỹ phẩm, đặc biệt là son môi nhiều màu để sử dụng cho các dịp khác nhau.
Thường ngày, bàn làm việc của H.T có kha khá chị em lui tới để làm thân, trò chuyện rôm rả. Tuy nhiên, sự thật là trò chuyện, tâm sự, trao đổi công việc thì ít mà "mượn" son môi mỹ phẩm thì nhiều. Vốn tính rộng rãi, H.T cũng không nghĩ ngợi nhiều.
Một hôm nắng đẹp, khi chuẩn bị đi gặp khách hàng, H.T tự tay chọn một màu son rực rỡ nhất vừa mới mua cách đây ít hôm để gây ấn tượng. Tuy nhiên, khi mở ra, cô phát hiện cây son của mình đã được dùng qua, không những thế còn bị làm gãy. Bàng hoàng nhưng H.T đành phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì chẳng biết thủ phạm là ai để mà truy cứu.
Câu chuyện bị đồng nghiệp liên tục "mượn đồ" vốn không còn quá lạ lẫm đối với đa phần chị em công sở. Tuy nhiên, "thánh mượn" thì cũng có dăm ba kiểu; có người nhẹ nhàng, thành khẩn mượn rồi trả ngay kèm theo lời cảm ơn; bên cạnh đó, cũng có người âm thầm lặng lẽ chẳng cần xin phép, tự nhiên như đồ đó thuộc quyền sở hữu của mình, sử dụng thoải mái chẳng nói chẳng rằng, có khi còn làm hư luôn tài sản của "khổ chủ".
Chiếc tai nghe công cộng
Câu chuyện của H.T không phải là trường hợp hy hữu. H.H (28 tuổi) làm việc trong môi trường văn phòng kể từ khi ra trường đến nay cũng đã ngót nghét gần 7 năm ròng rã. Vốn là người đam mê âm nhạc nên các dụng cụ phục vụ cho việc nghe nhạc đều được H.H trang bị một cách kỹ lưỡng và tối tân. Đến chiếc tai nghe mà cô sử dụng cũng là loại chất lượng cao nhất.
Vì lẽ đó, tai nghe của H.H rất hay được đồng nghiệp gần xa mượn tạm để thử cảm giác sử dụng đồ "xịn" ra sao. Mọi chuyện cũng chẳng có gì để nói cho đến một hôm vào công ty không thấy chiếc tai nghe thân thương đâu. Đi dò tìm một lúc mới thấy nó nằm chễm chệ trên bàn của chị đồng nghiệp.
Đợi chị vào công ty để hỏi thì H.T nhận được câu trả lời xanh rờn: "Chị thấy tai nghe để đấy, lấy dùng một chút có sao đâu, làm gì mà phải cáu lên rồi gặng hỏi!". Nhưng chị đâu biết, tai nghe là vật không nên dùng chung nhất bởi nó rất dễ gây lây lan nhiều căn bệnh có tác động xấu đối với sức khỏe.
Mất tiền mua đồ dùng, đừng mất nhân cách
Câu chuyện của H.T hay H.H cũng chỉ là một vài trường hợp điển hình trong số vô vàn những câu chuyện "mượn đồ" nơi công sở. Từ những thứ nhỏ nhặt như tờ giấy, cây bút, cái kéo đến những vật dụng lớn hơn, mang nặng tính riêng tư như son môi, tai nghe đều có thể trở thành vật dụng công cộng để "ai muốn lấy cứ lấy, không thể nào hết sạch banh".
Về phần mình, chị em công sở đừng bao giờ tỏ ra nhân nhượng hay nhường nhịn cũng như dung túng cho những hành vi "tự nhiên" kiểu này. Ai cũng phải bỏ tiền ra để mua đồ về dùng, hà cớ gì cứ đi dùng đồ của người khác.
Hãy thẳng thắn chia sẻ cảm nghĩ cũng như bày tỏ sự khó chịu hoặc cứng rắn không cho mượn nếu cảm thấy điều đó là cần thiết. Bởi lẽ, mượn được 1 lần thì chắc chắn sẽ có lần thứ hai và những lần sau đó nữa.
Dù nhỏ hay lớn thì lấy đồ của đồng nghiệp một cách tự nhiên mà không xin phép là một việc không hề được đánh giá cao. Nó không những gây nên sự khó chịu cũng như không vui cho "khổ chủ" mà còn phần nào thể hiện sự yếu kém trong văn hóa ứng xử của người lấy.
Do đó, chị em công sở cũng nên cân nhắc thật kỹ khi đi mượn đồ của đồng nghiệp. Không bao giờ được tự tiện lấy đồ trước khi nhận được sự đồng ý. Bên cạnh đó, sau khi sử dụng xong, hãy trả lại "nguyên đai, nguyên kiện" ban đầu. Trong quá trình sử dụng cần bảo quản một cách cẩn thận để tránh làm hư hỏng hoặc mất mát, thất lạc.
Mượn đồ của đồng nghiệp để dùng là một nét đẹp văn hóa, do đó, hãy thể hiện mình là con người có văn hóa chị em nhé!