Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Lớn nhất trong vòng 100 năm
Tính đến 17h30 chiều 6/2 (giờ Việt Nam), trận động đất xảy ra sáng nay tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria đã khiến ít nhất 1.200 người ở cả 2 nước thiệt mạng, hàng trăm người khác được cho là vẫn bị vùi lấp trong những đống đổ nát. Đây là vụ động đất lớn nhất trong vòng 100 năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Công tác ứng cứu đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các đội cứu hộ và máy móc tới các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất. Tất cả các lực lượng đều đang đặt trong tình trạng báo động, với mục tiêu cao nhất là tìm kiếm và cứu nạn. Trong khi đó những người sống sót cũng đang đào bới các tòa nhà đổ nát để tìm kiếm người thân đang bị vùi lấp.
Anh Bircan Rizvan – người dân tham gia công tác cứu hộ nói: “Vẫn còn người mắc kẹt dưới đống đổ nát. Tôi có một người bạn sống trong căn hộ này, các con của anh ấy đã được giải cứu từ tầng trên cùng và chỉ có con gái anh ấy bị gãy tay. Chúng tôi sẽ xem chuyện gì xảy ra với những người sống ở tầng trệt. Cầu cho họ được bình an”.
Anh Ihsan Cetintas, người sống sót trong trận động đất cho biết: “Tôi đang ngủ thì vợ tôi bất ngờ đánh thức tôi dậy. Trận động đất rất dữ dội, rất đáng sợ. Tôi chưa từng thấy điều gì khủng khiếp như vậy. Chúng tôi nghe thấy âm thanh từ khắp nơi. Phải mất gần hai phút sau trận động đất mới dừng lại”.
Các đài truyền hình TRT và Haberturk cũng phát đi hình ảnh những tòa nhà bị sập sau trận động đất và cảnh người dân tìm kiếm người thân và đồ đạc còn sót lại dưới đống đổ nát của các tòa nhà.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố “báo động cấp 4” và kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế, ít nhất 10 tỉnh thành của nước này cũng sẽ đóng cửa trong vòng một tuần. Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gửi lời cầu chúc tốt lành nhất đến những người dân bị ảnh hưởng bởi động đất và hy vọng nước này sẽ sớm vượt qua thảm họa này, đồng thời khẳng định ông sẽ đến vùng bị nạn trong vài giờ tới.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu kêu gọi người dân không đi vào các tòa nhà đã bị hư hại và nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm những người mắc kẹt dưới các đống đổ nát:
“Tất cả các thống đốc các tỉnh của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Lực lượng hiến binh, cảnh sát, Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, các đội thảm họa và khẩn cấp, Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ và các đội tìm kiếm cứu nạn từ khắp đất nước đang được cử đến các khu vực bị nạn”, ông Soylu nói.
Theo các nhà khí tượng học, nhiệt độ xuống thấp và tuyết rơi tại khu vực sẽ là các trở ngại lớn đối với công tác cứu hộ. Ngoài ra, không loại trừ các dư chấn với độ mạnh cao sẽ diễn ra trong những ngày tới.
Cộng đồng quốc tế cũng nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hà Lan sẽ cử một đội tìm kiếm và cứu hộ tới, Israel cũng thông báo chuẩn bị viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã gửi thông điệp chia buồn và ủng hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông “đau khổ trước những thiệt hại về người và tài sản” do trận động đất và Ấn Độ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ có thể để đối phó với thảm kịch này. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã gửi lời chia buồn tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ đã liên lạc với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết.
Trước đó, theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức (GFZ) trận động đất mạnh 7,9 độ, tâm chấn ở độ sâu 10km xảy ra lúc 4h17 (8h17 phút giờ Hà Nội) ở quận Pazarcik, gần thành phố Kahramanmaras, thuộc tỉnh cùng tên, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria đã gây ra thiệt hại nặng ở cả hai nước. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, số người thiệt mạng trong trận động đất này có thể lên tới 10.000 người./.