Đóng cửa chống dịch, đường phố châu Âu vắng ngắt ngày cuối tuần
Nhiều nước châu Âu đang đồng loạt áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn dịch COVID-19 bùng phát, nhất là thời điểm khi mùa đông đang đến gần.
Các đường phố ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha vắng tanh trong chiều 15/11, ngày thứ hai của đợt đóng cửa. Lệnh mới buộc mọi người phải ở nhà từ 13h hôm trước đến 5h sáng hôm sau vào các ngày cuối tuần. Tất cả cửa hàng và nhà hàng phải đóng cửa trong thời gian tương tự, ngoại trừ các tiệm bánh, hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa bán đồ mang về.
Trong khi đó, tại Pháp, quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất châu Âu, những người ra đường đều phải có giấy phép bắt buộc, chứng nhận họ ra ngoài là vì công việc cần thiết như thăm người ốm, mua sắm thực phẩm hay đi khám bệnh. Công dân không xuất trình giấy tờ sẽ bị phạt 135 Euro (khoảng 3,7 triệu đồng).
Nhiều nước châu Âu đã áp đặt lệnh đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Reuters dẫn lời giới chức Pháp cho biết, cảnh sát đã thu thập được bằng chứng ở Paris về các bữa tiệc bí mật được tổ chức tại nhà riêng với khoảng 300 người tham gia hôm 13/11 vừa qua.
Còn tại Italy, dù đã đưa thêm 2 vùng vào mức cảnh báo đỏ, giới chức nước này vẫn phải huy động cả cảnh sát để kiểm tra các đám đông. Trong 6 khu vực màu đỏ, người dân chỉ được phép rời khỏi nhà vì công việc, lý do sức khỏe hoặc trường hợp khẩn cấp. Các quán bar, nhà hàng và hầu hết cửa hàng vẫn phải đóng cửa.
Quán bar, nhà hàng vắng tanh tại London, Anh. (Ảnh: AP)
Những con phố đìu hiu càng khiến mùa lễ hội cuối năm ảm đạm hơn. Tuy nhiên, sự lo lắng của giới chức các nước là có cơ sở khi mà mới hôm nay (16/11), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là lần thứ 2 nhà lãnh đạo Anh phải cách ly với nguy cơ tái mắc COVID-19. Điều đó cho thấy, nếu không đảm bảo các quy tắc giãn cách xã hội, bất cứ ai cũng có thể tái mắc bệnh và dịch bệnh sẽ kéo dài khó kiểm soát.