Đổi tiền lẻ qua mạng dịp Tết: Coi chừng phạm pháp, “sa bẫy” lừa đảo

Nguyễn Hiền,
Chia sẻ

Mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Càng cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trên các hội nhóm, mạng xã hội xuất hiện càng nhiều bài đăng về dịch vụ đổi tiền mới, tiền seri đẹp với số lượng thành viên đông đảo từ vài ngàn cho đến hàng chục ngàn người tham gia. Nhiều tài khoản đã giao đổi tiền mới với nhiều mệnh giá từ 1.000 đồng đến 500.000 đồng với mức phí dao động từ 3%-20% tuỳ thời điểm.

Dịch vụ đổi tiền công khai trên mạng.

Chỉ cần gõ cụm từ “đổi tiền lẻ” trên trang facebook cá nhân, người dùng dễ dàng quan sát thầy, có rất nhiều tài khoản thực hiện công việc này, với lượng tiền tương đối lớn. Nhiều tài khoản xuất hiện lượng tiền được xếp thành từng cột cao ngất ngưởng, hoặc để trong nhiều bao tải với nhiều mệnh giá khác nhau. Nhiều tài khoản còn công khai cả địa chỉ nhà để giao dịch. Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận tuyển cộng tác viên đăng bài để kiếm lời từ 2% đến 15%.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, trên không gian mạng còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.

Tuy nhiên, theo điều 12 và 13 thông tư số 25 của Ngân hàng nhà nước, các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức nhằm hưởng phần %, chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật. Các hành vi này đều chịu xử phạt từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân, 40-80 triệu đồng đối với tổ chức.

Về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, Thiếu tá, Tiến sỹ Phùng Văn Hà, Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân khẳng định, xuất phát từ việc có rất nhiều người có nhu cầu đổi tiền lẻ từ các kênh thanh toán khác nhau. Chính vì vậy, rất nhiều đối tượng nắm bắt được nhu cầu này đã đăng tin quảng cáo ở các trang mạng xã hội và dịch vụ này gia tăng vào dịp Tết nguyên đán.

“Về loại tiền để đổi, trước đây chỉ có tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Hiện nay, những người có dịch vụ này có thể đổi cả tiền của nước ngoài phát hành. Về hình thức đổi, trước đây, chỉ đổi thông qua các tài khoản cá nhân, nhưng hiện nay các đối tượng quảng cáo rầm rộ trên nhiều trang mạng khác nhau. Đây là một xu thế, và diễn biến gắn với dịp Tết Nguyên đán”- Thiếu tá, Tiến sỹ Phùng Văn Hà phân tích.

Thực tế, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách. Giải thích nguyên nhân xảy ra tình trạng này, Thiếu tá, Tiến sỹ Phùng Văn Hà phân tích, chủ yếu là do nhu cầu đổi tiền rất cao mà các cơ quan được phép thực hiện lại không đáp ứng được. Chính vì vậy, nhiều người muốn được tiện lợi, nhanh chóng, nên dễ dàng kết nối với các tài khoản trên mạng để đổi. Từ đó, tự dẫn mình đến tình trạng nguy cơ trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật.

Thiếu tá, Tiến sỹ Phùng Văn Hà, Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân

“Về nguyên nhân chủ quan, bản thân những người có nhu cầu đổi tiền cũng không có nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Còn các cơ quan chức năng, cơ quan tuyên truyền cũng chưa làm tốt nhiệm vụ của mình trong tuyên truyền giải thích, hướng dẫn đúng cho người dân, để người dân đến đúng cơ sở có thể đổi tiền hợp pháp”- Thiếu tá, Tiến sỹ Phùng Văn Hà nói.

Thiếu tá, Tiến sỹ Phùng Văn Hà khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ hãy đến các cơ quan được Nhà nước cho phép thực hiện giao dịch này. Ví như, hệ thống ngân hàng thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, hoặc hệ thống kho bạc.

Nếu trong trường hợp vì lý do chủ quan, hoặc khách quan nào đó không thể đến được những đơn vị này, khi kết nối được với những người cho đổi tiền lẻ, người dân phải kiểm tra thật kỹ các thông tin cá nhân. Người dân tuyệt đối không được gửi tiền đặt cọc trước. Khi nhận được tiền phải kiểm tra tiền đó có đúng mong muốn, yêu cầu. Đặc biệt, tiền đó có phải tiền thật hay không? Bởi, nếu như người đi đổi tiền, biết được tiền đó là tiền giả mà tiếp tục lưu hành có thể dẫn đến vi phạm pháp pháp luật. Đó là tội lưu hành tiền giả.

Về phía cơ quan chức năng, trước tình trạng trên, mới đây Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân. Trong đó, Cục nhấn mạnh việc người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo; Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.

Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, người dân hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường.

Cùng với đó, cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Chia sẻ